IFRS: ngôn ngữ “hút” vốn ngoại

IFRS: ngôn ngữ “hút” vốn ngoại

Chủ đề liên quan

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, đặc biệt là đại dịch diễn ra trên phạm vi toàn cầu, đang khiến các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng và dịch chuyển nguồn vốn. Nhằm đón đầu dòng vốn này, đây là lúc các doanh nghiệp nên dành nguồn lực chuẩn hóa báo cáo tài chính để “giao tiếp” được với nhà đầu tư tiềm năng khi cơ hội gõ cửa.

“Nói” chung tiếng nói của nhà đầu tư, minh bạch báo cáo quản lý nội bộ là một trong những lợi ích mà Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS) mang lại cho doanh nghiệp. Ông Lê Vũ Trường, Phó Tổng Giám đốc, Dịch vụ Kiểm toán EY Việt Nam đã có buổi trao đổi với báo Đầu tư liên quan tới vấn đề này.

Mới đây, Bộ Tài chính đã đưa ra lộ trình áp dụng IFRS từ nay tới năm 2025. Trong bối cảnh đại dịch đang khiến sức khỏe phần lớn doanh nghiệp suy yếu, việc áp dụng một bộ tiêu chuẩn mới, phức tạp tại thời điểm này liệu có gây áp lực, thưa ông?

Theo quan sát của chúng tôi, tình hình dịch bệnh ở Việt Nam đã và đang được Chính phủ quản lý rất tốt, nhưng ảnh hưởng của nó lên doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung vẫn nghiêm trọng. Chính phủ đang cố gắng “vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng, chống dịch COVID-19”.
Đúng là việc áp dụng IFRS tại thời điểm này sẽ khó khăn hơn khi nguồn lực của hầu hết các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch toàn cầu. Song nếu dành một ngân sách thỏa đáng cùng chiến lược đúng đắn từ đầu thì đây sẽ là một khoản đầu tư xứng đáng và đem lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp về dài hạn.
Doanh nghiệp có tầm nhìn và sớm chuẩn bị nguồn lực áp dụng IFRS, khả năng tiếp cận nguồn vốn trung và dài hạn với chi phí thấp sẽ khả quan hơn. Các doanh nghiệp có thể huy động vốn từ nhà đầu tư thông qua hình thức niêm yết cổ phiếu ở thị trường nước ngoài, huy động trái phiếu nước ngoài hoặc trực tiếp thực hiện các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) với quỹ đầu tư, tập đoàn nước ngoài. Đây sẽ là nguồn lực giúp doanh nghiệp tăng trưởng bền vững hơn trong giai đoạn kinh tế toàn cầu biến động.
Nếu nhìn ở góc độ tích cực, đại dịch COVID-19 cũng như căng thẳng thương mại Mỹ-Trung chưa có hồi kết có thể là cơ hội để doanh nghiệp tận dụng nguồn vốn đang tìm nơi có tỉ suất sinh lời cao và tránh rủi ro địa chính trị. Việt Nam được các tập đoàn lớn trên thế giới đánh giá là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn trong khu vực.
Đã có một số tập đoàn, nhà đầu tư lớn ở nước ngoài muốn đầu tư vào công ty trong nước nhưng họ phải đọc báo cáo tài chính theo Chuẩn mực Kế toán Việt Nam (VAS). Đây là bộ tiêu chuẩn, đơn giản là “khác” với chuẩn mực của nhà đầu tư, khiến họ nghi ngại không biết khác biệt thế nào? Ảnh hưởng ra sao? Sau khi đầu tư rồi thì quản lý và báo cáo để hợp nhất thế nào? Để đưa ra quyết định đầu tư, nhà đầu tư phải mất thêm thời gian và chi phí “dịch” báo cáo ra “ngôn ngữ” của họ, đánh giá ảnh hưởng rồi lên kế hoạch quản lý khác biệt. Chỉ riêng vấn đề này đã làm chậm quyết định đầu tư của họ, chưa nói các yếu tố khác như sức khỏe doanh nghiệp, triển vọng ngành.
Thực tế, bộ phận tư vấn M&A của EY đã xác nhận sự chênh lệch giữa IFRS và VAS là một trong những quan ngại hàng đầu mà các nhà đầu tư nước ngoài gặp phải khi tiếp cận doanh nghiệp trong nước.
Việc áp dụng hệ thống báo cáo tài chính theo IFRS sẽ giúp thông tin minh bạch, chính xác hơn cho cả các báo cáo quản lý nội bộ. Bộ chuẩn mực này thiên về phản ánh nghiệp vụ kinh tế theo đúng bản chất. Hệ thống kế toán, quy trình kinh doanh, kiểm soát của doanh nghiệp phải được trang bị đầy đủ để thu thập và lưu trữ các thông tin cần thiết cho hạch toán kế toán và thuyết minh thông tin. Bởi việc áp dụng theo IFRS đòi hỏi một lượng thuyết minh khổng lồ.
Như lời phát biểu của ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời tại lễ ký kết hợp tác giữa Lộc Trời và EY Việt Nam về dự án Tư vấn Xây dựng và Triển khai hệ thống kế toán theo IFRS: “Lộc Trời triển khai số hóa và áp dụng IFRS vì chỉ có số hóa và IFRS mới giúp cho nhà đầu tư, đối tác và ngay cả nhân viên của Lộc Trời hiểu đúng về Lộc Trời”.
Việc áp dụng IFRS sẽ tác động tích cực lên toàn bộ nền kinh tế trong dài hạn. Một trong những mục tiêu của Chính phủ là đưa thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên hiện nay thành thị trường mới nổi nhằm thu hút vốn ngoại và đáp ứng nguồn lực phát triển kinh tế. Để làm được điều này, công bố thông tin của doanh nghiệp niêm yết một cách minh bạch và đầy đủ là yếu tố quan trọng.

Vậy lộ trình cụ thể và sự sẵn sàng của các thành phần kinh tế có liên quan như thế nào,  thưa ông?

Theo Quyết định 345/QĐ-BTC phê duyệt đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành tháng 3 vừa qua, từ nay tới năm 2025 sẽ có hai bộ chuẩn mực được ban hành và áp dụng cho các đối tượng khác nhau gồm: bộ dịch từ IFRS và bộ Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Việt Nam (VFRS) được biên soạn dựa trên IFRS.  
Từ 2022 tới 2025, IFRS sẽ được áp dụng tự nguyện cho báo cáo tài chính hợp nhất của một số tập đoàn kinh tế nhà nước quy mô lớn; doanh nghiệp niêm yết; công ty đại chúng quy mô lớn chưa niêm yết và công ty có công ty mẹ là doanh nghiệp nước ngoài (FDI). Sau năm 2025, dựa vào tình hình của giai đoạn trước, IFRS sẽ được áp dụng bắt buộc cho một số loại hình doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, VFRS, thay thế cho VAS hiện tại, dự kiến sẽ triển khai ngay vào năm 2025 cho tất cả doanh nghiệp, trừ những doanh nghiệp đã áp dụng IFRS và doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Về phía doanh nghiệp, dù còn nhiều khó khăn, họ vẫn nhìn thấy tương lai tươi sáng và cơ hội từ việc áp dụng IFRS. Nhiều tổ chức đã bắt đầu nghiên cứu triển khai IFRS một cách bài bản, chuyên nghiệp như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, Công ty CP Cơ Điện Lạnh REE, Công ty CP VNG, Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai…
Về phía trường học và các tổ chức nghề nghiệp, trong những năm gần đây, các thầy cô và các bạn sinh viên cũng đã triển khai dạy và học IFRS. Các hiệp hội nghề nghiệp với kinh nghiệm thực tế triển khai ở các quốc gia khu vực và quốc tế, cũng đã tham gia vào quá trình chuẩn bị và triển khai IFRS ở Việt Nam.
Về phía nhân sự hành nghề kế toán, kiểm toán, chúng tôi nhận thấy rõ mức độ quan tâm của họ tới IFRS qua các khóa học định kỳ và chuỗi Thảo luận trực tuyến: Áp dụng IFRS tại Việt Nam do EY Việt Nam tổ chức.
Theo chúng tôi, Việt Nam đang đi đúng xu hướng chung trên thế giới. Số liệu thống kê của Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB) do Bộ Tài chính Việt Nam tổng hợp cho thấy, đến thời điểm 2019 đã có 131/143 quốc gia và vùng lãnh thổ (chiếm 92%) tuyên bố chính thức về việc áp dụng IFRS ở các mức độ khác nhau. Mục tiêu của IASB là tạo ra một hệ thống chuẩn mực kế toán duy nhất, có chất lượng, dễ hiểu, dễ áp dụng và được chấp nhận trên toàn cầu.

Bước đi là đúng hướng, nhưng để thực hiện được chắn chắn không dễ dàng trong bối cảnh nguồn lực của doanh nghiệp nội không lớn, lại bị ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch. Từ góc độ chuyên môn, để thực hiện thành công IFRS cần những yếu tố gì, thưa ông?

Trước tiên, theo tôi, phải có giải pháp đồng bộ từ Nhà nước. Cơ quan quản lý phải công bố các chuẩn mực đúng lộ trình. Các quy định pháp lý khác như định giá, thuế, tài chính phải đồng bộ để tránh tình trạng “ông nói gà, bà nói vịt”.
Các trường học, tổ chức nghề nghiệp cần tăng cường tuyên truyền, đào tạo, trang bị công cụ để doanh nghiệp có kiến thức và phương pháp chuyển đổi hệ thống một cách chủ động, an toàn và tiết kiệm nhất. Việc chuyển đổi một hệ thống kinh doanh đồ sộ của doanh nghiệp luôn là vấn đề khó khăn, đòi hỏi cam kết rất lớn về nhân lực, thời gian và tài chính.
Các công ty tư vấn hàng đầu cũng là nơi giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn và vận dụng IFRS, bởi họ có đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm thực tiễn cùng hệ thống kiến thức đồ sộ và mối liên hệ với chuyên gia toàn cầu. Những yếu tố này có thể giúp doanh nghiệp đưa ra giải pháp tối ưu về thời gian, nhân lực và kinh phí trong việc chuyển đổi sang IFRS cũng như giúp doanh nghiệp lựa chọn phương án, chính sách kế toán phù hợp nhất với đặc thù của mình.
IFRS không phải là vấn đề mới. Tuy nhiên, các công ty, tập đoàn trước đây chỉ phần lớn thực hiện chuyển đổi báo cáo tài chính từ VAS sang IFRS, tức là chỉ làm định kỳ hoặc khi có yêu cầu cụ thể, ví dụ các dự án gọi vốn nước ngoài. Mỗi lần làm như vậy, theo tôi, thực sự rất tốn kém về thời gian chi phí và trong một số trường hợp có thể kết quả không được như mong muốn.
Tôi đánh giá đây là thời điểm thuận lợi cho doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận với các đối tác nước ngoài một cách thường xuyên hơn. Tuy nhiên, muốn làm được điều đó, doanh nghiệp cần dành nguồn lực triển khai đồng bộ hệ thống quy trình, nghiệp vụ của mình nhằm phục vụ cho việc hạch toán kế toán hàng ngày theo chuẩn mực quốc tế. Đây là cách hiệu quả nhất để “giao tiếp” cùng ngôn ngữ nhà đầu tư. Sự minh bạch, dễ hiểu và kịp thời trong báo cáo tài chính sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng quan hệ đối tác hoặc huy động vốn đầu tư dễ dàng với chi phí vốn thấp hơn.
Kinh nghiệm của chúng tôi cho thấy, dù đã hội tụ các yếu tố trên mà thiếu quyết tâm của lãnh đạo, việc chuyển đổi sang IFRS cũng không thể thành công. Cần nhất vẫn là sự hiểu biết, tầm nhìn và cam kết của lãnh đạo doanh nghiệp. IFRS không đơn giản chỉ là “việc của kế toán”, đó là một sự chuyển đổi trong cả hệ thống hoạt động, hệ thống công nghệ thông tin từ việc lập kế hoạch đến vận hành, kiểm soát, đo lường hiệu quả (KPIs) của doanh nghiệp.
Xin cảm ơn ông!

Tóm lược

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, đặc biệt là đại dịch diễn ra trên phạm vi toàn cầu, đang khiến các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng và dịch chuyển nguồn vốn. Nhằm đón đầu dòng vốn này, đây là lúc các doanh nghiệp nên dành nguồn lực chuẩn hóa báo cáo tài chính để “giao tiếp” được với nhà đầu tư tiềm năng khi cơ hội gõ cửa.

Về bài viết này