Thực tế, tái cơ cấu doanh nghiệp, xây dựng bộ máy quản trị doanh nghiệp theo hướng hiệu lực, hiệu quả và tiếp cận với các chuẩn mực tiên tiến trên thế giới là xu hướng không thể đảo ngược. Các doanh nghiệp tư nhân, dù yêu cầu tuân thủ các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế thấp hơn so với các doanh nghiệp niêm yết, song vẫn phải chịu sức ép lớn từ các ngân hàng, các nhà đầu tư, nhà cung ứng, đối tác, khách hàng, người lao động, cộng đồng và môi trường xung quanh. Để thuận lợi hơn trong việc vay vốn ngân hàng, hoặc gia hạn hợp đồng vay vốn, hay tuyển dụng nhân sự đa quốc gia, doanh nghiệp cần có hệ thống quản trị tốt, báo cáo tài chính được thực hiện theo chuẩn mực kế toán quốc tế và được kiểm toán bởi đơn vị kiểm toán độc lập có uy tín, hay mô hình hoạt động theo thông lệ tốt của thế giới.
Từ tầm nhìn này, các doanh nghiệp tư nhân lớn trong nước đang có xu hướng thay đổi phương thức kinh doanh cũ, cởi mở áp dụng các giải pháp kinh doanh tiên tiến của quốc tế. Việc chuyển đổi này cũng là yếu tố tiền đề khi muốn bước ra một cuộc chơi lớn hơn, huy động vốn từ các nhà đầu tư chiến lược, thậm chí là IPO tại thị trường quốc tế.
Vươn tầm quốc tế
Giai đoạn 2006-2007, kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng trên 8% mỗi năm, con số mơ ước của nhiều quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, việc gia nhập WTO năm 2007 đã tạo cho Việt Nam bước đột phá và cơ hội mới thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Việt Nam thực sự đã trở thành điểm đến hứa hẹn của nhiều nhà đầu tư lớn, nguồn lực cần thiết cho giai đoạn cất cánh và hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới.
Giai đoạn này, nhiều doanh nghiệp Việt hoạt động trong các lĩnh vực bất động sản, thương mại, công nghệ thông tin có tốc độ tăng trưởng bình quân hai con số mỗi năm. Để đáp ứng nhu cầu mở rộng đầu tư, kịp thời nắm bắt cơ hội thị trường, nhiều doanh nghiệp đã manh nha ý định gọi vốn quốc tế từ những năm 2009. Nguồn cung vốn quốc tế và nhu cầu vốn ngoại để phát triển sản xuất kinh doanh bắt đầu hình thành từ thời điểm này.
EY Việt Nam tự hào trở thành người đồng hành trong chặng đường tìm kiếm các nhà đầu tư nước ngoài và vươn mình ra thị trường vốn quốc tế của các doanh nghiệp, trong đó có những “cánh chim đầu đàn” như Vingroup.
Tháng 10 năm 2009, Vincom, tên gọi trước của tập đoàn Vingroup, đã trở thành công ty đầu tiên của Việt Nam tiếp cận thành công thị trường trái phiếu chuyển đổi trên thị trường quốc tế. Trái phiếu của Vincom được chính thức niêm yết tại Thị trường Chứng khoán Singapore ngày 16 tháng 12 năm 2009. Thương vụ này đã mang về cho Vincom Retail 100 triệu USD từ nhà đầu tư nước ngoài.
Giai đoạn 2013-2015, Warburg Pincus, một quỹ đầu tư tư nhân có trụ sở tại Mỹ, đã liên tục rót vốn vào Vincom Retail, công ty sở hữu, quản lý và vận hành các trung tâm thương mại, thuộc tập đoàn Vingroup với tổng giá trị là 300 triệu USD. Năm 2017, Vincom Retail tiếp tục dẫn đầu thị trường khi thực hiện chào bán cổ phiếu cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong và ngoài Mỹ trị giá 743 triệu USD.
Đặc biệt, năm 2018, Vinhomes, một trong những doanh nghiệp phát triển bất động sản lớn nhất tại Việt Nam, thuộc Tập đoàn Vingroup, đã thực hiện IPO tại Việt Nam, bao gồm chào bán cổ phiếu cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong và ngoài Mỹ với tổng giá trị thu về 1,35 tỷ USD. Đây được coi là sự kiện IPO lớn nhất trong lịch sử của Việt Nam.