Ông Phạm Ngọc Long: Hiện nay, có 5 phương pháp so sánh xác định giá giao dịch độc lập được chấp nhận.
Người nộp thuế khi áp dụng theo một trong năm phương pháp trên, nếu giá/tỷ suất lợi nhuận của giao dịch liên kết nằm trong khoảng giá trị giao dịch độc lập thì giá giao dịch đó là phù hợp.
“Khoảng giá trị giao dịch độc lập” là tập hợp các giá trị về mức giá, tỷ suất lợi nhuận hoặc tỷ lệ phân bổ lợi nhuận của các đối tượng so sánh độc lập, các giá trị thuộc tập hợp này có mức độ so sánh tin cậy tương đương nhau. Trong trường hợp cần thiết, doanh nghiệp có thể áp dụng phương pháp xác suất thống kê để xác định khoảng giá trị giao dịch độc lập chuẩn và giá trị trung vị mang tính chất đại diện, phổ quát, phổ biến nhằm tăng độ tin cậy của tập hợp các đối tượng so sánh độc lập.
Thực tế cũng có trường hợp mức giá/tỷ suất lợi nhuận/tỷ lệ phân bổ lợi nhuận của doanh nghiệp không thuộc khoảng giá trị giao dịch độc lập chuẩn của các đối tượng so sánh độc lập tương đồng. Khi đó, họ phải xác định giá trị thuộc khoảng giao dịch độc lập chuẩn, phản ánh mức độ tương đồng cao nhất với giao dịch liên kết để điều chỉnh mức giá, tỷ suất lợi nhuận, tỷ lệ phân bổ lợi nhuận của giao dịch liên kết.
Nhìn chung, đây là một vấn đề khá phức tạp và doanh nghiệp cũng phải đối diện nhiều rủi ro pháp lý nếu không nắm chắc quy định pháp luật cũng như kinh nghiệm thực tế. Do đó, các doanh nghiệp nên có sự tham vấn chuyên môn đầy đủ của các chuyên gia tư vấn nhằm đảm bảo tuân thủ cao nhất các quy định về kê khai và lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết.
PV: Ngoài cơ quan thuế, cổ đông và nhà đầu tư của các công ty đại chúng cũng khá quan tâm đến các giao dịch liên kết. Vậy, các cổ đông và nhà đầu tư có thể kiểm soát các giao dịch liên kết như thế nào để đảm bảo lợi ích cổ đông đại chúng?
Ông Phạm Ngọc Long: Các nội dung tại Nghị định 132 chỉ tập trung vào mặt quản lý thuế trong các giao dịch liên kết trên cơ sở góc độ quản lý nhà nước, còn với góc độ quan tâm của cổ đông và nhà đầu tư thì thuộc phạm vi quản trị của nội bộ công ty.
Về cơ bản, giao dịch liên kết giữa doanh nghiệp trong nội bộ tập đoàn nếu không làm thất thoát lợi ích chung của toàn tập đoàn ra bên ngoài thì cũng không ảnh hưởng đến lợi ích của các cổ đông.
Ngoài ra thực tế theo tôi được biết, Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Chứng khoán năm 2019 cũng có những quy định yêu cầu doanh nghiệp phải thông qua đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị trong các giao dịch với bên liên quan có quy mô lớn. Các cổ đông khi tham gia xây dựng điều lệ công ty cũng có thể yêu cầu công ty đưa thêm những quy định để kiểm soát việc thất thoát lợi ích của doanh nghiệp bởi các giao dịch liên kết (nếu có).