Forbes Việt Nam: Thời gian qua Việt Nam nổi lên như một trung tâm xuất khẩu một số lĩnh vực như điện tử, dệt may, da giày… Trước đây, Việt Nam đã thực hiện các biện pháp chủ chốt nào để thu hút các công ty lớn đầu tư vào Việt Nam?
Bà Hương Vũ: Kể từ năm 1990, Việt Nam không ngừng thu hút FDI với tổng vốn đăng ký còn hiệu lực tính đến ngày 20 tháng 6 năm 2024 là gần 485 tỷ USD. Từ năm 2015 đến nay, Việt Nam luôn giữ vững vị trí thứ ba trong khu vực ASEAN về thu hút FDI, chỉ đứng sau Singapore và Indonesia, khẳng định sự hấp dẫn của mình trên bản đồ đầu tư toàn cầu.
Thành quả này có được nhờ việc Việt Nam đã thực hiện một loạt các giải pháp ưu đãi thu hút đầu tư.
Đầu tiên phải kể đến là nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm bớt các rào cản thương mại, và tạo điều kiện thuận lợi cho việc kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ hai là các chính sách ưu đãi đầu tư, trong đó đáng kể là các ưu đãi thuế như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu cho máy móc thiết bị, và các ưu đãi khác.
Thứ ba là việc Việt Nam mở rộng quan hệ hợp tác với hầu hết các nền kinh tế lớn nhất thế giới, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác quốc tế, giúp mở rộng quyền tiếp cận thị trường và tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu.
Thứ tư là việc xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng, bao gồm cảng biển, sân bay, đường cao tốc, và hệ thống logistics.
Thứ năm là nguồn nhân lực dồi dào, ngày càng được nâng cao về năng lực. So với các quốc gia khác, Việt Nam có một thị trường lao động trẻ, năng động và có chi phí cạnh tranh.
Thứ sáu là sự ổn định vĩ mô, tạo ra sự tin cậy và dự báo được cho các nhà đầu tư nước ngoài. Thêm vào đó, Việt Nam là một nền kinh tế năng động và có tăng trưởng ổn định ở mức cao suốt nhiều năm qua.
Các yếu tố này đã tạo ra sức hấp dẫn cho Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực như điện tử, dệt may, và da giày, những ngành Việt Nam đã trở thành một trong những trung tâm xuất khẩu hàng đầu thế giới.
Forbes Việt Nam: Gần đây, các quốc gia láng giềng trong khu vực như Singapore, Malaysia, đặc biệt Indonesia và Ấn Độ thành công trong việc thu hút vốn FDI trong lĩnh vực công nghệ với sự xuất hiện của một số tên tuổi lớn... Các quốc gia này đã tạo ra các biện pháp ưu đãi, thu hút đầu tư mới như thế nào?
Bà Hương Vũ: Thu hút đầu tư trong giai đoạn hiện nay là một cuộc cạnh tranh khốc liệt và các quốc gia kể trên cũng áp dụng rất nhiều chính sách để tăng tính hấp dẫn với các nhà đầu tư.
Singapore nổi tiếng với hệ thống pháp luật minh bạch, hệ thống thuế thân thiện với nhà đầu tư, tình hình chính trị ổn định, hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại hàng đầu thế giới. Điều này lý giải vì sao năm 2022, họ là quốc gia nhận FDI lớn thứ 3 thế giới, với hơn 141 tỷ USD, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc[1].
Tuy nhiên, trước sự thay đổi nhanh chóng của thị trường và sức ép cạnh tranh từ các quốc gia khác, ví dụ Nhật Bản, hồi tháng 2 năm nay, Singapore cũng đã công bố các chính sách hỗ trợ hấp dẫn hơn cho các ngành công nghiệp chiến lược.
Trước việc thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu làm giảm bớt hiệu quả của các ưu đãi thuế truyền thống, quốc gia này đã công bố chương trình Tín dụng Đầu tư Hoàn lại (RIC)[2], như một phần của chiến lược thu hút và giữ chân nhà đầu tư quốc tế. RIC hoạt động như một khoản tín dụng thuế. Các dự án hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh, những hoạt động liên quan đến đổi mới, nghiên cứu và phát triển (R&D) sẽ được cấp tín dụng đầu tư hoàn lại để các công ty khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp. Các khoản tín dụng chưa được dùng để khẩu trừ thuế sẽ được Chính phủ hoàn lại bằng tiền mặt.
Chính phủ Singapore tuyên bố sẽ sẽ hỗ trợ lên đến 50% chi phí cho các hạng mục đáp ứng đủ điều kiện.
Singapore cũng đang đầu tư mạnh tay vào các điểm mà họ xác định là lợi thế cạnh tranh chiến lược, gồm: nguồn lao động chất lượng cao, thị trường tài chính ổn định, hạ tầng công nghệ phát triển, thúc đẩy các dự án xanh và các ngành công nghệ chiến lược. Những nỗ lực này giúp Singapore thu hút được rất nhiều khoản đầu tư hấp dẫn, ví dụ trong ngành bán dẫn, ngành mà họ chiếm hơn 10% thị trường toàn cầu và 20% thiết bị bán dẫn trên thế giới.
Malaysia và Indonesia cũng có các chương trình thúc đẩy đầu tư riêng.
Ấn Độ đang đặt mục tiêu tham vọng là thu hút 100 tỷ USD FDI hàng năm[3], tận dụng làn sóng chuyển dịch đầu tư ra khỏi Trung Quốc. Trong năm năm qua, trung bình mỗi năm họ nhận khoảng 70 tỷ USD FDI nhờ việc triển vọng tăng trưởng hàng đầu thế giới, dân số trẻ có kỹ năng cao, các chính sách giảm bớt các hạn chế đầu tư nước ngoài, và môi trường ngày càng thân thiện với doanh nghiệp. Việc thành lập doanh nghiệp ở nước này từng mất hàng tháng, giờ đây chỉ mất khoảng 48 giờ[4].
Quốc gia này cũng đã xây dựng một hệ thống quyền sở hữu trí tuệ mạnh mẽ và bắt đầu một chiến dịch để hiện đại hóa cơ sở hạ tầng. Ấn Độ đang tập trung thu hút các nhà sản xuất điện tử và công ty dược phẩm để giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu. Họ cũng tập trung vào các dự án tăng việc làm quy mô lớn, đặc biệt trong ngành ô tô, chế biến thực phẩm và dệt may.
Forbes Việt Nam: Việt Nam đang nghiên cứu chính sách thu hút đầu tư qua chi phí, thay vì thu nhập như trước đây (ưu đãi thuế). Hiện tại, chính sách vẫn đang được nghiên cứu và lấy ý kiến. Xin bà tóm lược những ý chính để thị trường hiểu hơn rõ về vấn đề mới này?
Bà Hương Vũ: Trong dự thảo Báo cáo rà soát đánh giá tổng thể về chính sách khuyến khích đầu tư tại Việt Nam do Bộ Kế hoạch & Đầu tư đưa ra gần đây cũng đã đề cập đến việc tạo ra một môi trường đầu tư hấp dẫn hơn thông qua việc giảm chi phí cho các nhà đầu tư. Lý do của sức ép thay đổi trên là bởi Thuế tối thiểu toàn cầu đã ảnh hưởng mạnh đến sức hấp dẫn của ưu đãi thuế truyền thống; và các quốc gia cũng cạnh tranh mạnh mẽ trong việc đưa ra các chính sách đa dạng và linh hoạt hơn, như trường hợp Singapore mà tôi đã đề cập ở trên.
Chính sách thu hút đầu tư thông qua giảm chi phí có thông qua một số hình thức sau:
Thứ nhất là giảm chi phí hoạt động cho các doanh nghiệp, bao gồm chi phí thuê đất, chi phí tiện ích, chi phí liên quan đến thủ tục hành chính và tuân thủ quy định.
Thứ hai là có thể cung cấp hỗ trợ tài chính hoặc phi tài chính để phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết cho hoạt động sản xuất và kinh doanh.
Thứ ba là các chương trình đào tạo để nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí đào tạo và phát triển nhân sự.
Thứ tư là cung cấp các ưu đãi cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển, nhằm khuyến khích đổi mới và cải tiến công nghệ.
Thứ năm là khuyến khích sự hợp tác giữa các doanh nghiệp địa phương và quốc tế, cũng như giữa các doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu.
Thứ sáu là tạo điều kiện thuận lợi cho xuất nhập khẩu hàng hóa, bao gồm các biện pháp để giảm chi phí và thời gian.
Chúng ta có thể thấy bóng dáng của các biện pháp này trong các chính sách Singapore, Ấn Độ và nhiều quốc gia khác, đang thực hiện. Tất nhiên việc Việt Nam cụ thể hóa các định hướng đó bằng chính sách thế nào cần được đánh giá kỹ lưỡng về hiệu quả và khả năng thực thi, nhưng mục tiêu cuối cùng vẫn là tạo ra một môi trường đầu tư cạnh tranh, bền vững và hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
Forbes Việt Nam: Ngoài ưu đãi về chi phí, theo bà để có thể thu hút dòng vốn FDI chất lượng (liên quan đến trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn…) Việt Nam cần tiến hành các cải cách /thay đổi nào để thu hút thêm các tập đoàn tên tuổi trong ngành công nghệ?
Bà Hương Vũ: Như trên đã đề cập, nhiều quốc gia đang chạy đua để thu hút dòng vốn FDI chất lượng, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo và sản xuất chip bán dẫn. Ngoài các ưu thế và chính sách ưu đãi sẵn có, tôi cho rằng chúng ta có thể đẩy mạnh một số ưu tiên.
Đầu tiên phải xây dựng được khung pháp lý vững chắc để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư. Đặc biệt phải đảm bảo thực hiện các cam kết để xây dựng niềm tin cho các nhà đầu tư.
Nên có các khu kinh tế đặc biệt (SEZs) với hạ tầng hiện đại và các ưu đãi hấp dẫn. Vừa rồi Quốc hội đã thông qua cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng lập khu thương mại tự do[5]. Tôi cho rằng đây là những bước đi mạnh dạn và đúng hướng, làm nền tảng cho việc phát triển các mô hình thu hút đầu tư mới hơn.
Chính phủ cũng nên thường xuyên rà soát lại các chính sách ưu đãi hiện hành để loại bỏ các chính sách không còn phù hợp, đưa ra các chính sách ưu đãi mới có tính cạnh tranh hơn. Đó có thể là các khoản ưu đãi tài chính, ưu đãi đất đai cho các dự án chiến lược vào các ngành nghề Việt Nam ưu tiên phát triển, ngành nghề có thể tạo động lực cho tăng trưởng theo hướng công nghệ cao và bền vững.
Việc tiếp tục mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường thông qua các hiêp định thương mại tự do ( FTA) và các quan hệ đối tác chiến lược với các quốc gia trọng yếu cũng nên tiếp tục được đẩy mạnh.
Cùng với đó, tôi cho rằng Chính phủ nên có tổ công tác đặc biệt để hỗ trợ nhóm doanh nghiệp chiến lược, có đóng góp lớn về phát triển công nghệ, chuỗi cung ứng và xuất khẩu. Kinh nghiệm Singapore là tổ công tác này tìm hiểu và đồng hành với các doanh nghiệp không chỉ trong tháo gỡ khó khăn mà cả trong thiết kế chiến lược để khuyến khích họ cắm rễ lâu dài.
Tất nhiên, việc tiếp tục đầu tư cho hạ tầng, cho nguồn nhân lực, cũng như các chính sách lao động cởi mở sẽ giúp gia tăng sự hấp dẫn của Việt Nam.
(end)
Bài viết được xuất bản lần đầu trên Tạp chí Forbes Việt Nam số tháng 7-8 năm 2024.
Ghi chú dành cho độc giả:
Quan điểm trong bài báo này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của tổ chức EY toàn cầu và các thành viên.