Công cụ thuế nói chung có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế. Trước hết, thuế giúp ổn định thị trường, điều tiết nền kinh tế. Bằng công cụ thuế, nhà nước có thể thúc đẩy hoạt động kinh tế này hay hạn chế hoạt động kinh tế khác trong nền kinh tế. Thuế tác động đến cung cầu của thị trường, theo đó điều tiết hoạt động của thì trường, điều chỉnh chu kỳ kinh tế. Bên cạnh vai trò tạo ra nguồn thu ngân sách ổn định lâu dài để đáp ứng nhu cầu chi tiêu công của nhà nước, vận hành bộ máy nhà nước, và chi cho đầu tư phát triển, thuế còn đóng vai trò tái cơ cấu kinh tế, định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực, thành phần kinh tế, phù hợp theo đúng định hướng của nhà nước và đảm bảo công bằng xã hội thông qua việc phân phối lại thu nhập.
Cũng giống như các sắc thuế khác, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) cũng có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong công tác điều hành chính sách vĩ mô của nhà nước. Cụ thể, thuế TTĐB là loại thuế gián thu được nhà nước sử dụng như một công cụ hiệu quả để điều tiết sản xuất, tiêu dùng và thu nhập của người tiêu dùng đối với một số hàng hóa, dịch vụ nhất định. Thuế đánh một lần ở khâu sản xuất/nhập khẩu, khi luân chuyển qua khâu lưu thông sẽ không bị đánh thuế. Mục tiêu chính của sắc thuế này là nhằm điều chỉnh hành vi người tiêu dùng. Thuế tiêu thụ đặc biệt có diện đánh thuế hẹp, chỉ áp dụng đối với một số loại hàng hóa, dịch vụ mà nhà nước muốn điều tiết tiêu dùng ở mức hợp lý, không khuyến khích sử dụng. Để phát huy và nâng cao hiệu quả của công cụ thuế nói chung và thuế TTĐB nói riêng, vừa qua Bộ Tài chính đã có đề nghị xây dựng dự án Luật thuế TTĐB (sửa đổi) trình Chính phủ trên cơ sở thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, đáp ứng các yêu cầu thực tiễn phát sinh và phù hợp với xu hướng cải cách thuế của các nước.
Các phương pháp tính thuế TTĐB
Luật thuế TTĐB của Việt Nam[1] từ khi được ra đời vào năm 1990, qua nhiều lần sửa đổi đến nay đều chỉ quy định và áp dụng phương pháp tính thuế theo tỷ lệ phần trăm (hay còn gọi là phương pháp tính thuế tương đối) với căn cứ tính thuế là giá tính thuế của hàng hoá, dịch vụ chịu thuế và thuế suất. Mức thuế suất được quy định khác nhau đối với từng mặt hàng, trong đó mức thuế suất thuế TTĐB cao nhất hiện nay là 150% áp dụng đối với xe ô tô (xe 09 chỗ ngồi trở xuống, dung tích xi lanh trên 6.000cm3). Đối với một số mặt hàng, nhà nước có xu hướng điều chỉnh tăng dần thuế suất theo lộ trình để phù hợp với yêu cầu quản lý trong từng giai đoạn phát triển kinh tế-xã hội (ví dụ như thuốc lá, rượu, bia).
Một điểm nổi bật trong đề nghị xây dựng dự án Luật thuế TTĐB (sửa đổi) lần này của Bộ Tài chính đang được dư luận chú ý là đề xuất bổ sung căn cứ tính thuế TTĐB theo phương pháp thuế tuyệt đối, phương pháp thuế hỗn hợp, bên cạnh phương pháp tương đối truyền thống mà Việt Nam vẫn áp dụng từ trước đến nay. Cụ thể, phương pháp tính thuế tuyệt đối là đánh mức thuế tuyệt đối trên một lượng hàng hóa, dịch vụ chịu thuế còn phương pháp tính thuế hỗn hợp kết hợp cả cách tính thuế theo tỷ lệ phần trăm và mức thuế tuyệt đối. Trên thế giới, tuỳ mục tiêu kinh tế-xã hội và đặc thù thị trường của các hàng hoá dịch vụ cần điều tiết sản xuất, tiêu dùng, các quốc gia sẽ lựa chọn áp dụng linh hoạt phương pháp tính thuế TTĐB phù hợp với điều kiện cụ thể của quốc gia mình, bởi mỗi phương pháp đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định.
Thuế tương đối có tính chất lũy tiến, áp dụng trên giá bán ra, giá cung ứng dịch vụ. Vì vậy sản phẩm có giá bán càng cao thì số thuế TTĐB phải nộp càng lớn. Về khía cạnh điều tiết thị trường, khi tính thuế theo tỷ lệ phần trăm thuế trên giá bán sẽ tạo ra sự công bằng tương đối cho các phân khúc hàng hoá, dịch vụ trên thị trường vì người mua sẵn sàng trả mức giá nào thì cũng sẵn sàng trả mức thuế tương ứng. Cách tính thuế này tạo sự linh hoạt trong việc điều tiết tiêu dùng tương ứng với mức thu nhập. Do đó, phương pháp tính thuế tương đối thường được sử dụng tại các quốc gia mà phân
khúc hàng hoá, dịch vụ chịu thuế TTĐB trên thị trường được phân loại rõ rệt, sản phẩm cùng loại nhưng giá bán có sự khác biệt lớn. Theo phương pháp này, thuế sẽ tự điều chỉnh theo lạm phát, chính phủ không phải thường xuyên điều chỉnh mức thuế suất theo ảnh hưởng của lạm phát. Tuy nhiên, mặt hạn chế của phương pháp này là việc tính thuế căn cứ vào giá bán nên có thể gia tăng chi phí quản lý của nhà nước do phải kiểm soát giá cả và cũng khó dự đoán nguồn thu ngân sách.
Thuế tuyệt đối được áp dụng dựa trên lượng hàng hoá, dịch vụ chịu thuế và áp dụng mức thuế cố định đối với mỗi đơn vị sản lượng của một loại sản phẩm có các tính chất tương tự. Phương pháp tính thuế tuyệt đối được sử dụng phổ biến ở các nước phát triển tại Châu Âu. Hiện nay, một số nước trong khu vực ASEAN cũng đã áp dụng cách tính thuế này đối với các mặt hàng như thuốc lá, rượu bia. Phương pháp thuế tuyệt đối khi áp dụng sẽ ảnh hưởng tức thì đến hành vi tiêu dùng, đặc biệt đối với nhóm mặt hàng ở phân khúc phổ thông giá thấp. Khi áp dụng thuế tuyệt đối, mỗi đơn vị sản phẩm sản xuất/nhập khẩu bán ra sẽ chịu một khoản thuế như nhau như một mức giá tối thiểu mà không phân biệt phân khúc của sản phẩm và giá bán sản phẩm tương ứng. Theo đó, trên phương diện thị trường, các sản phẩm ở phân khúc giá cao sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn vì giá bán sẽ tăng lên ít hơn so với cách tính thuế theo tỷ lệ phần tram. Trong khi đó, các sản phẩm ở phân khúc giá trung bình và thấp, giá bán sẽ tăng lên nhiều hơn. Điều này vô hình chung có thể tạo ra sự thiếu công bằng giữa các doanh nghiệp.
Thuế hỗn hợp là sự kết hợp giữa hai phương thức tính thuế tương đối và thuế tuyệt đối. Phương thức này kết hợp được những ưu điểm của cả hai phương thức trên nhưng việc kết hơp cũng dẫn đến việc tính toán có thể phức tạp hơn và khó dự tính số thu ngân sách. Một số quốc gia sử dụng phương pháp này như một bước chuyển trung gian trước khi thay đổi từ phương pháp tương đối sang phương pháp tuyệt đối.
Những điều chỉnh về thuế TTĐB đối với ngành rượu bia trong bối cảnh hiện nay
Nhiều quốc gia trên thế giới đều áp dụng thuế TTĐB đối với sản phẩm rượu, bia nhằm điều tiết sản xuất và tiêu dùng, hạn chế lạm dụng đồ uống có cồn để bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng. Trong đó, các quốc gia cũng sử dụng các phương pháp tính thuế khác nhau tùy theo tình hình cụ thể của mỗi quốc gia. Hiện nay, có một số ý kiến đề xuất Việt Nam nên nghiên cứu, áp dụng phương pháp tính thuế tuyệt đối hoặc thuế hỗn hợp đối với các sản phẩm rượu bia như một số quốc gia trên thế giới đang áp dụng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, thị trường rượu bia của Việt Nam có những đặc điểm rất khác biệt so với các quốc gia trên thế giới, vì vậy việc lựa chọn áp dụng phương pháp tính thuế nào phải được các nhà làm chính sách nghiên cứu, tính toán cẩn trọng và đánh giá kỹ lưỡng để ít gây ảnh hưởng nhất đến các doanh nghiệp nhưng đạt được mục tiêu chính sách.
Những biến động lớn trên thế giới và đại dịch COVID-19 vừa qua đã ảnh hưởng đến hầu hết các doanh nghiệp trong mọi ngành nghề, lĩnh vực. Các doanh nghiệp ngành bia rượu cũng không nằm ngoài những ảnh hưởng này. Theo quan sát gần đây, kết quả kinh doanh của ngành bia rượu trong thời gian vừa qua được ghi nhận có sự sụt giảm đáng kể[2]. Đại dịch COVID-19 từ cuối năm 2019 và cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu từ chiến tranh Nga-Ukraina đã tác động rất lớn đến sản lượng sản xuất và tiêu thụ bia nói riêng và các đồ uống có cồn nói chung, gây ra nhiều khó khăn, thách thức cho các doanh nghiệp sản xuất rượu bia trong nước.
Tại thời điểm hiện nay, khi các doanh nghiệp đang phải tập trung khắc phục khó khăn và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh giai đoạn hậu COVID-19, Chính phủ cần ưu tiên tiếp tục có các biện pháp hỗ trợ, giúp doanh nghiệp sớm ổn định sản xuất kinh doanh. Trong điều kiện cần thiết phải sửa đổi chính sách thuế TTĐB để đáp ứng yêu cầu quản lý và thực tiễn. Do đó, giải pháp chính sách như Bộ Tài chính đề xuất về việc tiếp tục duy trì phương pháp tính thuế tương đối đối với rượu bia, nghiên cứu điều chỉnh thuế suất theo lộ trình là phương án phù hợp.
Bài viết đầu tiên được đăng trên Tạp chí Nhà đầu tư ngày 3 tháng 7 năm 2023
Ghi chú dành cho độc giả:
Quan điểm trong bài báo này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của tổ chức EY toàn cầu và các thành viên.