How are the developments in GST shaping the automobile sector?

“Cash grant”: Giải pháp thu hút FDI trong bối cảnh mới

Bối cảnh thay đổi

Kể từ năm 1990 cho đến nay, Việt Nam đã đạt thành công trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bằng nhiều cơ chế chính sách hấp dẫn, đặc biệt là chính sách ưu đãi thuế. Dữ liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, năm 2023 cả nước có hơn 39.000 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 469 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án FDI đạt khoảng 297 tỷ USD, bằng 63,4% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Thành tích này đã đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia dẫn đầu về thu hút FDI trong khu vực ASEAN, kể từ 2015 trở đi, thường xuyên đứng ở vị trí thứ ba, chỉ sau Singapore và Indonesia.

EY_Quote - 16

Vị thế của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục được khẳng định ngay cả trong giai đoạn khó khăn hiện nay, với tổng vốn FDI cam kết trong quý I đạt gần 6,2 tỷ USD, tăng hơn 13% so với cùng kỳ 2023. Vốn giải ngân trong quý I cũng đạt hơn 4,6 tỷ USD, tăng trên 7% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Cục Đầu tư nước ngoài.

Nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định trong nhiều năm liên tiếp, cộng với lực lượng lao động trẻ có trình độ và một thị trường tiêu thụ lớn với hơn 100 triệu dân, Việt Nam tiếp tục được dự báo sẽ là điểm đến đầu tư hấp dẫn trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa các cường quốc. Tuy nhiên, trong giai đoạn phát triển mới này, người viết cho rằng để tiếp tục duy trì và nâng cao vị thế là một điểm đến đầu tư hấp dẫn, Việt Nam cần những chính sách ưu đãi đầu tư mới.

Thứ nhất, việc điều chỉnh này nhằm thích ứng với thay đổi kinh tế toàn cầu, thu hút đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ cao và bền vững.

Mục tiêu thứ hai là duy trì tính cạnh tranh so với các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, và Malaysia.

Thứ ba là điều hướng đầu tư vào các ngành Việt Nam muốn ưu tiên phát triển, những ngành có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, ngành công nghiệp mới nổi.

Thứ tư, cải thiện môi trường kinh doanh thông qua cải cách thể chế và hành chính.

Bên cạnh các chính sách truyền thống như ưu đãi thuế; cung cấp vốn vay ưu đãi, bảo lãnh tín dụng, hoặc hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng; đầu tư vào cơ sở hạ tầng; đào tạo nhân lực; trợ cấp bằng tiền mặt (cash grant) là một công cụ hữu ích để thu hút và điều hướng đầu tư.

Không thể chậm trễ

Khi việc áp dụng các quy tắc về Thuế tối thiểu toàn cầu (Global Minimum Tax - GMT) làm giảm hiệu quả của việc áp dụng chính sách ưu đãi thuế, nhiều quốc gia trên thế giới đang chạy đua để đưa ra các chính sách bù đắp cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, trong đó nhiều quốc gia lựa chọn ưu đãi bằng tiền mặt.

Đơn cử, Mỹ áp dụng chính sách trợ cấp tiền mặt cho các dự án bán dẫn, do họ xác định tính trọng yếu của ngành công nghiệp này đối với an ninh quốc gia, khả năng cạnh tranh kinh tế và đổi mới công nghệ.

Ở châu Âu, một số quốc gia cung cấp trợ cấp tiền mặt hoặc ưu đãi tài chính để thu hút đầu tư trong các ngành công nghiệp được coi là chiến lược cho sự phát triển và tăng trưởng kinh tế. Những ưu đãi này thường là một phần của các chương trình phát triển kinh tế rộng lớn hơn. Ví dụ, Đức trợ cấp tiền mặt để hỗ trợ đầu tư vào một số ngành công nghiệp, đặc biệt là trong các khu vực kinh tế kém phát triển. Chính phủ Pháp cung cấp các ưu đãi khác nhau, bao gồm trợ cấp tiền mặt, đặc biệt cho các khoản đầu tư mới vào nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo, và tạo việc làm. Một số chính sách tương tự cũng được Ba Lan, Tây Ban Nha, Ý, Anh, Hà Lan, Ireland, Bồ Đào Nha, Hungary áp dụng.

Ở khu vực châu Á, Nhật Bản cũng đã có các bước đi nhằm hỗ trợ và củng cố ngành bán dẫn trong nước. Một trong những sáng kiến chủ chốt là thành lập một quỹ hỗ trợ sản xuất bán dẫn. Quỹ được Chính phủ nước này phân bổ nguồn lực tài chính đáng kể với mục tiêu: hỗ trợ tài chính xây dựng cơ sở sản xuất, khuyến khích nghiên cứu phát triển (R&D), khuyến khích hợp tác, đảm bảo chuỗi cung ứng, thu hút đầu tư nước ngoài. Bên cạnh hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài mua đất, Nhật Bản cũng áp dụng biện pháp trợ cấp tiền mặt trực tiếp và các chương trình hỗ trợ tài chính khác.

Không đứng ngoài cuộc, Trung Quốc cũng có các chính sách cung cấp trợ cấp tiền mặt hoặc ưu đãi tài chính nhằm thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, năng lượng xanh và công nghệ bảo vệ môi trường, R&D, hoặc dự án đầu tư vào các đặc khu kinh tế (SEZs), các khu thương mại tự do (FTZs), và một số tỉnh hoặc thành phố ưu tiên phát triển

Quốc gia này cho phép doanh nghiệp cư trú được phép khấu trừ 175% chi phí nghiên cứu và phát triển đủ điều kiện cho mục đích tính thuế. Doanh nghiệp công nghệ cao và công nghệ mới có thể được chuyển lỗ đến 10 năm cho mục đích tính thuế.

Tại Thái Lan, doanh nghiệp cũng được khấu trừ bổ sung 100% chi phí (khấu trừ hai lần) đối với chi phí R&D chi trả cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc nhà cung cấp dịch vụ R&D tư nhân. Bên cạnh đó, Thái Lan cũng áp dụng các ưu đãi khác bao gồm cấp thị thực và giấy phép lao động không giới hạn cho lao động nước ngoài đủ điều kiện; tín dụng ưu đãi với các doanh nghiệp có dự án R&D[1].

Để không bị chậm chân cũng như đạt được các mục tiêu chiến lược của mình trong thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực ưu tiên, Việt Nam cũng nên có những bước đi tương tự. Hỗ trợ bằng tiền mặt sẽ giúp các doanh nghiệp bù đắp một phần nghĩa vụ thuế tăng lên, giúp họ đẩy mạnh đầu tư vào R&D, tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam, cũng như hỗ trợ họ tái cơ cấu hoạt động tài chính quốc tế nhằm tuân thủ các quy định thuế mới một cách hiệu quả.

Cũng cần lưu ý rằng không một biện pháp nào là liều thuốc trị bách bệnh, nhưng trợ cấp bằng tiền mặt có thể áp dụng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực đặc biệt, lĩnh vực chiến lược đối với nền kinh tế Việt Nam, ví dụ như năng lượng tái tạo, sản xuất xanh và bền vững, lĩnh vực công nghệ cao và các lĩnh vực khuyến khích đầu tư khác.

Một điểm đáng cân nhắc là trợ cấp bằng tiền một lần có sức thuyết phục cao nhưng tổng chi phí lại thấp hơn nhiều so với miễn giảm thuế thu nhập trong vòng nhiều năm. Nói một cách khác, trong nhiều tình huống cụ thể, trợ cấp bằng tiền mạnh hơn giảm thuế cả về hiệu quả (tổng chi phí) và hiệu lực (sức thuyết phục và khả năng giám sát tiến độ thực hiện cam kết).

Bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, việc đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng toàn cầu khiến dòng vốn FDI đang có những bước điều chỉnh mạnh như hiện nay chính là cơ hội lớn để Việt Nam tranh thủ kéo dòng vốn đầu tư chất lượng bằng những chính sách nhắm đúng vào nhu cầu thiết thực của nhà đầu tư.

Ghi chú dành cho độc giả:

Quan điểm trong bài báo này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của tổ chức EY toàn cầu và các thành viên.

Bài viết được đăng lần đầu trên tạp chí Nhà đầu tư ngày 8 tháng 7 năm 2024

Tóm lược

Bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, việc đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng toàn cầu khiến dòng vốn FDI đang có những bước điều chỉnh mạnh như hiện nay chính là cơ hội lớn để Việt Nam tranh thủ kéo dòng vốn đầu tư chất lượng bằng những chính sách nhắm đúng vào nhu cầu thiết thực của nhà đầu tư.

Về bài viết này

You are visiting EY asean (vi)
asean vi