Khẳng định vị thế, vững bước tương lai
Công nghệ không phải là xu hướng duy nhất ảnh hưởng đến bối cảnh kinh doanh và xã hội. Toàn cầu hóa, thay đổi nhân chủng học, thay đổi môi trường, hay đại dịch COVID-19, đang cùng tạo ra các thay đổi. Những thay đổi này đang diễn ra một cách nhanh chóng từ gốc rễ, trong nhiều lĩnh vực ngành nghề, chính sách kinh tế, cũng như hành vi của người tiêu dùng và thị trường.
Mặc dù được xem là quốc gia ít chịu thiệt hại từ đại dịch COVID-19 so với các quốc gia khác, nền kinh tế Việt Nam vẫn phải chịu những thiệt hại nặng nề. Theo Thông cáo báo chí về tình hình kinh tế – xã hội quý IV và năm 2021 của Tổng cục Thống kê, năm 2021, Việt Nam có mức tăng trưởng GDP năm 2021 là 2,58%, thấp hơn mức 2,91% của năm 2020 và thấp nhất trong vòng 30 năm qua. Một số ngành khiến GDP cả nước tăng trưởng âm nằm ở khu vực dịch vụ như ngành bán buôn, bán lẻ, vận tải kho bãi, dịch vụ lưu trú và ăn uống; trong khí đó một số ngành duy trì được tăng trưởng là hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm, thông tin và truyền thông, y tế và trợ giúp xã hội.
Có thể nói, những ngành vừa có tính chất “xương sống”, “huyết mạch”, ứng dụng công nghệ sớm hơn và với hàm lượng cao hơn (giảm thiểu tương tác người với người), đặt trải nghiệm và hành vi khách hàng trong môi trường mới là trọng tâm, dường như là những ngành có lợi thế và sớm tạo được giá trị vượt trội so với những ngành còn lại.
Rõ ràng áp lực cho sự thay đổi để đứng vững và nắm bắt cơ hội, từ tư duy đến hành động, là rất lớn với cả khách hàng và EY Việt Nam. Đặc biệt trong bối cảnh các xu hướng toàn cầu như tái định hình các ngành nghề, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, việc làm tương lai, người tiêu dùng siêu thông minh, thực phẩm thay thế, thay đổi về tư duy và hành vi sinh sống, luật pháp thích ứng, kinh tế phân tử, kinh tế hành vi, sinh học tổng hợp hay sắp xếp lại đô thị hóa, ít hay nhiều, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, tại buổi gặp mặt các doanh nghiệp vào chiều 12 tháng 10 năm 2021, nhân kỷ niệm 17 năm ngày doanh nhân Việt Nam, đã đề nghị thời gian tới, doanh nhân, doanh nghiệp cần chủ động thích ứng thay đổi chiến lược, đổi mới mô hình kinh doanh, đổi mới công nghệ và cần có giải pháp hiệu quả để đảm bảo an toàn nguồn lực lao động. Đồng thời, vị lãnh đạo Quốc hội Việt Nam cũng khẳng định, đại dịch mang đến nhiều thách thức, nhưng cũng có cả cơ hội mới cho sự phát triển và Quốc hội sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp.
Trong tinh thần đó, hoạt động tư vấn của EY Việt Nam sẽ tiếp tục hướng tới những giá trị cụ thể và đo lường được trong việc nhận diện cơ hội tăng trưởng và thịnh vượng, xác lập chiến lược tăng trưởng và tạo dựng lợi thế cạnh tranh mới trên nền tảng số và công nghệ - đặc biệt là dữ liệu và ứng dụng công nghệ mới, bao gồm các giải pháp toàn diện từ thiết kết tới thực thi trong các lĩnh vực AI, IoTs, AR/VR, machine learning, RPA và blockchain – trên các nền tảng công nghệ mà EY Toàn cầu đã xây dựng và phát triển. Song song, EY Việt Nam cũng sẽ thúc đẩy công tác hỗ trợ xây dựng năng lực vận hành và quản trị doanh nghiệp mang tính nền tảng từ việc lập kế hoạch, rủi ro kinh doanh, rủi ro công nghệ, tài chính và con người.
Với vị thế và nhãn quan của “người cố vấn tin cậy” cùng chủ đích song hành với khách hàng xây dựng những giá trị dài hạn, chúng tôi sẽ không bỏ qua bất kỳ cơ hội nào có thể nhằm trợ giúp khách hàng tiếp cận được các nguồn lực kinh doanh cần thiết, từ cả trong nước và quốc tế, cũng như các cơ hội về đổi mới và sáng tạo.
Mỗi một sự thành công ghi nhận trên hành trình 30 năm của EY Việt Nam trong hoạt động tư vấn doanh nghiệp đều mang dấu ấn của một đội ngũ tư vấn trưởng thành nhanh chóng, sự kết hợp hiệu quả giữa kiến thức, công cụ, kinh nghiệm quốc tế và am hiểu sâu sắc bối cảnh và thực tiễn trong nước, sự phối hợp chặt chẽ và liền mạch giữa những cá nhân tư vấn xuất sắc, được tiếp năng lượng từ sự tin tưởng của khách hàng, cùng với các mối quan hệ có giá trị từ các đối tác liên quan.