“Nền móng vững chắc” là chìa khóa
Từ trải nghiệm chèo lái EY Việt Nam, tiếp xúc cận cảnh sức khỏe của nhiều doanh nghiệp, ông thấy đâu là sự khác biệt có ý nghĩa sống còn giữa những doanh nghiệp thành công và những doanh nghiệp thất bại qua giai đoạn khó khăn vừa rồi?
Tất nhiên mỗi doanh nghiệp có những thách thức riêng, thành công hay thất bại cũng còn tùy quan điểm và nhiều khi mang tính thời điểm, nhưng qua tiếp xúc với doanh nghiệp ở nhiều quy mô và loại hình từ doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI, các tập đoàn tư nhân lớn, tới các doanh nghiệp startup, tôi thấy vẫn có những điểm chung.
Những doanh nghiệp đứng vững và phát triển chú trọng tới các vấn nền tảng, đó là quản trị tài chính, quản trị rủi ro một cách hiệu quả, đó là mô hình kinh doanh vững chắc và đủ linh hoạt, đó là bộ máy lãnh đạo có khả năng ra quyết định kịp thời và chính xác, đó là đội ngũ nhân sự chất lượng, đó là hệ thống CNTT hiệu quả. Những điều này giúp họ vững vàng hơn trước những cú sốc và nhanh nhạy hơn khi phải thay đổi, thích ứng với thời thế. Cũng như bạn xây một căn nhà, muốn xây to hơn, cao hơn thì cái móng phải chắc.
Lý do chính dẫn đến việc doanh nghiệp rời khỏi thị trường, theo quan sát của tôi, là năng lực quản trị rủi ro. Một số doanh nghiệp, do quá trình hình thành và phát triển ngắn, chưa có nhiều kinh nghiệm trải qua khủng hoảng. Khi thị trường thuận lợi, lãnh đạo doanh nghiệp thường nghĩ mọi chuyện sẽ luôn như vậy và còn tốt hơn thế. Họ chưa có tâm thế chuẩn bị cho những bước hụt chân mà có xu hướng tận dụng nguồn lực để mở rộng đầu tư. Tâm lý này cũng dễ hiểu, vì tích lũy vốn còn thấp, nếu để trong các quỹ dự phòng rủi ro thì lãng phí quá. Tuy nhiên, quản trị rủi ro là nguyên tắc và hoạt động cơ bản mang tính chiến lược trong quản trị doanh nghiệp. Nếu quản trị rủi ro không hiệu quả thì sảy chân, mất thanh khoản là mất hết. Thế nên mới có câu chuyện doanh nghiệp “chết trên đống tài sản”.
Chưa kịp hồi phục sau COVID-19 thì thời điểm này doanh nghiệp lại phải đối mặt với bất ổn địa chính trị, các xu hướng mới nổi toàn cầu về phát triển bền vững và sự biến đổi chóng mặt của công nghệ. Ông có cho rằng đây lại là một bước ngoặt khác và cộng đồng doanh nghiệp trong nước cần một cuộc chuyển mình?
Tôi không nhìn nhận đó là một cú cua gắt, bởi vì mỗi năm doanh nghiệp đều phải chỉnh lái. Tại EY, mỗi năm chúng tôi đều đánh giá lại xem thị trường cần gì, mình đang làm gì, cái gì có thể làm tốt hơn, chứ không đợi chu kỳ 5-10 năm rồi mới nhìn lại, mới thay đổi.
Tuy nhiên, đúng là yêu cầu chuyển đổi chưa bao giờ cấp bách như bây giờ.
Nếu như những năm 1960 – 1970, ưu tiên chiến lược của doanh nghiệp toàn cầu là tối ưu danh mục đầu tư và phân bổ vốn, những năm 1990 – 2000 là vấn đề toàn cầu hóa và đột phá, 2000 – 2020 là đổi mới và số hóa thì giai đoạn 2020 trở đi là tạo ra giá trị dài hạn. Vì sao lại là giá trị dài hạn và tại sao lại là lúc này? Nghiên cứu của EY và nhiều tổ chức đều cho thấy hiện xã hội yêu cầu trách nhiệm lớn hơn từ các tổ chức mà họ làm việc, tiêu dùng và đầu tư. Doanh nghiệp quan tâm đến các giá trị dài hạn sẽ tạo lập sự tin tưởng của người tiêu dùng và xã hội, có được khách hàng trung thành, danh tiếng, giảm thiểu rủi ro, tăng cường khả năng thu hút vốn và thu hút nhân tài.
Giá trị không còn được định nghĩa hẹp như việc tạo ra giá trị cho cổ đông, mà thể hiện ở bốn phương diện: Giá trị khách hàng, tức là việc doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu của khách hàng, tập trung vào đổi mới, xây dựng niềm tin và thương hiệu. Giá trị con người, tức là việc phát triển con người trong tổ chức, với sự tôn trọng văn hóa, sự đa dạng, sự bao trùm - mà tôi gọi là “bao dung”. Giá trị xã hội, là tác động tích cực mà doanh nghiệp tạo ra về môi trường, chuỗi cung ứng, cho cộng đồng và tất nhiên cả đóng góp kinh tế. Giá trị tài chính, là doanh thu, là tối ưu hóa chi phí và cấu trúc vốn.
Điều đáng nói là chỉ một phần nhỏ các giá trị này được phản ánh trên bảng cân đối kế toán, tức là giá trị không dễ nhìn thấy thông qua góc nhìn tài chính đơn thuần. Do đó, việc tái định hình chiến lược phải hướng tới mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực chất lượng, văn hóa tổ chức, niềm tin của người tiêu dùng và đầu tư vào đổi mới sáng tạo, cũng như đáp ứng kỳ vọng của các bên liên quan.
“Phát triển bền vững” là tương lai
Ông có cho rằng ở thời điểm hiện tại ứng dụng công nghệ hay hướng đến phát triển bền vững, tạo ra giá trị dài hạn vẫn là cuộc chơi xa xỉ với phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam?
Việc chuyển đổi tất nhiên sẽ khiến nhiều doanh nghiệp băn khoăn. Đây là thời điểm cần đến viễn kiến của ban lãnh đạo. Doanh nghiệp cần phải “tưởng tượng” được thế giới mới sẽ diễn ra như thế nào, nếu không họ sẽ rất hoảng hốt, không biết tiếp tục con đường kinh doanh cũ hay đầu tư mới. Từ kinh nghiệm và nghiên cứu của chúng tôi thì những doanh nghiệp thành công luôn đặt con người vào trung tâm, tận dụng được công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Các công ty có tăng trưởng tốt thường áp dụng phương pháp gọi là “tiếp cận từ tương lai” (future-back). Hãy đặt câu hỏi liệu việc kinh doanh của tôi có còn phù hợp trong 2, 5 hoặc 10 năm nữa không? Làm thế nào để tôi có thể tăng lợi thế cạnh tranh? Bằng cách đó, chúng ta có thể cân đối các quyết định ngắn và dài hạn.
Tôi cho rằng, phát triển bền vững sẽ là luật chơi mới cho tất cả doanh nhiệp muốn hội nhập và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây không phải là một trào lưu ngắn hạn mà là một thời đại mới. Các nước trên thế giới đang có xu hướng thắt chặt các quy định liên quan tới lao động giá rẻ và đánh thuế vào các sản phẩm phát thải nhiều carbon. Đặc biệt, COP28 mới đây cũng đánh dấu một bước ngoặt quan trọng hướng tới tính bền vững, khi thiết lập các mục tiêu đầy tham vọng như giảm dần nhiên liệu hóa thạch, tăng gấp ba lần năng lượng tái tạo vào năm 2030 và tăng hiệu quả tiêu thụ năng lượng lên gấp đôi. Không chỉ thế, nhiều cơ hội tài chính và thị trường cũng đến từ các sáng kiến và cam kết liên quan tới khí hậu.
Phát triển bền vững không chỉ là lựa chọn đạo đức mà phải là chủ đích, là cam kết và cần được đặt làm trọng tâm trong chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần cân nhắc lộ trình, phân kỳ thực hiện và phân bổ hợp lý các nguồn lực liên quan.