Trong bối cảnh các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới ngày càng phát triển, việc kiểm soát các giao dịch và công tác quản lý thuế cũng càng trở nên khó khăn hơn trước. Bà Hương Vũ - Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn EY Việt Nam cho rằng, trước cơ hội và thách thức, cơ quan thuế cần tham khảo kinh nghiệm các quốc gia trên thế giới và trong khu vực để nhanh chóng sửa đổi các quy định của pháp luật thuế nội địa, nhằm tận dụng các cơ hội liên quan khi các nguyên tắc của Trụ cột 1 được đưa vào áp dụng.
PV: Giải pháp Hai Trụ cột (BEPS 2.0) mà Việt Nam tham gia sẽ tác động ra sao đến quyền đánh thuế hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới, đặc biệt là các nhà cung cấp ở nước ngoài (NCCNN) không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, thưa bà?
Bà Hương Vũ: Đầu tháng 10/2021, 136 nước thành viên của Diễn đàn hợp tác chung của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), trong đó có Việt Nam, đã thông qua một số chính sách thuế mới mang tính lịch sử, hướng tới việc chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng trong việc thu hút đầu tư giữa các quốc gia. Trụ cột 1 của chính sách thuế mới này đã đưa ra giải pháp nhằm điều phối, phân bổ lại một phần lợi nhuận từ các công ty đa quốc gia (MNEs) cho các lãnh thổ mà những công ty này có kinh doanh và phát sinh lợi nhuận dù công ty đó có hiện diện vật lý ở đó hay không.
Việc thu thuế đối với các NCCNN không có cơ sở thường trú tại Việt Nam là một vấn đề rất được ngành Thuế quan tâm. Tuy nhiên, từ trước tới nay, Việt Nam mới thực hiện quản lý thuế theo cách tiếp cận khấu trừ thuế tại nguồn theo cơ chế thu thuế nhà thầu, bao gồm hai cấu phần: thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và thuế giá trị gia tăng (GTGT). Với cơ chế khấu trừ thuế tại nguồn, về cơ bản cơ quan thuế chủ yếu chỉ kiểm soát và thu thuế được các giao dịch giữa doanh nghiệp (DN) với DN (B2B) và khó kiểm soát hơn đối với các giao dịch giữa DN và người tiêu dùng cuối cùng (B2C), gây ảnh hưởng đến nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 80/2021/TT-BTC và Tổng cục Thuế chính thức vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho NCCNN, các NCCNN không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam đã chính thức có nghĩa vụ và có thể chủ động thực hiện kê khai nghĩa vụ thuế nhà thầu trực tiếp với cơ quan thuế của Việt Nam.
Điển hình, một loạt các công ty lớn có hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số như: Amazon, Facebook, Google, Tiktok và nhiều công ty khác, đã đăng ký, kê khai và nộp thuế với cơ quan thuế Việt Nam. Với cơ chế vận hành của cổng thông tin điện tử này, cơ quan thuế của Việt Nam đã bắt đầu kiểm soát và thu được số thuế khá lớn từ các giao dịch B2C và cả đối với các giao dịch B2B mà trước đây chưa thể kiểm soát và thu thuế đầy đủ.
PV: Theo bà, giải pháp Trụ cột 1 mang đến cơ hội gì cho Việt Nam trong thực hiện quyền đánh thuế?
Bà Hương Vũ: Trụ cột 1 là một cải cách thuế tiến bộ, hướng tới một cách đánh thuế công bằng hơn cho các quốc gia, không dựa trên sự hiện diện vật lý (nơi đặt trụ sở chính và tài sản trí tuệ) mà trên cơ sở thị trường cuối cùng nơi hàng hóa hoặc dịch vụ được sử dụng hoặc tiêu thụ. Áp dụng các nguyên tắc này Việt Nam có cơ hội được hưởng lợi nhưng cũng phải đối mặt với những thách thức nhất định.
Tôi cho rằng, với cải cách của Trụ cột 1, sẽ có phương pháp tiếp cận mới về đánh thuế cũng như phân bổ thuế cho các quốc gia. Việt Nam là quốc gia có thể được hưởng lợi từ Trụ cột 1. Ví dụ, một công ty đa quốc gia bất kỳ, thuộc phạm vi điều chỉnh của Trụ cột 1, phát sinh doanh thu ít nhất 1 triệu EUR từ khách hàng Việt Nam, một phần lợi nhuận phụ trội của công ty đa quốc gia đó sẽ được phân bổ cho Việt Nam cho mục đích đánh thuế (dựa trên tiêu chí phân bổ là doanh thu).
Theo OECD ước tính, hơn 100 tỷ USD lợi nhuận dự kiến sẽ được phân bổ lại cho các quốc gia mỗi năm theo cơ chế này. Các con số này cho thấy rằng, Việt Nam có thể có cơ hội tăng nguồn thu thuế đáng kể từ các công ty thuộc đối tượng áp dụng của Trụ cột 1. Thực tế, các công ty này chưa có trụ sở tại Việt Nam nên Trụ cột 1 sẽ tạo tiền đề, cơ sở rõ ràng để Việt Nam thu thuế từ các công ty này.
PV: Vậy bà có khuyến nghị gì đến cơ quan thuế?
Bà Hương Vũ: Trong bối cảnh các hoạt động kinh doanh TMĐT và kinh doanh trên nền tảng số ngày càng trở nên phức tạp và tinh vi, dẫn đến việc kiểm soát các giao dịch và các nghĩa vụ thuế phát sinh càng trở nên khó khăn hơn trước, cách tiếp cận truyền thống theo cơ sở thường trú trở nên không còn phù hợp nữa. Các chính sách thuế quốc tế đã có những xu hướng thay đổi lớn để phù hợp hơn với sự phát triển này. Việt Nam không thể đứng ngoài các xu thế này.
Theo đó, một mặt ngành Thuế cần nắm bắt, cập nhật đầy đủ các thông tin, chủ động và tích cực trong quá trình đàm phán và hoàn thiện các nguyên tắc cụ thể của Trụ cột 1, để đảm bảo phân tích, đánh giá đúng ảnh hưởng của trụ cột này trong quá trình áp dụng cũng như đề ra các chính sách thuế nội địa liên quan.
Mặt khác, ngành Thuế cần tham khảo kinh nghiệm các quốc gia trên thế giới và trong khu vực để nhanh chóng sửa đổi các quy định của pháp luật thuế nội địa, nhằm tận dụng các cơ hội liên quan khi các nguyên tắc của Trụ cột 1 được đưa vào áp dụng.
Ngoài ra, ngành Thuế cần cải thiện hơn cơ chế, thủ tục và có những hướng dẫn rõ ràng và linh hoạt hơn, nhằm nâng cao hiệu quả của cơ chế kê khai thuế trực tiếp qua Cổng thông tin điện tử dành cho NCCNN theo hướng đơn giản, thuận tiện và tin cậy nhất cho người nộp thuế.
PV: Xin cảm ơn bà!
Ghi chú dành cho độc giả: Quan điểm trong bài báo này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của tổ chức EY toàn cầu và các thành viên.
Theo Thời báo Tài chính xuất bản ngày 28 tháng 9 năm 2022