Employees working in the office

Chương 4: Vượt thử thách, vươn đỉnh cao



Chương 4: Vượt thử thách, vươn đỉnh cao

Phần 1: Trong nguy thấy cơ  

Cuộc khủng hoảng tài chính ở Đông Nam Á, khởi nguồn tại Thái Lan tháng 7 năm 1997, đã lan sang các thị trường chứng khoán, trung tâm tài chính lớn trên thế giới như Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu. Việt Nam, giống như nhiều quốc gia khác trong khu vực, cũng chịu tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu này. Tuy nhiên, do Việt Nam chưa có thị trường chứng khoán và đang trong giai đoạn sơ khai của tiến trình hội nhập quốc tế nên tác động của cuộc khủng hoảng tài chính tới nền kinh tế và doanh nghiệp trong nước còn tương đối nhỏ so với các quốc gia trong khu vực.

Nền kinh tế Việt Nam, tuy đã có một số lợi thế so với các quốc gia khác trong giai đoạn hậu khủng hoảng kinh tế, nhưng cuộc khủng hoảng cũng cho thấy những điểm còn tồn tại của hệ thống tài chính trong nước. Điều này đặt ra yêu cầu các cơ quan quản lý, đặc biệt là lãnh đạo nhà nước và ngành tài chính phải nhìn lại, trong việc đưa ra các giải pháp tái cơ cấu và hiện đại hóa hệ thống tài chính - ngân hàng nhằm ứng phó và thích nghi tốt hơn với các cú sốc kinh tế có thể xảy ra trong tương lai. 

Giai đoạn phục hồi hậu khủng hoảng, thị trường tài chính trong nước đã có những chuyển biến tích cực về mặt pháp lý. Năm 1997, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật Các Tổ chức Tín dụng được Quốc hội thông qua, tạo nền tảng pháp lý căn bản hơn cho hệ thống ngân hàng tiếp tục đổi mới và cải cách hoạt động theo cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế. 

Bối cảnh kinh tế và sự cải cách nền tảng pháp lý trong nước, đã trở thành bàn đạp cho nền kinh tế trong nước giai đoạn phục hồi. Giai đoạn 2001-2003, khi nền kinh tế các nước vẫn chưa vực dậy, Việt Nam vẫn có tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 7,06%, nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực và thế giới, như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, theo Báo cáo Kinh tế Xã hội 3 năm 2001-2003 của Tổng cục Thống kê Việt Nam.

Các chỉ số kinh tế vĩ mô tích cực, cùng nền tảng khuôn khổ pháp lý trong những năm 2000 đã cho thấy cơ sở tiền đề trong tiến trình phát triển của ngành tài chính Việt Nam. Lãnh đạo EY Việt Nam khi đó đã quyết định đầu tư nguồn lực với mục tiêu trở thành đơn vị cung cấp dịch vụ dẫn đầu trong lĩnh vực quan trọng này. Bên cạnh mục tiêu chinh phục thị trường, trong quan điểm của lãnh đạo EY Việt Nam lúc đó, việc đầu tư thích đáng vào việc làm vững mạnh hệ thống tài chính cũng góp phần tăng sức “đề kháng” của nền kinh tế bởi hệ thống tài chính vững mạnh, được quản lý tốt sẽ là bước phòng thủ đầu tiên trước các cơn bão tài chính. 

Dịch vụ Tài chính đóng một vai trò quan trọng đối với toàn bộ nền kinh tế vì là kênh huy động và cung cấp vốn, nguồn lực tài chính cho tất cả hoạt động sản xuất kinh doanh của mỗi quốc gia.

Ông Keith Pogson, người đã đóng vai trò nổi bật trong việc xây dựng đội ngũ FS của Việt Nam từ buổi đầu bằng kinh nghiệm quốc tế và kỹ năng chuyển đổi số của mình, và hiện là Lãnh đạo Dịch vụ Đảm bảo Toàn cầu, Ngân hàng & Thị trường Vốn, EY Toàn cầu, hồi tưởng những chuyến bay qua lại giữa Hồng Kông và Việt Nam từ năm 2003 đến năm 2011 để hỗ trợ đội ngũ chuyên gia Dịch vụ Tài chính Việt Nam trong giai đoạn sơ khai.

Tôi đã dành phần lớn khoảng thời gian cuối những năm 90 và đầu những năm 2000 để hỗ trợ cải cách ngân hàng và chuyển đổi số ở nhiều quốc gia khác như Đài Loan, Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc. Theo kinh nghiệm của EY, hệ thống ngân hàng ở các nước này và Việt Nam khá tương đồng. Vì vậy, EY có thể nhìn thấy trước sự phát triển và quá trình cải cách sẽ diễn ra với hệ thống ngân hàng Việt Nam. Lợi thế thực sự của EY là mạng lưới đội ngũ chuyên gia trên phạm vi toàn cầu, những người có thể mang kiến thức chuyên môn từ các thị trường khác để có các buổi thảo luận sâu sắc với chính phủ và khách hàng, giúp họ có được sự tự tin cần thiết trong các chương trình cải cách của mình.

Nhờ kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm quốc tế của Keith và các chuyên gia EY trong khu vực, EY Việt Nam đã nhanh chóng nhận diện được sự khác biệt cũng như những điểm tương đồng mà thị trường Việt Nam có thể học hỏi từ các nền kinh tế láng giềng. Ví dụ, xu hướng phát triển ngành tài chính của các thị trường khác nhau mà EY quan sát được đã là tư liệu đầu vào chất lượng để ban lãnh đạo EY lập kế hoạch và đưa ra các dịch vụ phù hợp cho ngành tài chính trong nước. 

Không chỉ dựa vào các chuyên gia tài chính hàng đầu trong mạng lưới toàn cầu, EY Việt Nam đẩy mạnh quá trình tuyển dụng, đào tạo, phát triển và giữ chân những nhân tài xuất sắc nhất. Nhờ việc xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, văn hóa phát triển nhân sự hợp lý, tỉ lệ giữ chân nhân tài của công ty luôn ở mức cao. 

Qua 20 năm từ quyết định ban đầu, hầu hết các thành viên đầu tiên trong đội ngũ chuyên gia Dịch vụ Tài chính của EY Việt Nam đều đã trưởng thành và trở thành các lãnh đạo dẫn dắt nhiều dịch vụ của EY dành cho thị trường tài chính Việt Nam. Chính cách tiếp cận này đã giúp EY Việt Nam tạo lập được sự cân bằng giữa kiến thức địa phương và kinh nghiệm toàn cầu, tạo ra lợi thế khác biệt của EY Việt Nam so với các đơn vị cung cấp dịch vụ kiểm toán và tư vấn khác trên thị trường. 

2

Phần 2:

Lửa thử vàng gian nan thử sức

Minh bạch là chìa khóa

Phần 2: Lửa thử vàng gian nan thử sức

Minh bạch là chìa khóa 

Năm 2007, ngành bảo hiểm Việt Nam chứng kiến thương vụ IPO lớn nhất lịch sử khi Tập đoàn Tài chính Bảo hiểm Bảo Việt (Bảo Việt) đã thu hút 20.368 nhà đầu tư với mức giá trúng thầu thấp nhất là 67.800 đồng, mức giá bình quân là 71.918 đồng/CP, cao hơn rất nhiều so với mức giá Bảo Việt dự kiến. Thành công này, theo đánh giá của lãnh đạo Bảo Việt, minh bạch thông tin là yếu tố quan trọng nhất để đạt được hiệu quả cao nhất trong IPO.

Khi Việt Nam ngày càng tham gia sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu, đánh dấu bằng việc trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007, thì việc IPO trong năm 2007 là một trong những bước đi cần thiết để Bảo Việt tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng có nguồn vốn và kinh nghiệm để phát triển thị trường bảo hiểm trong nước, cũng như hoàn thành yêu cầu mà cơ quan quản lý đặt ra cho các doanh nghiệp nhà nước như Bảo Việt. 

Là đơn vị kiểm toán độc lập, EY Việt Nam đã tiến hành hoạt động kiểm toán các báo cáo tài chính của Bảo Việt. Đây là dịch vụ và nghiệp vụ “truyền thống” của EY, nhưng thách thức lại đến từ khối lượng công việc lớn, trong thời gian cực kỳ sát sao khi thời hạn làm cáo bạch cho hoạt động IPO đã rất gần và không thể thay đổi. Quy mô của Bảo Việt trải dài trên cả nước, số lượng các công ty thành viên lớn, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, trong khi kinh nghiệm làm kiểm toán của công ty với Bảo Việt tại thời điểm đó chưa nhiều; do đó, việc thu thập thông tin và làm các thủ tục kiểm toán trong một khoảng thời gian ngắn trở thành áp lực lớn cho đội ngũ nhân sự thuộc dự án của EY Việt Nam. 

Cuối cùng, nhờ nỗ lực vượt bậc của EY Việt Nam trong việc cung cấp các nghiệp vụ kiểm toán trong những điều kiện thách thức và áp lực, Bảo Việt đã có thể hoàn thành bản cáo bạch với những thông tin kịp thời, chính xác và tin cậy, giúp nhà đầu tư có thể đưa ra quyết định đầu tư một cách chính xác hơn tại thời điểm cổ phiếu Bảo Việt lần đầu lên sàn. 

Chủ tịch EY Toàn cầu, ông Jim Turley, các lãnh đạo EY APAC, ASEAN và EY Việt Nam tại phòng kiểm toán của Bảo Việt với các thành viên của đội kiểm toán năm 2011

Tập đoàn Bảo Việt là một trong những tập đoàn tài chính, bảo hiểm lớn nhất Việt Nam, do đó, khối lượng công việc cho mỗi đợt kiểm toán là rất lớn, cộng thêm thời hạn báo cáo hết sức gấp rút để kịp thời đáp ứng yêu cầu IPO. Đối với chúng tôi, đó là thử thách rất lớn. Với sự hỗ trợ cao nhất từ lãnh đạo EY và Bảo Việt, cũng như nỗ lực không biết mệt mỏi của đội ngũ kiểm toán, cuộc kiểm toán đã thành công tốt đẹp. Khách hàng đã có được thông tin tài chính minh bạch, chính xác, kịp thời, đáp ứng được yêu cầu của cơ quan quản lý. Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, đội ngũ của EY Việt Nam đã có cơ hội rèn luyện bản thân trong điều kiện thời gian và khối lượng công việc khắt khe, cũng như rút ra bài học kinh nghiệm quý báu cho các dự án tương tự.

Không dừng lại ở đó, EY Việt Nam còn chủ động làm việc và hỗ trợ ban quản lý của Bảo Việt làm quen và hiểu hơn về các chuẩn mực báo cáo tài chính nhằm đáp ứng cao nhất các tiêu chuẩn khắt khe trên thế giới, cũng như cung cấp những tài liệu tiên tiến liên quan tới các chuẩn mực báo cáo này cho đội ngũ nhân sự của Tập đoàn. EY Việt Nam cũng đã hỗ trợ Bảo Việt trong công tác lập báo cáo tài chính, và chuyển đổi thành công từ Chuẩn mực Kế toán Việt Nam (VAS) sang IFRS. Việc chuyển đổi thành công từ VAS sang IFRS cũng là một trong những yếu tố góp phần giúp Bảo Việt thuận lợi hơn trong việc tìm kiếm và đáp ứng các yêu cầu của cổ đông chiến lược nước ngoài.  

Trong suốt quá trình làm việc với Tập đoàn, EY Việt Nam đã hỗ trợ Bảo Việt trong nhiều lĩnh vực như nâng cao năng lực của đội ngũ kế toán, tài chính nội bộ, tăng năng lực quản trị doanh nghiệp và kiểm soát nội bộ thông qua các đề xuất kịp thời trong thư quản lý. 

Kể từ năm 2005, thời điểm Bảo Việt bắt đầu mối quan hệ hợp tác dài hạn và chặt chẽ với EY Việt Nam, Tập đoàn Bảo Việt đã liên tục phát triển, và tới nay đã trở thành một trong số ít đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính toàn diện, bao gồm bảo hiểm, ngân hàng, quản lý quỹ, chứng khoán và đầu tư.  

Đây cũng là một trong những DNNN đầu tiên thành công trong việc tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài. Nhà đầu tư chiến lược đầu tiên của Bảo Việt là HSBC Holdings, và sau đó là Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Sumitomo (Sumitomo Life) của Nhật Bản, hiện đang sở hữu 22,09% cổ phần của Tập đoàn Bảo Việt. Danh sách “Top 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam” năm 2021 do Forbes Việt Nam công bố ghi nhận Bảo Việt là doanh nghiệp dẫn đầu ngành bảo hiểm. Đây cũng là lần thứ 9 liên tiếp Bảo Việt lọt vào danh sách này. 

Tập đoàn Bảo Việt đánh giá rất cao, và rất hài lòng với chất lượng dịch vụ của EY Việt Nam bởi nhiều lý do. Thứ nhất, đội ngũ cán bộ nhân viên, kiểm toán viên của EY Việt Nam có trình độ chuyên môn cao, nhiệt huyết, luôn đáp ứng mọi tiến độ ra báo cáo sau kiểm toán cho Tập đoàn Bảo Việt. Đặc biệt, dịch vụ kiểm toán của EY Việt Nam đã mang lại rất nhiều giá trị gia tăng cho Tập đoàn.  

Tập đoàn Bảo Việt đánh giá rất cao, và rất hài lòng với chất lượng dịch vụ của EY Việt Nam bởi nhiều lý do. Thứ nhất, đội ngũ cán bộ nhân viên, kiểm toán viên của EY Việt Nam có trình độ chuyên môn cao, nhiệt huyết, luôn đáp ứng mọi tiến độ ra báo cáo sau kiểm toán cho Tập đoàn Bảo Việt. Đặc biệt, dịch vụ kiểm toán của EY Việt Nam đã mang lại rất nhiều giá trị gia tăng cho Tập đoàn. Trước đây khi chưa có dịch COVID-19, từ 2019 trở về trước, ngoài việc cung cấp báo cáo sau kiểm toán cho Tập đoàn Bảo Việt chất lượng, đúng tiến độ, theo tiêu chuẩn kế toán của Việt Nam, kế toán quốc tế, EY Việt Nam còn trợ giúp Bảo Việt trong công tác nghiên cứu kinh doanh sản phẩm bảo hiểm, phân mảng khách hàng nào còn tiềm năng ở Việt Nam. Đặc biệt, giá trị gia tăng đó được thể hiện trong thư quản lý, giúp cho lãnh đạo Tập đoàn trong công tác điều hành, quản lý, quản trị, gia tăng hiệu quả kinh doanh cho Tập đoàn được tốt hơn.

Hội thảo thường niên về ngành bảo hiểm. Sự kiện đồng tổ chức bởi EY Việt Nam và cơ quan quản lý bảo hiểm Việt Nam

Khởi đầu từ Tập đoàn Bảo Việt, khách hàng đầu tiên và lớn nhất trong lĩnh vực bảo hiểm vào năm 2005, sau hơn 15 năm, đội ngũ chuyên gia tư vấn doanh nghiệp bảo hiểm của EY Việt Nam đã gây dựng được một di sản đáng kể trong ngành bảo hiểm Việt Nam. Kể từ năm 2006 đến nay, EY Việt Nam đã giữ vững ngôi đầu là nhà cung cấp các dịch vụ chuyên nghiệp chất lượng cao cho ngành bảo hiểm tại Việt Nam. 

Năm 2011, EY Việt Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) với Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm thuộc Bộ Tài chính Việt Nam. Thông qua MOU này, EY đã hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ cơ quan quản lý trong nhiều sáng kiến xây dựng năng lực trong lĩnh vực bảo hiểm như quản lý rủi ro, quản lý điều tra gian lận, dịch vụ tính toán bảo hiểm và cải thiện hiệu suất. EY cũng đồng tổ chức với cơ quan quản lý hội thảo thường niên ngành bảo hiểm với về các xu hướng mới nhất của ngành.

Theo Trung tâm thông tin EY Việt Nam năm 2020, EY Việt Nam đã và đang thực hiện cung cấp dịch vụ cho 25 trên tổng số 32 công ty bảo hiểm phi nhân thọ, công ty bảo hiểm nhân thọ, và 2 công ty môi giới bảo hiểm nước ngoài đang hoạt động tại thị trường Việt Nam.

Khi ban lãnh đạo của EY Việt Nam quyết định tập trung đầu tư nguồn lực vào thị trường này, ngành bảo hiểm nhân thọ trong nước còn rất non trẻ với một vài công ty bảo hiểm nước ngoài mới đặt chân đến Việt Nam. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay ngành bảo hiểm đã phát triển nhanh chóng, trở thành ngôi sao sáng của ngành bảo hiểm khu vực châu Á. 

Từ năm 2000 đến 2020 thị trường bảo hiểm Việt Nam đã tăng trưởng nhanh hơn đáng kể so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tốc độ tăng trưởng được duy trì trong thời gian dài, bất chấp cuộc khủng hoảng tài chính thế giới hay các tác động tiêu cực khác.

Năm 2020 đánh dấu năm thứ bảy liên tiếp thị trường bảo hiểm Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng phí bảo hiểm cao so với tăng trưởng GDP, bình quân đạt 20%. Do đó, tổng tài sản đạt 573.000 tỷ đồng, tăng 23,81%, theo Niên giám thị trường Bảo hiểm Việt Nam năm 2020 do Cục quản lý giám sát bảo hiểm phát hành.

EY Việt Nam cũng liên tục phát triển, lớn mạnh và đồng hành cùng quá trình trưởng thành của thị trường bảo hiểm Việt Nam. Thành tựu to lớn của EY trong lĩnh vực bảo hiểm đạt được nhờ vào việc EY Việt Nam đã sớm đầu tư vào thị trường, xây dựng và tăng cường năng lực của đội ngũ chuyên gia, không chỉ trong lĩnh vực kiểm toán mà còn các năng lực tư vấn khác. Nhờ đầu tư sớm và đúng hướng, EY Việt Nam hiện là nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm hàng đầu tại thị trường Việt Nam, xét về đội ngũ tư vấn cũng như năng lực chuyên môn.

Hơn nữa, điều quan trọng là EY Việt Nam luôn có khả năng tùy chỉnh dịch vụ của mình sao cho phù hợp với nhu cầu trong nước. EY không chỉ mang chuyên môn nghiệp vụ toàn cầu vào Việt Nam, mà còn biết cách điều chỉnh sao cho phù hợp với khẩu vị của từng khách hàng.

Dịch vụ vượt trội

Hội đồng Quản trị của Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Shinhan Life, một chi nhánh của Shinhan Financial Group Co., Ltd có trụ sở chính tại Seoul, Hàn Quốc, vẫn chưa hết ngạc nhiên khi Shinhan Life Insurance nhận được giấy phép hoạt động do Bộ Tài chính Việt Nam cấp chỉ trong vòng 6 tháng. Quá trình này được coi là thời gian cấp phép nhanh nhất từ trước đến nay trên thị trường bảo hiểm trong nước. 

Mối quan hệ giữa hai công ty được thiết lập từ năm 2016 khi EY Việt Nam hỗ trợ khách hàng này đánh giá điều kiện gia nhập thị trường bảo hiểm Việt Nam. Nhóm chuyên gia EY đã cung cấp cho Shinhan Life bức tranh toàn cảnh ngành bảo hiểm Việt Nam và những hiểu biết chuyên sâu quan trọng. Sau đó, khách hàng này đã quyết định chọn Việt Nam là nơi đầu tiên thực hiện mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài. Năm 2020, EY Việt Nam được tin tưởng giao phó vai trò trợ giúp Shinhan Life trong kế hoạch gia nhập thị trường của công ty. 

Thành công bước đầu khi nhận được giấy phép đầu tư là nền tảng vững chắc để đội ngũ chuyên gia bảo hiểm EY Việt Nam xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với công ty bảo hiểm đến từ Hàn Quốc. Shinhan Life tiếp tục tin tưởng giao EY Việt Nam thực hiện các nghiệp vụ liên quan sau khi nhận giấy phép đầu tư với niềm tin đội ngũ chuyên gia của EY Việt Nam sẽ vượt qua các thách thức trong dự án của Shinhan Life.  

Ngày 25 tháng 1 năm 2022, bất chấp những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, Shinhan Life Vietnam chính thức tổ chức lễ ra mắt hoạt động kinh doanh bảo hiểm của mình tại Việt Nam. Đây chính là kết quả đến từ dịch vụ vượt trội mà đội ngũ của EY Việt Nam đã mang đến cho Shinhan Life Vietnam nói riêng và các công ty trong ngành bảo hiểm nói chung. Đó cũng là minh chứng cho văn hóa và niềm tự hào của EY khi mang tới những dịch vụ chất lượng, vượt ngoài kỳ vọng của khách hàng. 

Nhờ sự hỗ trợ của đội ngũ tư vấn của EY Việt Nam, chúng tôi đã hiểu được mức độ phát triển của thị trường Việt Nam, cũng như cách thức gia nhập thị trường một cách hiệu quả nhất, tức thông qua chiến lược thành lập công ty mới. Với kinh nghiệm và nỗ lực của đội ngũ chuyên gia EY, chúng tôi đã nhanh chóng nhận được giấy phép thành lập và hoạt động cho công ty bảo hiểm nhân thọ của chúng tôi tại Việt Nam. Tôi hoàn toàn tin rằng, mối quan hệ giữa hai công ty sẽ tiếp tục được duy trì và phát triển hơn nữa trong thời gian tới.

Trong suốt hơn 15 năm qua, EY Việt Nam ngày càng xây dựng được uy tín trong cộng đồng các công ty bảo hiểm tại Việt Nam. Bắt đầu với vai trò là nhà cung cấp dịch vụ cốt lõi là kiểm toán cho các công ty bảo hiểm, EY Việt Nam tiếp tục chủ động cung cấp nhiều dịch vụ tư vấn tiên tiến khác cho khách hàng trong lĩnh vực này. Đến nay, EY đã trở thành công ty duy nhất mà bất kỳ doanh nghiệp bảo hiểm nào cũng có thể tiếp cận và yêu cầu bất kỳ loại dịch vụ tư vấn nào, từ bancassurance đến các dịch vụ liên quan đến CNTT. 

Với những nỗ lực đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp và ngành bảo hiểm Việt Nam, EY đã được InsuranceAsia News vinh danh là Công ty Tư vấn Bảo hiểm tốt nhất năm 2021. Giải thưởng ghi nhận sự đóng góp không ngừng nghỉ của đội ngũ chuyên gia Bảo hiểm Châu Á – Thái Bình Dương, trong đó đội ngũ tư vấn bảo hiểm EY Việt Nam là một phần đóng góp vào thành công này.

Là một người nước ngoài sống tại Việt Nam và tham gia vào lĩnh vực bảo hiểm Việt Nam từ năm 2006, tôi thấy thành công của EY Việt Nam, ngoài việc đến từ năng lực hỗ trợ ngành dịch vụ tài chính, bảo hiểm đạt được danh tiếng mang tầm quốc tế, còn là cách chúng tôi quảng bá tiềm năng thị trường bảo hiểm Việt Nam bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Rõ ràng, ngành bảo hiểm trong nước đã đi được một chặng đường dài trong hơn 20 năm qua, tuy nhiên, ngành này vẫn cần nhiều thời gian nữa để tiếp cận được mức độ phát triển của thế giới. Là một đơn vị cung cấp dịch vụ đứng đầu thị trường, chúng tôi cam kết sẽ đóng vai trò đưa ngành bảo hiểm nước nhà sánh ngang với các chuẩn mực thế giới này. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ với cơ quan quản lý, các doanh nghiệp trong ngành, để có thể tiếp tục đóng vai trò quan trọng, giúp ngành bảo hiểm Việt Nam sánh ngang với ngành bảo hiểm toàn cầu.

Đầu tiên và duy nhất

Nguyên tắc thị trường là: khi thị trường đã đặt niềm tin vào bạn, bạn sẽ nhận được rất nhiều cơ hội. Đây chính là trường hợp của EY Việt Nam. 

Còn nhớ ngay từ đầu những năm 2000, thông qua chương trình đào tạo của EY khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APAC), đặc biệt là EY Hong Kong, đội ngũ nhân sự của EY Việt Nam đã được tiếp cận và đào tạo về các tài liệu về tài chính tiên tiến tại thời điểm đó như Hồ sơ trình tín dụng (Loan of Appraisal), Hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, Basel. 

Nhờ nuôi dưỡng và sở hữu đội ngũ nhân sự có kiến thức tiên tiến nổi trội so với mặt bằng trên thị trường, EY Việt Nam đã xây dựng được niềm tin với thị trường trong lĩnh vực kiểm toán báo cáo tài chính của các tổ chức tín dụng trong nước thời kỳ đầu tiên. 

Cũng nhờ quá trình đầu tư, chuẩn bị nguồn lực từ rất sớm để phục vụ quá trình chuyển đổi nền kinh tế và hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, EY Việt Nam đã trở thành đơn vị tiên phong, mang những tri thức mới nhất, từ kiểm toán tới các dịch vụ tư vấn chuyên sâu khác trên thế giới cho các doanh nghiệp Việt Nam, và trở thành nhà tư vấn uy tín không chỉ với các tổ chức tài chính mà cả cơ quan quản lý, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Một số dự án mà EY Việt Nam tham gia thời kỳ đầu tiên với NHNN có thể kể tên như dự án liên quan tới xây dựng khung thanh tra giám sát, xếp hạng tín dụng nội bộ, đào tạo cán bộ, quản lý rủi ro. Những dự án này đã tạo dựng nền tảng, nguyên lý để cơ quan quản lý xây dựng hệ thống văn bản pháp quy liên quan tới an toàn trong ngành ngân hàng. Nhiều quy định pháp lý vẫn được áp dụng tới ngày nay.

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XII thông qua Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, thay thế các Luật liên quan trước đó. Hai bộ luật trọng yếu trong lĩnh vực ngân hàng này đã tạo nền tảng pháp lý để ngành ngân hàng tiếp tục đổi mới hoạt động, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. 

Giai đoạn đầu những năm 2010,

Giai đoạn đầu những năm 2010, các tổ chức tín dụng tư nhân phát triển như vũ bão. Đi kèm với làn sóng này là các hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại. Điều này đòi hỏi hệ thống quản lý nội bộ của NHNN phải theo kịp sự phát triển của thị trường cũng như yêu cầu về cơ sở hạ tầng trong quá trình hội nhập quốc tế. 

Trong bối cảnh đó, NHNN được WB tài trợ vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) thực hiện dự án Hệ thống thông tin quản lý và hiện đại hóa ngành ngân hàng (Financial Sector Modernization and Information Management System - FSMIMS) với tổng kinh phí lên tới gần 72 triệu USD. Trong rất nhiều đơn vị quốc tế tham gia đấu thầu dự án, được cho là có giá trị lớn nhất khu vực Đông Dương từ trước tới nay, EY là đơn vị thắng thầu một số hạng mục tư vấn trọng điểm. 

Dự án bao gồm 10 cấu phần và có mức độ tác động tới gần như toàn bộ hạ tầng CNTT của NHNN. EY Việt Nam có trách nhiệm xây dựng kiến trúc công nghệ thông tin tổng thể cho NHNN và mời thầu thực hiện các cấu phần nhỏ trong kiến trúc tổng thể đó gồm: ngân hàng lõi, tích hợp, kế hoạch hóa nguồn lực doanh nghiệp (ERP), nhân sự (HR), quản lý văn bản và trung tâm dữ liệu của NHNN. Sau khi thực hiện tất cả các cấu phần, EY Việt nam tiếp tục đánh giá khoảng cách kỹ năng và tiến hành đào tạo nguồn nhân lực của NHNN.

Thực hiện dự án là cả một cuộc trường chinh bởi tại thời điểm đó quy mô dự án quá lớn. Chúng tôi phải huy động đội ngũ chuyên gia tinh túy nhất trong và ngoài hệ thống EY Toàn cầu để tham gia hỗ trợ dự án. Đây là dự án đầu tiên về chuyển đổi, có quy mô lớn và duy nhất mà EY thực hiện tại Việt Nam. Với quy mô và mức độ phức tạp, mỗi cấu phần của dự án có thể được coi là một dự án riêng nằm trong dự án lớn. Tập hợp được đội ngũ chuyên gia đa ngành, đa văn hóa, tuổi tác khác biệt đã là một thách thức lớn. Nhưng để kết nối họ trong một dự án có tính đặc thù cao, chia sẻ hiểu biết về sự khác biệt trong cách thức hệ thống vận hành tại Việt Nam, phối hợp sự hoạt động của các nhóm chuyên gia để thực hiện dự án một cách hiệu quả lại là một thách thức còn lớn hơn.

Bất kỳ một dự án chuyển đổi nào đều dẫn tới thay đổi toàn bộ mô hình hoạt động của NHNN, bao gồm thay đổi chức năng nhiệm vụ, phân công phân nhiệm, thay đổi vai trò, quy trình thực hiện, v.v. Trong khi đó, FSMIMS là dự án có tác động tới hầu hết hoạt động của NHNN, việc quản lý sự thay đổi sẽ tác động rất lớn tới sự thành công của dự án. 

Dự án kết thúc sau chín năm với nhiều nỗ lực của cả NHNN và EY Việt Nam, đã mang lại những hiệu quả và ảnh hưởng tích cực. Dự án đã cải thiện đáng kể chế độ quản lý thông tin, báo, thống kê của bản thân NHNN và các ngân hàng thương mại; giúp giảm tải thời gian, chi phí tuân thủ; nâng cao hiệu quả thông tin báo cáo của các ngân hàng thương mại tới NHNN. 

Trên cơ sở này, dự án cũng giúp tạo dựng cơ chế xây dựng cơ sở dữ liệu, làm nền tảng để NHNN phân tích thông tin và thực thi vai trò, năng lực quản lý nhà nước, đưa ra các chính sách quản lý thị trường hiệu quả và kịp thời, đồng thời, thực thi trách nhiệm báo cáo của NHNN với Chính phủ, và các tổ chức trong nước và quốc tế khác.

Những đổi mới dự án mang lại cũng đã giúp quy trình đấu thầu, quy trình bơm và hút tiền từ thị trường liên ngân hàng thuận lợi hơn.

Thông điệp xuyên suốt của chúng tôi khi thực hiện dự án là không chỉ giúp mang đến cho khách hàng tư duy chuyển đổi, hỗ trợ khách hàng thực thi quá trình chuyển đổi, mà còn thực sự chuyển đổi chính bản thân EY Việt Nam. Chúng tôi chấp nhận thử thách và đầu tư thích đáng cho dự án, cả về mặt kỹ thuật và nhân sự để đáp ứng yêu cầu của khách hàng đặc biệt này.

Dự án FSMIMS chỉ là một ví dụ tiêu biểu trong chuỗi nỗ lực không ngừng nghỉ mà EY Việt Nam đã thực hiện nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng và hành lang pháp lý của Việt Nam trong lĩnh vực tài chính ngân hàng trong thời gian qua. 

Kể từ khi thành lập tới nay, EY Việt Nam luôn đóng vai trò cầu nối giữa ngân hàng thương mại và NHNN. Trong quá trình cơ quan quản lý xây dựng chính sách trong lĩnh vực tài chính, EY Việt Nam luôn là đơn vị tiên phong đóng góp ý kiến dựa trên sự lắng nghe, thấu hiểu những khó khăn, vướng mắc mà các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng đang gặp phải. Đồng thời đề xuất các giải pháp hữu hiệu nhằm tạo thuận lợi, thông thoáng về thể chế chính sách, giúp khối ngân hàng tiếp tục phát triển.

Đối với cơ quan quản lý, EY Việt Nam là đơn vị được các cấp quản lý trong ngành ngân hàng “gõ cửa” đầu tiên nhằm tham khảo ý kiến trong quá trình lập chính sách của mình. Sự tin tưởng của các lãnh đạo trong ngành ngân hàng đến từ các sáng kiến và hoạt động tiên phong, các dự án thành công EY Việt Nam đã thực hiện, cũng như chuyên môn của mạng lưới chuyên gia EY trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Nguyên Phó Thống đốc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

Đây là dự án rất lớn và phức tạp, bởi vậy gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai. Trước hết, đây là dự án có tính đặc thù cao, không có sản phẩm mua sẵn trên thị trường. Không như mô hình hệ thống lõi của ngân hàng thương mại, thường có sẵn trên thị trường, ngân hàng trung ương mỗi nước lại khác nhau nên dự án FSMIMS phải thiết kế riêng cho NHNN một hệ thống lõi (core system).

Khó khăn thứ hai là dự án liên quan đến tất cả các bộ phận, các đơn vị thuộc NHNN bao gồm các vụ, cục của NHNN và tất cả các chi nhánh ở 63 tỉnh, thành phố. Cho nên toàn bộ cán bộ nhân viên phải cùng vào cuộc. Vì vậy, trong quá trình thảo luận và trao đổi, ý kiến khác nhau rất nhiều và thời gian để làm việc với tất cả các đơn vị để tạo sự đồng thuận và đi đến quyết định trong toàn hệ thống là khá phức tạp và khó khăn.

Ngoài ra, khi thực hiện dự án này, NHNN phải tuân thủ nghiêm ngặt thủ tục và các quy định của WB về đấu thầu và giải ngân. Trong quá trình triển khai dự án, WB thay đổi rất nhiều lãnh đạo của nhóm quản lý dự án. Đồng thời với việc tuân thủ quy định của WB, NHNN cũng phải tuân thủ quy định của Việt Nam về các dự án ODA.

Hấu hết các gói thầu của dự án đều phải đấu thầu quốc tế. Quá trình triển khai, thực hiện các gói thầu rất phức tạp, có những gói thầu rất khó, đòi hỏi sự kết hợp giữa các chuyên gia nước ngoài với các đơn vị của NHNN với ban quản lý dự án phải chặt chẽ mới vượt qua được. Với sự nỗ lực, cố gắng của anh em trong ban quản lý dự án, sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo NHNN cùng với sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của EY Việt Nam – nhà thầu chính, dự án đã kết thúc thành công.

Chúng tôi rất vui mừng vì kết quả đạt được. WB cũng đánh giá cao đây là dự án công nghệ thông tin tương đối mẫu mực, có thể phổ biến kinh nghiệm cho các dự án tương tự ở các nước khác. Tôi cũng đánh giá rất cao sự nỗ lực, hỗ trợ nhiệt tình của EY Việt Nam, đặc biệt tôi rất cảm ơn anh Trần Đình Cường, Tổng Giám đốc EY Việt Nam đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiệt tình, nhất là trong những giai đoạn rất khó khăn, thậm chí không tính đến chi phí phát sinh.

3

Phần 3:

Vươn đỉnh cao, hướng tương lai

Phần 3: Vươn đỉnh cao, hướng tương lai

Giai đoạn 2004-2010 là thời kỳ vô tiền khoáng hậu của EY Việt Nam vì chúng tôi cùng lúc thực hiện dịch vụ kiểm toán cho toàn bộ ngân hàng nhà nước và nhiều ngân hàng thương mại hàng đầu khác.

Vô tiền khoáng hậu

Khi nói tới lĩnh vực tài chính Việt Nam, cái tên đầu tiên mà các tổ chức quốc tế nhớ tới chính là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vì đây là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam thực hiện thanh toán quốc tế. 

Năm 2001 là thời điểm đánh dấu bước tiến quan trọng của EY Việt Nam đối với ngành tài chính khi công ty trở thành đơn vị kiểm toán cho Vietcombank. Để đáp ứng được nhu cầu của ngân hàng hội nhập quốc tế sớm nhất này, EY Việt Nam đã huy động cả nguồn lực trong nước và quốc tế để mang đến chất lượng dịch vụ tốt nhất. 

Có được thành công từ Vietcombank, EY Việt Nam có thêm động lực và kinh nghiệm để từng bước chinh phục cả bốn ngân hàng quốc doanh của Việt Nam và rất nhiều ngân hàng thương mại lớn khác. Năm 2003, công ty đã cung cấp dịch vụ kiểm toán cho Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); năm 2004 cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank); và năm 2004 cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank).

Một mặt, EY Việt Nam tăng cường sự hỗ trợ của mạng lưới các chuyên gia của EY trong khu vực như Singapore, Hong Kong, Ấn Độ về chuyên môn và kỹ thuật. Mặt khác, đội ngũ nhân sự của EY Việt Nam am hiểu thị trường tài chính trong nước, được ươm mầm từ nhiều năm trước, đã kết hợp hài hòa với nguồn lực trong và ngoài nước là một trong những lợi thế nổi bật của EY trên thị trường.

Dưới sự hỗ trợ của EY Việt Nam

Dưới sự hỗ trợ của EY Việt Nam, Vietcombank đã trở thành ngân hàng đầu tiên được kiểm toán theo Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS), và do đó đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế. Hơn nữa, việc tiên phong chuyển đổi thành công báo cáo tài chính của Vietcombank theo IFRS cũng là bước ngoặt lớn đối với ngành tài chính nói chung, bởi đây là một trong những bước đi quan trọng giúp cải cách hệ thống ngân hàng trong nước mà các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đặt ra. 

Những dịch vụ tiên tiến mà EY Việt Nam mang tới thị trường trong nước đã đóng vai trò là một trong những lực đẩy quan trọng, rút ngắn thời gian nhận viện trợ của các tổ chức tín dụng trong nước từ các tổ chức viện trợ quốc tế. Những báo cáo tài chính thực hiện theo tiêu chuẩn quốc tế do EY Việt Nam kiểm toán đã tạo được sự minh bạch và tạo được niềm tin trong cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế. Đây là nguồn tài chính vô cùng quan trọng, là nguồn vốn đầu vào phục vụ quá trình cải cách nền tài chính trong nước.

Khởi động dự án IFRS9 với Vietcombank

Dấu mốc trưởng thành 

Đối với lĩnh vực tài chính, hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là sau sự kiện Việt Nam tham gia WTO, đã mở ra cho các ngân hàng, tổ chức tín dụng trong nước cơ hội tiếp cận thị trường nước ngoài, đặc biệt là sự hiện diện thương mại và cung cấp dịch vụ xuyên biên giới. 

Năm 2008, qua thời gian gắn bó với các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, cũng là thời gian gắn liền với quá trình hội nhập toàn cầu của nền kinh tế Việt Nam, EY Việt Nam quyết định chính thức thành lập đội ngũ nhân sự chuyên biệt cung cấp dịch vụ cho các khách hàng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính trong nước. Từ dấu mốc đặc biệt quan trọng đó đến nay, có thể nói FSO của EY Việt Nam là đơn vị đầu tiên, và vẫn là đơn vị chuyên biệt duy nhất trên thị trường cung cấp các dịch vụ cho các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành tài chính – ngân hàng tại Việt Nam. 

Sau bảy năm đầu tư chuyên sâu cho lĩnh vực tài chính, vào năm 2008, EY Việt Nam đã quyết định thành lập đội ngũ FSO (Financial Services Organization – Tổ chức dịch vụ tài chính), với tên ban đầu khi đó là BFS. Đây là đội ngũ chuyên biệt, chuyên phục vụ cho lĩnh vực tài chính như khối ngân hàng, bảo hiểm, các công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán. Vì chuyên biệt nên đội ngũ nhân lực này hiểu và nắm bắt sâu về lĩnh vực tài chính và trở thành các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này. Hơn nữa, vì chuyên biệt nên đội ngũ FSO trong nước liên kết chặt chẽ với đội ngũ FSO của EY Toàn cầu, để tận dụng được các kiến thức, kinh nghiệm quốc tế và đề xuất được các dịch vụ mới nhất cho khối các doanh nghiệp này tại Việt Nam.

Theo sự phát triển của nền kinh tế và xu hướng hòa nhập quốc tế, từ nhu cầu phát triển nội tại của các ngân hàng, các vấn đề ngành ngân hàng phải đối mặt cũng trở nên ngày càng đa dạng và phức tạp. Là đơn vị tiên phong trong thị trường này, EY Việt Nam xác định phải mang lại các dịch vụ, giải pháp mới nhất, tiên tiến nhất, giải quyết được các yêu cầu ngày càng đa dạng và thách thức để đáp ứng quá trình phát triển của các khách hàng trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng tại Việt Nam. 

Năm 2011, FSO tách riêng bộ phận tư vấn tài chính ra khỏi bộ phận kiểm toán và thành lập mảng hoạt động FS Consulting, một trong những cấu phần quan trọng của FSO, bao gồm đội ngũ các chuyên gia và nhóm nhân viên tư vấn am hiểu sâu sắc lĩnh vực ngân hàng. FS Consulting đã nhanh chóng phát triển và tăng trưởng, trở thành đơn vị đầu tiên trên thị trường cung cấp các dịch vụ tư vấn tiên tiến và vuợt trội như: tư vấn quản lý tài chính, quản trị rủi ro, đánh giá hiệu quả hoạt động, tư vấn xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin.

Việc tách riêng bộ phận chuyên trách tư vấn tài chính ra khỏi bộ phận kiểm toán đã giúp xây dựng đội ngũ nhân sự chất lượng, có kiến thức chuyên sâu hơn trong lĩnh vực tài chính. Khi đó mới có thể phục vụ được nhu cầu ngày càng đa dạng và phức tạp của khách hàng, trở thành một nhà cố vấn đáng tin cậy được các ngân hàng tìm tới.

Cuối năm 2016, NHNN đã ban hành Thông tư 41/2016/TT-NHNN (Thông tư 41) quy định về tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Văn bản này ra đời trong bối cảnh cơ quan quản lý nhận thức rõ được tầm quan trọng của quản trị rủi ro trong việc tăng khả năng chống đỡ của hệ thống ngân hàng trước các cuộc khủng hoảng kinh tế, và được ban hành với mục đích nâng cao năng lực quản trị rủi ro thông qua áp dụng hiệp ước Basel II cho hệ thống tài chính trong nước, cũng như ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, các ngân hàng cũng nhận thấy muốn hội nhập, đón nhận nguồn vốn quốc tế để phục vụ cho quá trình tăng trưởng, thì phải tham gia vào luật chơi chung của thế giới, trong đó có quản trị rủi ro. 

Hiệp ước Basel là tập hợp các quy định do Ủy ban Basel ban hành. Đây là Ủy ban về giám sát ngân hàng, được thành lập bởi ngân hàng trung ương của 10 nước phát triển vào năm 1974 tại thành phố Basel, Thụy Sĩ. Vai trò chính của Ủy ban nhằm thiết lập các tiêu chuẩn về quản trị rủi ro và an toàn cho các ngân hàng thương mại, cũng như tiêu chuẩn giám sát cho các ngân hàng trung ương, qua đó tăng cường sự ổn định của hệ thống tài chính toàn cầu. Kể từ khi hiệp ước đầu tiên về vốn ra đời vào năm 1988 (Basel I) cho đến nay, Ủy ban Basel đã nhiều lần sửa đổi và cập nhật yêu cầu và hướng dẫn này, cụ thể là Basel II năm 2006, Basel 2.5 năm 2009, Basel III năm 2010 và được điều chỉnh, bổ sung vào các năm 2011, 2013, 2014, 2017 và 2019. Mục đích của quá trình điều chỉnh liên tục này nhằm đảm bảo các quy định ban hành có thể bao quát tốt hơn và nâng cao chất lượng quản lý các rủi ro trọng yếu mà các ngân hàng thương mại phải đối mặt trong quá trình hoạt động của mình.  

Trước năm 2016, các vấn đề liên quan đến quản trị theo Basel II còn rất mới đối với các ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Các câu hỏi khi đó xoay quanh cách thức đo lường rủi ro, quản lý báo cáo, phương pháp quản trị và cách thức xây dựng mô hình quản trị rủi ro, v.v. Điểm quan trọng hơn, đó là áp dụng quản trị rủi ro trong hoạt động kinh doanh như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất.  

Nhìn rõ khoảng trống này, ngay từ giai đoạn sớm, EY Việt Nam đã phân tích Basel Gap cho hơn 15 tổ chức tín dụng trong nước. Dịch vụ này giúp các ngân hàng thương mại nhìn thấy khoảng cách và các bước cần thực hiện để đưa hoạt động quản trị rủi ro của ngân hàng trong nước theo thông lệ tiên tiến trên thế giới. 

EY Việt Nam tổ chức, năm 2015

Hội thảo thường niên Ngành Ngân hàng, EY Việt Nam tổ chức, năm 20155

Sau khi Thông tư 41 ra đời, EY Việt Nam và các tổ chức tín dụng tập trung vào các dự án nhằm nâng cao năng lực và tư duy quản trị rủi ro theo Basel II và III cho các ngân hàng trong một loạt các khía cạnh như rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường, rủi ro tín dụng đối tác, ICAAP (quá trình đánh giá tính đầy đủ vốn nội bộ), ALM (mô hình quản lý tài sản có, tài sản nợ), v.v.

Chúng tôi tự hào là đã góp phần làm thay đổi tư duy về quản trị rủi ro của ngành ngân hàng. Thực tế, quản trị rủi ro không phải là câu chuyện độc lập, nằm ngoài hoạt động kinh doanh. Đó phải là câu chuyện thường xuyên, hàng ngày của bất kỳ bộ phận nào trong ngân hàng. Quản trị rủi ro tốt sẽ giúp các ngân hàng tăng trưởng và phát triển bền vững.

Sau sáu năm áp dụng Basel II trong việc quản trị rủi ro, hoạt động ngành ngân hàng đã đi theo hướng phát triển bền vững hơn. Các ngân hàng thương mại đã nâng cấp quản trị rủi ro lên tầm cao mới, tiếp cận thông lệ, chuẩn mực tiên tiến, góp phần giúp hệ thống tài chính trong nước phát triển vững mạnh hơn, kiên cường hơn để chống đỡ với các cú sốc kinh tế có thể đến. Vai trò tiên phong và vị thế nhà tư vấn đáng tin cậy của đội ngũ FSO của EY Việt Nam, vì vậy, tiếp tục được khẳng định.

Gặp mặt báo chí: AEC & TPP – Chiến lược nào cho Ngân hàng Việt Nam, EY Việt Nam tổ chức, năm 2016

Dẫn dắt thị trường

Năm 2018, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) công bố đã chào bán thành công hơn 164 triệu cổ phiếu phổ thông cho các nhà đầu tư tổ chức. Đây được coi là một trong những thương vụ IPO lớn nhất trong lịch sử chứng khoán Việt Nam trong lĩnh vực tài chính, mang về xấp xỉ 922 triệu USD cho ngân hàng này.

Để thực hiện IPO, cũng như cung cấp thông tin xây dựng bản cáo bạch cho nhà đầu tư nước ngoài, Techcombank phải cam kết tuân thủ yêu cầu thực hiện báo cáo theo Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế 9 (IFRS 9), một trong hai chuẩn mực khó nhất về công cụ tài chính và ngân hàng.

Chuẩn mực này ra đời sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, khi Ủy ban Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IASB) thấy rằng việc siết chặt chuẩn mực báo cáo tài chính về công cụ tài chính sẽ giúp nâng cao mức độ an toàn của hệ thống tài chính. Các ngân hàng, với đặc thù kinh doanh tiền tệ nên có tới 95% tổng tài sản bị chi phối bởi chuẩn mực này. Do đó, IFRS 9 sẽ làm thay đổi gần như toàn bộ số liệu ngân hàng, đặc biệt là số dư dự phòng.

IFRS 9 có hiệu lực vào tháng 1 năm 2018 tại nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, việc lập và trình bày báo cáo tài chính theo IFRS không bắt buộc nên một bộ phận không nhỏ các ngân hàng tại thị trường Việt Nam không có sự chuẩn bị thông tin và nguồn lực cần thiết để áp dụng chuẩn mực này.

Do mức độ phức tạp của chuẩn mực, EY Việt Nam đã phối hợp cùng EY Malaysia tổ chức cùng một lúc bốn nhóm hoạt động đồng thời là nhóm về Quản trị Rủi ro, Tài chính Kế toán, Mô hình, và Quản lý Dự án và Công nghệ Thông tin. Bốn nhóm này đã làm việc liên tục cùng với nhân sự của Techcombank trong suốt 165 ngày (thậm chí không có ngày nghỉ) để thực hiện dự án. Kết quả, Techcombank là ngân hàng duy nhất tại Việt Nam công bố được bộ báo cáo tài chính theo IFRS 9 trong năm 2018, theo đúng khuyến nghị của IASB.

Bộ báo cáo tài chính theo IFRS 9 của Techcombank là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần kết quả ấn tượng trong thương vụ IPO của Techcombank, nâng cao vị thế của ngân hàng trong mắt của cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài. Nó cũng có ý nghĩa quan trọng đối với EY Việt Nam vì đây là dự án đầu tiên tuân thủ hoàn toàn các chuẩn mực về IFRS 9 được thực hiện tại thị trường trong nước. Ban lãnh đạo EY Việt Nam đã cam kết đầu tư rất lớn cả về con người và kỹ thuật để giúp Techcombank chuyển đổi thành công.

Trong nhiều năm, chúng tôi chọn làm việc với EY vì bề dày kinh nghiệm và lịch sử của công ty tại Việt Nam. EY không ngừng đem tới cho Techcombank dịch vụ xuất sắc, qua rất nhiều cột mốc lớn của chúng tôi, trong đó phải kể đến thương vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng năm 2019, thương vụ IPO lớn nhất Đông Nam Á trong lĩnh vực ngân hàng cho tới ngày hôm nay; hay việc hỗ trợ chúng tôi áp dụng chuẩn kế toán mới IFRS 9 có tác động lớn đến hoạt động ngành. Là một tổ chức chuyên nghiệp, EY Việt Nam luôn tìm đúng nhân sự để giải quyết đúng yêu cầu của khách hàng và các bạn làm điều này một cách thường xuyên. Chúng tôi luôn có nhu cầu làm việc với những đối tác có năng lực như vậy khi chúng tôi muốn đạt được bất kỳ một cột mốc, hay hoàn thiện dự án quan trọng nào trong hành trình số hóa của mình.
Techcombank trong dự án IFRS9
Là một tổ chức chuyên nghiệp, EY Việt Nam luôn tìm đúng nhân sự để giải quyết đúng yêu cầu của khách hàng và các bạn làm điều này một cách thường xuyên. Chúng tôi luôn có nhu cầu làm việc với những đối tác có năng lực như vậy khi chúng tôi muốn đạt được bất kỳ một cột mốc, hay hoàn thiện dự án quan trọng nào trong hành trình số hóa của mình.

Sau khi Techcombank chuyển đổi thành công báo cáo tài chính theo IFRS 9 dưới sự tư vấn, hỗ trợ của EY Việt Nam, lần lượt, các ngân hàng lớn tại Việt Nam như Vietcombank, VP Bank, MB Bank, Tiên Phong Bank, SeaBank và Maritime Bank đều trở thành khách hàng của EY Việt Nam trong việc chuyển đổi báo cáo tài chính sang IFRS 9.

Có thể nói, mỗi một loại hình dịch vụ EY cung cấp ra thị trường tài chính – ngân hàng đều có giá trị lịch sử và gắn bó mật thiết với lịch sử hình thành và phát triển của ngành và các doanh nghiệp ngành tài chính. Nếu dịch vụ kiểm toán là giai đoạn minh bạch hóa thông tin tài chính, tư vấn quản trị rủi ro gắn liền quá trình thay đổi tư duy quản trị rủi ro và phát triển bền vững, báo cáo theo IFRS và IFRS 9 tập trung vào vấn đề nâng cao mức độ an toàn của hệ thống tài chính, thì tư vấn về chuyển đổi số là giai đoạn EY Việt Nam giúp các ngân hàng, tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp hoạt động trong ngành tài chính tìm kiếm thành công trên chặng đường giải bài toán chiến lược và giải pháp kinh doanh số.

Chuyển đổi hướng

Chuyển đổi hướng tới tương lai

Nhắc đến vay tiêu dùng, hẳn rất nhiều người còn nhớ đến “$NAP” – một ứng dụng cho vay kỹ thuật số khép kín (an end-to-end digital lending platform app) số hóa hoàn toàn quy trình cho vay, từ nộp hồ sơ, thẩm định và giải ngân, tất cả chỉ mất khoảng 10-15 phút. “$NAP” là kết quả hợp tác của FE Credit-công ty tín dụng tiêu dùng sở hữu bởi Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), với nhiều công ty công nghệ tài chính FinTech, và thông qua sự hỗ trợ nghiên cứu và tư vấn từ EY Việt Nam. Lợi ích rất lớn mô hình đem lại về giảm chi phí vận hành và tăng trải nghiệm khách hàng có thể dễ dàng thấy được, nhưng ít người biết đằng sau đó là rất nhiều thách thức về tính sẵn sàng của hệ thống cơ sở dữ liệu, giải pháp công nghệ phù hợp với bối cảnh kinh tế trong nước, hay các quy định liên quan tới Fintech, v.v. mà EY Việt Nam và khách hàng cùng các đối tác đã phải đối mặt và từng bước đưa ra lời giải.

FE Credit được thành lập từ năm 2010 và là một trong những tổ chức cho vay tiêu dùng đầu tiên trên thị trường. Tuy nhiên, quy trình xét duyệt vay của FE Credit cũng như của các công ty cho vay tín dụng khác tại Việt Nam thường mất từ 4 đến 5 ngày và qua nhiều bước. Trong khi tại các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, nhiều công ty cho vay tiêu dùng đã ra mắt quy trình số hóa toàn diện từ nộp hồ sơ, thẩm định và giải ngân - tất cả chỉ mất khoảng 10-15 phút.

Thông qua sự hỗ trợ nghiên cứu và tư vấn từ EY Việt Nam, FE Credit đã làm việc với nhiều công ty FinTech và ứng dụng các thông lệ tiên tiến trong ngành tài chính tiêu dùng nhằm tạo ra một ứng dụng cho vay kỹ thuật số khép kín.

Để triển khai ứng dụng cho vay tự động đầu tiên và được cho là thành công nhất tới nay, EY Việt Nam đã gặp rất nhiều thách thức ví dụ như tại Việt Nam chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu cư dân đồng bộ để hỗ trợ eKYC. Thêm vào đó, vì là một ứng dụng hoàn toàn mới tại Việt Nam, toàn bộ nền tảng mà EY hỗ trợ đã phải thiết lập từ vạch xuất phát. Ngoài ra, do người dùng Việt chưa từng sử dụng một ứng dụng tương tự như $NAP trước đây, ứng dụng cần phải được phát triển sao cho dễ dàng, đơn giản và thân thiện nhất với người dùng.

Với trải nghiệm vay mới mẻ, sau khi được giới thiệu tới thị trường, $NAP đã nhanh chóng thu hút người tiêu dùng vì giảm thiểu được những bất cập của mô hình cho vay truyền thống. Đồng thời, $NAP đã giúp FE Credit hạn chế nguy cơ mất khách hàng tiềm năng và giảm đáng kể chi phí phải bỏ ra để có được một khách hàng mới.

Khi thực hiện dự án cùng FE Credit, khó khăn không chỉ nằm ở việc tìm kiếm giải pháp công nghệ phù hợp với bối cảnh kinh tế trong nước mà cả ở yếu tố tuân thủ pháp luật. Tại thời điểm thực hiện dự án, nhiều quy định pháp lý liên quan tới Fintech không rõ ràng, hoặc chưa được quy định trong luật. Làm thế nào để thuyết phục cơ quan quản lý, lãnh đạo ngân hàng nhà nước chấp thuận ứng dụng mới này là một thách thức vô cùng lớn.

Chuyên gia EY Việt Nam tham dự Diễn đàn doanh nghiệp trong nền kinh tế số

Công nghệ số và mô hình kinh doanh sáng tạo gắn với cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang làm thay đổi sâu sắc, toàn diện mọi ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh. Chuyển đổi số đã trở thành một động lực quan trọng đối với sự phát triển của các tổ chức tài chính, đòi hỏi các tổ chức tài chính phải đổi mới mô hình kinh doanh và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong mọi hoạt động của mình.

Trong xu thế tất yếu của cuộc CMCN 4.0, Ban lãnh đạo Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), khách hàng của của EY Việt Nam từ năm 2003, đã có tham vọng trở thành một định chế tài chính có nền tảng số tốt nhất Việt Nam và thuộc top đầu trong khu vực. Để hiện thực hóa tham vọng này, ưu tiên hàng đầu của BIDV là vừa đầu tư vào nền tảng kinh doanh số, vừa kiện toàn và số hóa bộ máy hoạt động.

Cuối năm 2019, dự án Tư vấn xây dựng Chiến lược số hóa của BIDV giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030 đã lựa chọn EY Việt Nam là đơn vị tư vấn và xây dựng chiến lược. 

Đây là một trong những dự án tư vấn chuyển đổi số có quy mô lớn nhất trên thị trường tài chính tại thời điểm bấy giờ nên khó khăn là không tránh khỏi. Thực tế, dự án tư vấn xây dựng chiến lược là dự án lớn, tác động tới mọi hoạt động của ngân hàng, đòi hỏi sự tham gia của các cấp lãnh đạo, đặc biệt là lãnh đạo cấp cao. Trong khi đó, tầm nhìn, định hướng của từng thành viên trong hội đồng quản trị, ban lãnh đạo là khác nhau và sẽ rất khó để có thể đưa ra được một định hướng chung. Những gợi ý chiến lược mà EY Việt Nam đề xuất phải thực sự thuyết phục, xuất sắc và khác biệt thì đội ngũ lãnh đạo BIDV mới đi đến đồng thuận. 

Bên cạnh đó, khi nói về ngân hàng số là nói về tư duy linh hoạt. Tuy nhiên, để hiện thực hóa tư duy linh hoạt một cách đồng bộ trên toàn hệ thống là không dễ và cần thời gian. 

Sau hơn một năm thực hiện dự án, với sự tham gia tư vấn của chuyên gia EY khu vực, EY Việt Nam đã xây dựng thành công chiến lược chuyển đổi số cho BIDV. Ngay sau khi kết thúc dự án đầu năm 2021, Ban lãnh đạo BIDV đã ra Chỉ thị nội bộ nhằm kích hoạt việc triển khai sáng kiến ngân hàng số trên toàn hệ thống. BIDV cũng nhanh chóng sắp xếp nguồn lực, yêu cầu tất cả các ban, khối trong toàn ngân hàng, từ cấp độ phòng giao dịch, chi nhánh tới hội sở, triển khai ngay các sáng kiến ngân hàng số mà EY đã tư vấn cho BIDV trong vòng năm năm tới. 

Trong cả quá trình lịch sử phát triển của BIDV, EY Việt Nam được coi là một trong những đối tác thân thiết và quan trọng, đồng hành và gắn chặt với từng mốc lịch sử phát triển của BIDV. Để BIDV có được ngày hôm nay, chúng tôi đánh giá có một phần rất lớn của những đối tác như EY Việt Nam. Đặc thù của dự án chuyển đổi số này là triển khai trong đúng thời điểm cao trào dịch COVID, rất khó khăn trong lúc triển khai. Với kỳ vọng về thời gian của lãnh đạo đặt ra, các chuyên gia cả quốc tế, trong nước của EY đã nỗ lực rất lớn, phối hợp với nhóm chuyển đổi số của BIDV thực hiện thành công dự án theo đúng thời hạn và phạm vi công việc. Bản thân tôi đánh giá dự án có khối lượng thông tin, kiến thức, tri thức mà các chuyên gia EY đã hỗ trợ cho BIDV. Dự án này là một trong những nền tảng quan trọng để chúng tôi triển khai chiến lược chuyển đổi số đến 2025, tầm nhìn đến 2030.
EY Việt nam là một trong những đối tác truyền thống và thân thiết của BIDV trong nhiều năm qua. EY không chỉ đồng hành với chúng tôi trong các dự án kiểm toán, mà còn cung cấp các dịch vụ tư vấn cho các giai đoạn phát triển của BIDV. Đặc biệt, mới đây EY Việt Nam đã tư vấn thành công chiến lược chuyển đổi số của chúng tôi. Đây là chiến lược phức tạp, toàn diện và là một trong những chiến lược quan trọng nhất của BIDV trong kỷ nguyên số. Chúng tôi luôn đánh giá cao sự tận tâm, nhiệt huyết và tri thức của các chuyên gia EY trong chặng đường cùng phát triển với BIDV.

Dự án cho BIDV là dự án có quy mô lớn nhất, toàn diện nhất trong lĩnh vực chuyển đổi số mà EY Việt Nam đã thực hiện trong chặng đường 30 năm qua với các tổ chức tín dụng trong nước.

Trước đó, EY Việt Nam, cùng với McKinsey, cũng đã tham gia tư vấn chiến lược cho Vietinbank. Theo đó, EY Việt Nam đã cùng McKinsey đề xuất các trụ cột chiến lược cho Vietinbank cho giai đoạn 2014-2019, đồng thời đề xuất mô hình hoạt động mục tiêu nhằm hiện thực hóa các trụ cột chiến lược đã đề xuất.

Không chỉ hỗ trợ các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, EY Việt Nam còn tư vấn cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xây dựng chiến lược ngân hàng số cho ngành ngân hàng Việt Nam giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030, dưới sự tài trợ của Tổ Chức Hợp tác Quốc tế CHLB Đức (GIZ). Quyết định số 810/QĐ-NHNN về Phê duyệt “Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 11 tháng 5 năm 2021.

Thông qua dự án này, EY Việt Nam đã góp một phần nhỏ vào nỗ lực đổi mới toàn diện hoạt động quản lý của Ngân hàng Nhà nước theo hướng hiện đại, trên cơ sở ứng dụng và khai thác hiệu quả các thành tựu của cuộc CMCN 4.0, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, chỉ số về chuyển đổi số của Chính phủ.

Các dự án này, bên cạnh các dự án khác với các khách hàng khác như HD Bank, NAPAS, LINE Pay Corporation, v.v. là những ví dụ tiêu biểu trong số hàng loạt các dự án tư vấn liên quan đến chuyển đổi số, ứng dụng số, chiến lược số cho các tổ chức tài chính và Fintech tại Việt Nam mà EY đã thực hiện. Tính đến nay, khách hàng trong ngành Ngân hàng và Thị trường vốn của EY bao gồm tất cả các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng 100% vốn nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, và 28 trên tổng số 31 ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam. Thành công của các dự án này được xem là một dấu ấn sâu sắc trong hành trình 30 năm phát triển của EY Việt Nam.

EY Vietnam attending a seminar on fintech

Chúng tôi không chỉ cung cấp các dịch vụ đáp ứng nhu cầu của thị trường, của khách hàng, mà còn thực thi các hoạt động mang đến niềm tin và sự ổn định của ngành tài chính Việt Nam, niềm tin của nhà đầu tư, của cơ quan quản lý vào chất lượng các báo cáo tài chính của các ngân hàng, cũng như chất lượng quản lý về quản trị rủi ro, về quản trị tài chính của các tổ chức tài chính nói chung và của ngân hàng nói riêng. Thành tựu ngày hôm nay là công sức của rất nhiều các thế hệ đi trước và đội ngũ nhân sự trong bộ phận dịch vụ tài chính của EY Việt Nam, và cũng nhờ sự động viên và khích lệ của rất nhiều các lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước, cũng như sự tin tưởng của khách hàng đối với chúng tôi trong nhiều năm qua.
Để tạo được niềm tin với cơ quan quản lý và các tổ chức tín dụng là cả một chặng đường dài đồng hành, thấu hiểu, chia sẻ và lớn mạnh cùng với nền tài chính trong nước. Đây là cơ sở để chúng tôi được cơ quan quản lý giao trọng trách thực hiện các nhiều dự án có tầm quan trọng, quyết định tới sự phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Về bài viết này