ey-man-in-meeting

COVID-19 cản bước IFRS

Chủ đề liên quan

Đại dịch COVID-19 phần nào làm chậm kế hoạch áp dụng Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS), đòi hỏi doanh nghiệp phải có cách tiếp cận thực tiễn và hiệu quả với lộ trình chuyển đổi rõ ràng, được quản lý tốt.  

Tác giả: Ông Nguyễn Quốc Hoàng, Phó Tổng Giám đốc, Kiểm toán, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (EY Việt Nam)  

 Loay hoay chuyển đổi

Ngày 16 tháng 3 năm 2020, Bộ Tài chính ban hành Quyết định 345/QĐ-BTC phê duyệt “Đề án áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam”. Trung tuần tháng 11 năm 2020, Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán, Bộ Tài chính cũng đã tổ chức Hội nghị triển khai áp dụng Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS) tại Việt Nam. Đây là một sự kiện trong chuỗi các hoạt động của Bộ Tài chính nhằm truyền thông đến doanh nghiệp về việc triển khai áp dụng IFRS.

Theo nội dung đề án, kể từ năm 2022, một số doanh nghiệp có thể triển khai áp dụng tự nguyện. Sau năm 2025, IFRS sẽ bắt buộc áp dụng cho một số đối tượng doanh nghiệp. Qua hội thảo và trong thực tế, chúng tôi nhận thấy một số doanh nghiệp đã quyết tâm chuẩn bị áp dụng tự nguyện từ năm 2022.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp gần như đã mất hơn một năm chuẩn bị lộ trình áp dụng IFRS do ảnh hưởng từ COVID-19. Hơn nữa, đại dịch cũng làm cho nguồn lực tài chính của một số doanh nghiệp thêm hạn hẹp, buộc họ phải tối ưu hóa bộ máy cũng như tiết kiệm các chi phí thật sự không cần thiết để vượt qua khó khăn.

Đáng lưu ý, doanh nghiệp cần chuẩn bị những gì? Triển khai như thế nào? Nên ưu tiên đầu tư vào đâu? luôn là những câu hỏi chúng tôi nhận được trong các cuộc tiếp xúc với doanh nghiệp.

Đồng hành cùng doanh nghiệp trong các năm qua, chúng tôi hiểu rõ lo lắng đó. Thông qua hệ thống EY toàn cầu, chúng tôi tiếp cận được những bài học kinh nghiệm từ các quốc gia đã chuyển đổi thành công. Từ đó, chúng tôi đề xuất một lộ trình chuyển đổi phù hợp với mục tiêu và định hướng của doanh nghiệp, cũng như hài hòa với nguồn lực hiện có của họ.

 Lộ trình chuyển đổi cơ bản

ey-man-in-meeting

Đầu tiên, các doanh nghiệp nên thành lập ban quản lý dự án bao gồm trưởng các bộ phận hoặc phòng ban. Bởi, IFRS không chỉ là việc của kế toán mà đòi hỏi sự phối hợp cung cấp thông tin từ nhiều phòng ban. Ban quản lý dự án có thể bổ sung thêm nhân sự tùy vào từng giai đoạn của dự án.

Từ kinh nghiệm của chúng tôi, một trong những yếu tố quyết định thành công của dự án chuyển đổi là doanh nghiệp phải bố trí nhân sự cấp cao như Tổng Giám đốc hay Phó Tổng Giám đốc làm trưởng dự án. Đồng thời, đội ngũ này phải dành nhiều thời gian, nguồn lực và cam kết cao nhất để dẫn dắt dự án.  

Thứ hai, doanh nghiệp nghiệp phải có những hiểu biết cơ bản về IFRS, các khác biệt về kế toán, thông qua đào tạo đội ngũ nhân lực hiện tại hoặc tuyển dụng mới. Việc đào tạo phải đưa vào kế hoạch với tần suất, thời lượng và nội dung cụ thể, đi kèm với đó là các chỉ tiêu đánh giá, đo lường phù hợp để nhân viên tuân thủ. Không những chỉ đào tạo cho nhân sự kế toán, tài chính mà ban quản lý dự án và các phòng ban liên quan cũng nên có những chương trình đào tạo được thiết kế phù hợp.

Thứ ba, sau khi có nền tảng kiến thức về IFRS, doanh nghiệp cần phải phân tích ảnh hưởng của IFRS tới báo cáo tài chính của mình dựa trên những bước phân tích định tính. Doanh nghiệp cũng phải tìm ra được những khu vực có thể chứa đựng các khác biệt tiềm tàng. Thông thường, các khác biệt chủ yếu xuất phát từ ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, sự khác biệt cũng phụ thuộc vào đặc thù cụ thể hoặc chính sách của từng doanh nghiệp.

Sau khi đánh giá định tính, doanh nghiệp cần phải tiến hành thu thập dữ liệu để định lượng các khác biệt trọng yếu và các thuyết minh liên quan theo yêu cầu của IFRS.

Thứ tư, nếu chỉ chuyển đổi báo cáo tài chính từ VAS sang IFRS một lần, chúng ta có thể dừng lại ở bước ba. Tuy nhiên, với mục tiêu vận hành IFRS hàng ngày, thay thế cho VAS hiện tại, bảy yếu tố sau đây cần phải được xem xét, đánh giá và chuyển đổi phù hợp: 1) Đào tạo chuyên môn cũng như năng lực của đội ngũ nhân sự; 2) Xây dựng các chính sách kế toán và tài liệu hóa cho các IFRS; 3) Tổ chức bộ máy và phân công, phân nhiệm; 4) Thiết lập các chỉ số đo lường hiệu quả của doanh nghiệp; 5) Xây dựng các quy trình mới cũng như chỉnh sửa các quy trình hiện hữu cho phù hợp với IFRS; 6) Tổ chức việc thu thập, lưu trữ cũng như đánh giá chất lượng của dữ liệu và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là 7) Triển khai hệ thống công nghệ thông tin mới, hoặc nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin hiện hữu cho phù hợp với IFRS.

Thứ năm, khi có được các đánh giá khác biệt về định tính và định lượng, doanh nghiệp sẽ biết được những khu vực nào có ảnh hưởng lớn đến báo cáo tài chính của họ. Kết hợp việc phân tích bảy yếu tố để chuyển đổi như ở bước bốn, doanh nghiệp hoàn toàn có thể chủ động trong việc xử lý các khác biệt trên với kế hoạch thời gian, phân công phân nhiệm, yêu cầu nguồn lực cụ thể. Đây sẽ là cơ sở để ban quản lý dự án triển khai công việc.

Thực tế, việc xử lý khác biệt không chỉ là việc hạch toán kế toán. Doanh nghiệp sẽ phải đưa ra các phương án khác nhau để thực hiện chuyển đổi sao cho có lợi với chi phí hợp lý nhất. Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp có thể phải cập nhật lại kế hoạch kinh doanh, sửa đổi các chính sách bán hàng, sửa đổi cấu trúc về vốn, phương án mua hay thuê tài sản.

Cuối cùng, trong suốt quá trình chuyển đổi doanh nghiệp cần tiếp tục xem xét, giám sát, cập nhật để đảm bảo tuân thủ các quy định IFRS mới nhất. Công tác rà soát kết quả thực hiện và rút kinh nghiệm cũng cần được thực hiện trong giai đoạn này. IFRS luôn cập nhật và vận động không ngừng, các quy định mới thường sẽ đưa ra trước khi áp dụng một thời gian dài để doanh nghiệp có thể phản biện, hoặc ít nhất cũng có nhiều thời gian để chuẩn bị áp dụng.

Hy vọng, sáu bước chuyển đổi được đề cập ở trên sẽ giúp doanh nghiệp phần nào nhận diện được thách thức, cũng như chuẩn bị nguồn lực đúng lúc, đúng chỗ để áp dụng IFRS thành công trong thời gian tới.

* Quan điểm trong bài báo này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của tổ chức EY toàn cầu và các thành viên

Tóm lược

Thông qua hệ thống EY toàn cầu, chúng tôi tiếp cận được những bài học kinh nghiệm từ các quốc gia đã chuyển đổi thành công. Từ đó, chúng tôi đề xuất một lộ trình chuyển đổi phù hợp với mục tiêu và định hướng của doanh nghiệp, cũng như hài hòa với nguồn lực hiện có của họ.

Về bài viết này