View of a building with a trees around it

Hỗ trợ doanh nghiệp triển khai ESG và công bố thông tin phát triển bền vững 

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đối mặt với những thách thức lớn về biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên và bất bình đẳng xã hội, các yếu tố Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) ngày càng được các tổ chức tài chính, các nhà đầu tư, người tiêu dùng quan tâm hơn. Bên cạnh đó, việc thực hành ESG cũng giúp các doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh, tạo ra các cơ hội kinh doanh mới, cũng như bảo vệ và kiến tạo giá trị dài hạn cho chính mình và xã hội. Tuy nhiên, việc thực hành ESG cũng gặp không ít thách thức. Thấu hiểu điều này, mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phối hợp với Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (EY Việt Nam) và các bên liên quan cho ra mắt cuốn Sổ tay ESG. Tạp chí Chứng khoán đã phỏng vấn ông Nguyễn Việt Long, Phó Tổng Giám đốc, Tư vấn, EY Việt Nam, xung quanh chủ đề này.

Business professional giving speech in an event

Ông Nguyễn Việt Long, Phó Tổng Giám đốc, Tư vấn, EY Việt Nam

PV: Xin ông cho biết những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải khi tích hợp và triển khai ESG?

Ông Nguyễn Việt Long: Như nhiều người có thể đã biết, ESG (Environmental - Môi trường, Social - Xã hội, và Governance - Quản trị) là một khung toàn diện bao gồm nhiều thực hành, nguyên tắc và chiến lược nhằm thúc đẩy tính bền vững, hành vi đạo đức và quản trị có trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp. 

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đối mặt với những thách thức lớn về biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên và bất bình đẳng xã hội, các yếu tố ESG ngày càng được các tổ chức tài chính, các nhà đầu tư, người tiêu dùng quan tâm hơn. Các doanh nghiệp muốn tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế, thu hút các nhà đầu tư có chất lượng và đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường lớn như EU không sớm thì muộn cũng sẽ phải tích hợp ESG vào chiến lược, vận hành và hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, hơn cả các yêu cầu tuân thủ, tôi cho rằng thực hành ESG cũng giúp các doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh, tạo ra các cơ hội kinh doanh mới, cũng như bảo vệ và kiến tạo giá trị dài hạn cho chính mình và cho xã hội nói chung. 

Tất nhiên, việc phải đưa một số tiêu chí mới vào áp dụng như tích hợp ESG cũng tạo ra các thách thức cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp muốn tích hợp ESG vào hoạt động của mình sẽ gặp phải nhiều thách thức. Một số thách thức phổ biến có thể kể đến như: Nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng và lợi ích của ESG; chi phí đầu tư ban đầu; thiếu dữ liệu và công cụ đo lường; sự kháng cự trong nội bộ do thói quen làm việc cũ; các quy định và tiêu chuẩn về ESG có thể phức tạp và thay đổi liên tục; thiếu sự hỗ trợ từ cổ đông; thách thức từ chuỗi cung ứng (như đảm bảo rằng các nhà cung cấp và đối tác cũng tuân thủ các tiêu chuẩn ESG); đo lường và lập báo cáo.  

Đơn cử, kết quả khảo sát do EY Việt Nam phối hợp cùng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thực hiện với các doanh nghiệp niêm yết trên HNX và HOSE năm 2021 cho thấy các khó khăn doanh nghiệp thường gặp phải trong việc lập báo cáo phát triển bền vững là: thiếu nhân lực để thực hiện, (2) hướng dẫn thực hiện báo cáo chưa cụ thể, (3) thiếu động lực cho các doanh nghiệp thực hiện, và (4) xây dựng năng lực không đầy đủ.  

Thêm vào đó, cũng cần thừa nhận là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) còn ít quan tâm tới chủ đề này, dù họ là một lực lượng đông đảo, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và không nằm ngoài xu hướng phát triển bền vững hiện nay. Với nguồn lực hạn chế và áp lực tăng trưởng trong ngắn hạn lớn, các DNNVV gặp thách thức lớn hơn trong việc đi đến quyết định áp dụng các tiêu chí ESG.

PV: Được biết EY Việt Nam vừa phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Đại sứ quán Anh, Quỹ Châu Á ra mắt cuốn Sổ tay ESG. Xin ông chia sẻ thêm về sổ tay này.  

Ông Nguyễn Việt Long: Thấu hiểu được những thách thức doanh nghiệp gặp phải, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, phối hợp với Đại sứ quán Anh, Quỹ Châu Á và EY Việt Nam – đơn vị triển khai kỹ thuật, đã cho ra mắt cuốn sổ tay này với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực triển khai và công bố thông tin phát triển bền vững, đảm bảo tuân thủ các yêu cầu pháp lý và thông lệ hàng đầu trong nước và quốc tế. 

Cuốn sổ tay là một phần của Dự án “Thúc đẩy tài chính xanh thông qua cải thiện hoạt động công bố thông tin rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu”.  

Sổ tay bao gồm bốn phần chính, hướng tới đưa ra khung hướng dẫn thực hành và lập báo cáo phát triển bền vững cho doanh nghiệp tại Việt Nam: 

  • Phần đầu tiên giới thiệu bối cảnh phát triển bền vững trên thế giới và Việt Nam, sự cấp thiết của việc xây dựng báo cáo phát triển bền vững phù hợp với hành lang pháp lý và những yêu cầu khác. 

  • Phần thứ hai giới thiệu phương pháp tiếp cận 6 bước để xây dựng và triển khai kế hoạch chuyển đổi ESG, kèm theo khung mô hình hướng dẫn tích hợp ESG vào mỗi cấu phần năng lực của doanh nghiệp, từ đó, hình thành nền tảng cho việc thu thập và báo cáo các thông tin liên quan. Phần này cũng đưa ra các công cụ, phương pháp, các thông lệ tốt và nguồn tham chiếu để hỗ trợ doanh nghiệp trong xây dựng và triển khai kế hoạch chuyển đổi và tích hợp ESG. 

  • Phần thứ ba tập trung vào phân tích các thông lệ tốt về báo cáo phát triển bền vững dựa trên những tiêu chuẩn và khung về báo cáo được công nhận trên thế giới và các yêu cầu theo quy định của pháp luật Việt Nam. Sổ tay ESG cũng bao gồm các nguồn tham chiếu để hỗ trợ các doanh nghiệp niêm yết thực hiện theo Thông tư số 96/2020/TT-BTC về hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. 

  • Phần thứ tư cung cấp hướng dẫn ESG đơn giản hóa cho các DNNVV để họ có thể tích hợp các nguyên tắc ESG vào quản trị, chiến lược và hoạt động của mình. Những hướng dẫn toàn diện và tinh gọn được cung cấp sẽ hỗ trợ cải thiện việc công bố thông tin ESG, giúp doanh nghiệp, đặc biệt là SME, triển khai và áp dụng ESG dễ dàng hơn.

PV: Nó sẽ giúp ích gì cho doanh nghiệp trong việc tích hợp thực hành ESG vào hoạt động sản xuất, kinh doanh? 

Ông Nguyễn Việt Long: Với cấu trúc các phần như đã đề cập, Sổ tay ESG mang đến cho doanh nghiệp bức tranh tổng thể về phát triển bền vững, giúp doanh nghiệp nhận diện được tính cấp thiết của việc chuyển đổi bền vững cũng như các bước cụ thể để chuyển đổi và thực hiện báo cáo bền vững. 

Để hỗ trợ doanh nghiệp trong xác định điểm xuất phát và cách thức để bắt đầu hành trình chuyển đổi ESG, như tôi đã nhắc tới, sổ tay đưa ra phương pháp tiếp cận gồm 6 bước để xây dựng và triển khai kế hoạch hành động về ESG: (1) Tìm hiểu, (2) Đánh giá, (3) Lập kế hoạch, (4) Triển khai, (5) Giám sát và (6) Báo cáo.  

Khả năng tích hợp ESG của doanh nghiệp có thể phát triển và thay đổi theo thời gian. Không có cách tiếp cận chung nào phù hợp cho tất cả các doanh nghiệp trong việc thực hiện tích hợp ESG. Do đó, phương pháp tiếp cận của sổ tay là thiết lập việc tích hợp ESG theo một quy trình lặp đi lặp lại và liên tục, mô phỏng theo một vòng đời dự án, đảm bảo tính linh hoạt và hỗ trợ cho việc cải tiến liên tục. Bên cạnh đó, sổ tay cũng đưa ra các công cụ, thông lệ tốt và các nguồn tham chiếu để doanh nghiệp có thể tham khảo và sử dụng khi triển khai theo phương pháp 6 bước này. 

Sổ tay này hướng tới tất cả các tổ chức và doanh nghiệp, đặc biệt là các tổ chức và doanh nghiệp dự kiến triển khai hoặc đang trong quá trình triển khai tích hợp và công bố thông tin ESG. Đối với các DNNVV với nguồn lực hạn chế, sổ tay có đưa ra hướng dẫn triển khai ESG đơn giản hóa nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp này về cách tiếp cận phù hợp để tận dụng hiệu quả nguồn lực sẵn có trong hành trình hướng tới thực hành phát triển bền vững và triển khai công bố thông tin về ESG.   

Do tính chất phức tạp, phạm vi đa dạng và bao trùm của các vấn đề về phát triển bền vững, để triển khai tích hợp và công bố thông tin ESG, doanh nghiệp cần chuẩn bị và phân bổ nguồn lực phù hợp trên cơ sở đánh giá năng lực hiện tại và các ưu tiên chiến lược sản xuất kinh doanh trong ngắn, trung và dài hạn. 

Chúng tôi cũng lưu ý, khi áp dụng các phương pháp và khuyến nghị trong sổ tay, doanh nghiệp nên xem xét tính phù hợp với bối cảnh hiện trạng và kỳ vọng tương lai của mình. Trong sổ tay, chúng tôi cũng đưa ra các lưu ý và cân nhắc. Đồng thời, với khối lượng lớn các nội dung được đưa ra trong sổ tay, doanh nghiệp có thể tham khảo tài liệu tổng hợp các nội dung chính và cấu trúc sổ tay để xác định các nội dung cần ưu tiên và đặt trọng tâm nghiên cứu.  

PV: Với tư cách là đơn vị triển khai và phụ trách kỹ thuật, ông có thể cho biết các bước tiếp theo mà EY Việt Nam thực hiện để hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng một cách hiệu quả nhất Sổ tay ESG này?

Để hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng hiệu quả Sổ tay ESG, vào đầu tháng 10 năm nay, chúng tôi đã tổ chức hai hội thảo tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh với sự tham gia của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Đại sứ quán Anh, Tổng Lãnh sự quán Anh, Quỹ Châu Á Việt Nam cũng như đại diện các doanh nghiệp. 

Không chỉ dừng lại ở đó, với vai trò là đơn vị triển khai phụ trách kỹ thuật của Sổ tay, EY Việt Nam sẽ đồng hành cùng với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc hỗ trợ giải đáp các vướng mắc và khó khăn doanh nghiệp gặp phải khi triển khai sổ tay theo cơ chế tiếp nhận ý kiến phản hồi của dự án. 

Đồng thời, trong phạm vi công việc của dự án, tiếp nối Sổ tay ESG, chúng tôi cũng sẽ cho ra đời Hướng dẫn về triển khai ESG và công bố thông tin ESG dành cho ba lĩnh vực đặc thù là Tài chính, Bất động sản – Xây dựng, và Sản xuất công nghiệp. Các tài liệu này sẽ bổ trợ cho Sổ tay ESG, đưa ra những cân nhắc và khuyến nghị bổ sung mang tính đặc thù của ba lĩnh vực trên, giúp các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc thực hành chuyển đổi ESG và công bố thông tin ESG.  

Trong hành trình này, EY luôn cam kết hỗ trợ doanh nghiệp tạo ra giá trị nhằm phát triển bền vững cũng như giúp việc phát triển bền vững mang lại giá trị cho doanh nghiệp – tái định hình cách tiếp cận của doanh nghiệp với phát triển bền vững và đặt phát triển bền vững là trung tâm của việc tạo ra giá trị. 

*Ghi chú dành cho độc giả: Bài viết thể hiện quan điểm của người trả lời phỏng vấn, không nhất thiết phản ánh quan điểm của tổ chức EY toàn cầu và các tổ chức thành viên.

*Bài viết được đăng tải lần đầu trên Tạp chí Chứng khoán số 314, tháng 12 năm 2024.

Related articles

Khát vọng, đam mê, tận tâm – con đường thành công của doanh nhân

Ông Trần Đình Cường, Chủ tịch, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam trao đổi về cơ hội kinh doanh dài hạn của các doanh nghiệp trong nước

22 thg 2 2024 Trần Đình Cường

Triển khai Basel III: Cơ hội và thách thức cho ngân hàng Việt Nam

10 ngân hàng thương mại tại Việt Nam tuyên bố hoàn thành triển khai Basel III – chuẩn mực quản trị rủi ro trong hoạt động ngân hàng. Nhiều ngân hàng khác cũng đã ứng dụng một phần các yêu cầu của Basel III. Điều này cho thấy nỗ lực rất đáng ghi nhận của các ngân hàng trong việc từng bước nâng cấp chất lượng kiểm soát rủi ro, tỷ lệ an toàn vốn và sự ổn định của thị trường tài chính.

22 thg 2 2024 Võ Quốc Khánh

Vài khuyến nghị để sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư mới

Bà Hương Vũ, Tổng Giám đốc, Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam đã chia sẻ về kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2024 trên Vietnambiz

22 thg 2 2024 Hương Vũ

    Summary

    Trong hành trình này, EY luôn cam kết hỗ trợ doanh nghiệp tạo ra giá trị nhằm phát triển bền vững cũng như giúp việc phát triển bền vững mang lại giá trị cho doanh nghiệp – tái định hình cách tiếp cận của doanh nghiệp với phát triển bền vững và đặt phát triển bền vững là trung tâm của việc tạo ra giá trị. 

    Về bài viết này

    You are visiting EY asean (vi)
    asean vi