Nghị quyết 57 đặt mục tiêu đến 2030 60% của mức 2% GDP đầu tư cho R&D đến từ doanh nghiệp tư nhân, đâu đó khoảng 9 tỷ USD, tức là mức tăng khá lớn so với hiện tại. Để đạt được mục tiêu này cần có bộ chính sách và giải pháp ưu đãi quyết liệt từ Chính phủ về nội dung, công nghệ, hạ tầng, thủ tục, quy trình v.v. Hiện chính phủ các nước phát triển như Mỹ, Nhật cũng có những chính sách hỗ trợ hàng tỷ USD cho doanh nghiệp của họ đầu tư vào công nghệ cao.
Cũng cần lưu ý rằng đầu tư cũng chỉ là điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ. Điều cốt yếu là phải đầu tư vào tìm giải pháp cho vấn đề xã hội đang cần. Tuy nhiên, nếu không bắt đầu, chúng ta sẽ không bao giờ đi đến đích.
Quyết tâm tạo sự khác biệt
Gần đây chúng ta nói rất nhiều đến “kỷ nguyên vươn mình” của đất nước. Quan sát các diễn biến kinh tế - xã hội cũng như diễn biến thị trường thời gian gần đây, có điều gì mang đến cho ông sự lạc quan?
Ông Trần Đình Cường: Muốn vươn mình thì phải có cách làm khác biệt, phải đột phá. Nếu chúng ta cứ làm như trước đây thì trong viễn cảnh tốt nhất cũng chỉ có thể tiếp tục tiến về phía trước thôi, khó có thể là một sự “vươn mình”. Tôi cho rằng những nỗ lực sắp xếp đầu mối, tinh giản bộ máy gần đây là một tín hiệu cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong việc tạo ra sự khác biệt.
Tôi hi vọng những nỗ lực này sẽ giải quyết được một số nút thắt mà các doanh nghiệp đã kiến nghị trong nhiều năm qua, đó là môi trường kinh doanh thông thoáng, thủ tục hành chính tinh giản, thời gian giải quyết thủ tục không bị kéo dài, các chính sách rõ ràng và việc thực thi chính sách minh bạch. Tất cả những kiến nghị này đều hàm ý hướng đến bộ máy hành chính công hoạt động hiệu quả hơn, năng suất cao hơn, và tiến tới sáng tạo hơn.
Thêm vào đó, tinh gọn bộ máy cũng giúp tiết kiệm ngân sách để đầu tư đúng mục tiêu hơn, trước mắt là tăng lương cho các công chức, viên chức để thu hút và giữ chân người tài trong hệ thống công. Chúng ta không thiếu người tài và cũng không thiếu người có khát vọng cống hiến. Vấn đề là có cơ chế để thu hút và giữ chân họ, tạo động lực cho họ. Một đất nước không thể phát triển được nếu thiếu người tài trong hệ thống công.
Ông có đề cập đến cải thiện năng suất lao động, trước hết là trong hệ thống công. Đây là việc chúng ta đã nhắc đến trong nhiều năm, nhưng dường như sự cải thiện chưa đáng kể. Theo ông, đâu là điểm mấu chốt mà nếu giải quyết được sẽ giúp tạo ra khác biệt đáng kể về năng suất?
Ông Trần Đình Cường: Tôi nghĩ là số hóa. Máy móc lợi thế hơn rất nhiều về tốc độ, quy mô, độ bền bỉ, độ chính xác, minh bạch trong những công việc lặp đi lặp lại. Đây cũng là điều Chính phủ đang và sẽ tiếp tục thực hiện. Vấn đề là tốc độ.
Nhìn ra thế giới, nhiều quốc gia đã cải thiện hệ thống công với trọng tâm là số hóa. Gần chúng ta nhất là Singapore. Năm 2014, họ đã khởi xướng sáng kiến Smart Nation - Quốc gia thông minh, với ba trụ cột chính: kinh tế số, chính phủ số, và xã hội số. Mục tiêu của họ cũng rất rõ ràng, là cải thiện cuộc sống của người dân, và tạo ra các cơ hội kinh tế mới. Một trong những trọng tâm của sáng kiến này là chuyển đổi số khu vực công nhằm tái cấu trúc quy trình làm việc, tái kiến trúc hạ tầng công nghệ và chuyển đổi dịch vụ, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp, mà còn để thay đổi cách làm việc của các cán bộ, công chức.
Ví dụ đơn giản là người dân có thể thực hiện thủ tục hành chính tại nhà một cách nhanh chóng, đơn giản, thông qua hệ thống dịch vụ công. Việc đăng ký thành lập doanh nghiệp được thực hiện online, chỉ mất 10-15 phút, không phải tiếp xúc với cán bộ hành chính hay phải bổ sung giấy tờ qua lại nhiều lần. Việc chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan được thực hiện thông suốt vừa giúp chính quyền quản lý hiệu quả hơn, vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Tôi cho rằng, số hóa có thể cải thiện đáng kể việc quản trị nhà nước cũng như quản trị doanh nghiệp. Số hóa cũng là nền tảng cho tự động hóa và ứng dụng AI. Mục tiêu cuối cùng của chúng ta vẫn sẽ là cải thiện năng suất, trong cả hệ thống công cũng như toàn xã hội. Tôi cũng hi vọng với nỗ lực cải cách bộ máy lần này, cùng với tiết kiệm ngân sách, Việt Nam sẽ tạo ra cơ chế thúc đẩy được sự sáng tạo của đội ngũ công chức.
Bản thân ông cũng là một nhà quản lý, người sử dụng lao động. Theo ông, Việt Nam gặp thách thức gì trong đào tạo nguồn lao động chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành công nghiệp mới ở nấc thang cao hơn của chuỗi cung ứng?
Ông Trần Đình Cường: Về phẩm chất, năng lực, tôi thấy lao động của chúng ta không kém gì các nước khác. Các bạn trẻ thông minh, ham học hỏi, thích nghi nhanh, có sự sáng tạo, linh hoạt, và đa phần có tinh thần trách nhiệm cao. Tất nhiên, vẫn có những nhược điểm như thiếu hụt kỹ năng chuyên môn sâu, kỹ năng mềm như: giao tiếp, quản lý thời gian, giải quyết xung đột. Đặc biệt, tôi nghĩ chúng ta cần cải thiện tính kỷ luật và tính chuyên nghiệp, bao gồm cả sự chủ động trong công việc và việc am hiểu quy trình. Đây là những vấn đề cần được giải quyết thông qua giáo dục, đào tạo, hội nhập quốc tế.
Để đạt được thu nhập cao chúng ta buộc phải tăng năng suất, trong đó nâng cao kỹ năng của người lao động là một trong các giải pháp cốt lõi.
Theo Tổng cục Thống kê, năng suất lao động của Việt Nam năm 2023 đạt khoảng 199,3 triệu đồng/lao động (tương đương 8.380 USD), là mức năng suất thấp và có khoảng cách khá xa với các nước trong khu vực1. Ở Đông Nam Á, năng suất lao động của Việt Nam chỉ cao hơn Campuchia, Myanmar và Lào, và mới bằng 13% năng suất của Singapore, theo Tổ chức Lao động Quốc tế.