Ông Thân Xuân Thịnh: Chính phủ đã và đang đưa ra nhiều chương trình hỗ trợ về thuế cho doanh nghiệp như giảm và gia hạn nộp các loại thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế giá trị giá tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất. Điều quan trọng nhất là doanh nghiệp cần nắm bắt kịp thời các chính sách này và đối chiếu điều kiện của mình để áp dụng một cách chính xác, tránh trường hợp bỏ sót ưu đãi hoặc áp dụng ưu đãi không đúng.
Chẳng hạn như ngay từ giai đoạn đầu của dịch COVID-19, Chính phủ đã có Nghị quyết 41/2020/NQ-CP ngày 8 tháng 4 năm 2020 về gia hạn thời gian nộp thuế cho doanh nghiệp thuộc một số lĩnh vực cụ thể. Tuy nhiên, để xác định doanh nghiệp có thuộc lĩnh vực áp dụng hay không, doanh nghiệp cần đối chiếu mã ngành kinh tế theo hướng dẫn tại Quyết định 27/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nếu không rất dễ áp dụng sai. Một ví dụ khác là việc giảm 30% thuế TNDN của năm 2020 cho doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỷ đồng theo Nghị quyết 116/2020/QH14 sẽ do doanh nghiệp tự xác định và áp dụng. Do vậy doanh nghiệp cần cẩn trọng theo hướng doanh thu phải bao gồm tất cả các nghiệp vụ như chuyển nhượng vốn, bất động sản (nếu có) chứ không chỉ đơn thuần là doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ. Ngoài ra cần theo dõi kỹ doanh thu đến thời điểm cuối năm nếu vượt mức 200 tỷ đồng thì cần phải kê khai bổ sung nộp thuế cho quý 4/2020 nhằm tránh bị phạt chậm nộp.
Điểm thứ hai cần lưu ý là có nhiều quy định cho phép doanh nghiệp có thể tiết giảm chi phí thuế như tăng mức khấu hao máy móc thiết bị, rút ngắn thời gian phân bổ một số loại chi phí, thực hiện trích lập các khoản dự phòng như bổ sung quỹ tiền lương. Hiện nay, nếu áp dụng các quy định này một cách phù hợp, các doanh nghiệp sẽ giảm bớt thu nhập chịu thuế, từ đó hoãn việc nộp thuế sang các năm sau để có nguồn vốn sử dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Điểm cuối cùng, đại dịch COVID-19 có thể làm phát sinh các tình huống có thể ảnh hưởng đến chi phí thuế của doanh nghiệp. Ví dụ như các chi phí phát sinh trong thời gian ngưng hoạt động có thể không được khấu trừ. Hay, chủ doanh nghiệp hoặc nhân viên bị kẹt ở nước ngoài, phải làm việc từ xa, dẫn đến phát sinh thuế TNCN tại nước ngoài cũng như thuế TNDN gắn với cơ sở thường trú theo quy định của nước ngoài.
Ông có nhắc tới việc các phát sinh chi phí trong thời gian ngưng hoạt động nhưng không được khấu trừ thuế. Ông có thể nói rõ hơn quy định thuế liên quan tới vấn đề này?
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tám tháng đầu năm 2020, có tới hơn 34.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 70,8% so với cùng kỳ năm trước. Con số này cho thấy, ảnh hưởng của đại dịch khiến doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là rất lớn khi nhu cầu giảm đột ngột và nguồn cung bị đứt gãy. Trong khi đó, những doanh nghiệp này lại không thuộc trường hợp được khấu trừ thuế.
Theo quy định hướng dẫn Luật thuế TNDN hiện hành, các chi phí phát sinh mà không tương ứng với doanh thu sẽ không được khấu trừ thuế. Ngoài ra, chi phí khấu hao tài sản cố định trong thời gian tạm dừng hoạt động kinh doanh chỉ được khấu trừ khi thuộc trường hợp tạm dừng do thời vụ (dưới chín tháng trong năm) hoặc do sửa chữa, bảo trì (dưới 12 tháng trong năm). Đối chiếu quy định cho thấy, doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng bởi đại dịch không thuộc trường hợp nêu trên. Do đó, một số loại chi phí khấu hao, duy tu nhà xưởng, máy móc thiết bị có thể sẽ không được khấu trừ thuế. Một số cục thuế địa phương đã có công văn hướng dẫn doanh nghiệp theo hướng này.
Rõ ràng luật thuế TNDN hiện tại chưa dự trù được trường hợp như các doanh nghiệp đang gặp phải, cũng như các trường hợp bất khả kháng khác. Theo tôi, khi gặp phải trường hợp nêu trên doanh nghiệp nên trực tiếp hoặc thông qua các hiệp hội ngành nghề, kiến nghị lên Bộ Tài chính để có cơ sở tháo gỡ khó khăn.
Ông cũng vừa đề cập tới rủi ro phát sinh chi phí khi chủ doanh nghiệp hoặc nhân viên bị “kẹt” ở nước ngoài. Cụ thể là như thế nào, thưa ông?
Do các nước đóng cửa biên giới để hạn chế dịch bệnh lây lan, rất nhiều chủ doanh nghiệp hoặc nhân viên bị “kẹt” ở nước ngoài và phải làm việc từ xa. Việc này có thể dẫn đến các hệ lụy.
Thứ nhất, các cá nhân “kẹt” ở nước ngoài có thể bị đánh thuế TNCN theo luật của nước sở tại, đặc biệt là trong các trường hợp bị “kẹt” với thời gian sáu tháng trở lên (trong tổng số 12 tháng liên tục) có thể trở thành đối tượng cư trú thuế của nước đó. Lúc này cá nhân bị mắc “kẹt” còn có thể bị đánh thuế trên toàn bộ thu nhập phát sinh, không phân biệt là phát sinh ở nước nào. Trong khi đó, cơ quan thuế Việt Nam có thể tiếp tục đánh thuế cá nhân này vì họ vẫn là đối tượng chịu thuế theo luật thuế Việt Nam. Như vậy trường hợp đánh thuế trùng sẽ xảy ra.
Thứ hai, cá nhân làm việc từ xa ở nước ngoài có khả năng bị xem là “cơ sở thường trú” của doanh nghiệp tại nước đó. Đa số các nước, bao gồm cả Việt Nam, đều có quy định bắt buộc các doanh nghiệp nước ngoài kê khai nộp thuế TNDN cho phần thu nhập phát sinh từ cơ sở thường trú tại nước sở tại. Đối với một số quốc gia như Mỹ, Úc, Ấn Độ, việc tuân thủ quy định này không đơn giản và sẽ phát sinh rất nhiều chi phí cho doanh nghiệp.
Từ góc nhìn của chuyên gia về thuế, theo ông, doanh nghiệp nên làm gì trong trường hợp này?
Mỗi quốc gia sẽ có quy định khác nhau, song, hầu hết các nước đều có mốc thời gian là 183 ngày (lũy kế) trong 12 tháng liên tục cho việc xác định tiêu thức cư trú thuế của cá nhân hoặc cơ sở thường trú của doanh nghiệp. Do vậy giải pháp mà nhiều doanh nghiệp chọn áp dụng là yêu cầu nhân viên nghỉ phép khi gần chạm mốc thời gian quy định tại luật quốc gia sở tại để tránh rủi ro.
Ngoài ra doanh nghiệp cũng có thể cân nhắc áp dụng hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa Việt Nam và quốc gia có liên quan để tránh tình trạng đánh thuế trùng. Ví dụ, doanh nghiệp nộp thuế tại nước sở tại sẽ được khấu trừ thuế tại Việt Nam. Việc áp dụng hiệp định tránh đánh thuế hai lần ở Việt Nam hiện nay không còn quá phức tạp như trước và theo nguyên tắc tự khai tự nộp. Do vậy doanh nghiệp có thể căn cứ hướng dẫn tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn để thực hiện. Trong trường hợp phức tạp hoặc số thuế lớn thì có thể cân nhắc tham vấn ý kiến của các chuyên gia về thuế trước khi thực hiện.
Cuối cùng trong trường hợp xấu nhất bị rơi vào tình trạng phát sinh cơ sở thường trú tại nước ngoài, doanh nghiệp cần cân nhắc thực hiện việc kê khai theo đúng quy định luật thuế của nước đó để tránh các rủi ro về sau cho cả doanh nghiệp lẫn các cá nhân có liên quan.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn số ra ngày 01 tháng 10 năm 2020