Bà Huyền Nguyễn, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần tư vấn Ernst & Young Việt Nam (thành viên Ernst & Young toàn cầu, một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới), đã chia sẻ với Tuổi Trẻ về thuế thu nhập cá nhân.
Bà cho rằng mức giảm trừ gia cảnh hiện nay của Việt Nam chưa đủ để người lao động trang trải chi phí sinh hoạt.
Không nên cố định mức giảm trừ gia cảnh
Bà có thể chia sẻ kinh nghiệm ở một số nước trong cách tính thuế thu nhập cá nhân để đảm bảo mức sống của người dân sau khi đóng?
- Theo Numbeo - cơ sở dữ liệu dành cho người dùng trên toàn thế giới, chi phí sinh hoạt hằng tháng (chưa bao gồm chi phí thuê nhà) tại thời điểm tháng 10-2022 của 1 người ở Việt Nam là khoảng 10,8 triệu đồng/tháng và của 1 gia đình bốn người là khoảng 38,5 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, tổng giảm trừ gia cảnh cho mục đích tính thuế với một gia đình 4 người gồm 2 vợ chồng và 2 con của Việt Nam chỉ 30,8 triệu đồng/tháng.
Mức giảm trừ gia cảnh cũng thường được cố định trong một khoảng thời gian dài, trong khi chi phí của người dân có xu hướng tăng qua các năm.
Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi năm 2012 quy định chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Việc này là khá chậm trễ và không kịp phản ánh thực tế gánh nặng giá cả lên người lao động.
Vậy theo bà nên điều chỉnh thế nào?
- Để tránh việc mức giảm trừ gia cảnh không phù hợp với chi phí sinh hoạt thực tế của cá nhân, theo tôi, Chính phủ nên cân nhắc các phương án:
Thứ nhất, cân nhắc không quy định mức giảm trừ gia cảnh cố định mà dựa trên CPI từng năm. Tức năm đó CPI tăng bao nhiêu thì Nhà nước tăng mức giảm trừ gia cảnh tương ứng.
Phương án 2 là rút ngắn thời gian điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, ví dụ vượt 10% thì điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, thay vì đợi tới 20%.
Về cơ bản, Luật thuế thu nhập cá nhân các nước đều đưa ra các khoản giảm trừ khi xác định thu nhập tính thuế thu nhập cá nhân. Các khoản giảm trừ này nhằm đảm bảo người lao động không phải đóng thuế nếu mức thu nhập không đủ trang trải cuộc sống.
Có những nước bên cạnh giảm trừ cho bản thân và người phụ thuộc, còn có khoản giảm trừ cho các khoản đóng bảo hiểm tự nguyện (ví dụ Thái Lan, Malaysia), chi phí thuê nhà, lãi vay mua nhà để ở (ví dụ Trung Quốc, Thái Lan), chi phí đào tạo, chi phí khám chữa bệnh (ví dụ Malaysia, Trung Quốc).
Luật thuế thu nhập cá nhân tại Việt Nam cũng rất nhân văn khi cho phép không tính thuế các khoản chi phí mua bảo hiểm sức khỏe cho người lao động và chi phí đào tạo cho người lao động chi trả bởi người sử dụng lao động...
Tuy nhiên, Luật thuế thu nhập cá nhân nên được cân nhắc bổ sung một số khoản chi phí như chi phí mua bảo hiểm nhân thọ, chi phí mua bảo hiểm sức khỏe, chi phí khám chữa bệnh, chi phí cho giáo dục đào tạo và một số loại chi phí khác do người lao động tự chi trả vào danh sách các khoản giảm trừ trước tính thuế thu nhập cá nhân.
Điều này không những giúp người dân có nguồn đầu tư vào sức khỏe, y tế, giáo dục - các yếu tố có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển bền vững của một quốc gia - mà còn thúc đẩy hoạt động kinh doanh, tạo ra tiềm năng tăng thu thuế thu nhập doanh nghiệp của các doanh nghiệp trong các lĩnh vực trên.