Trong bối cảnh các quốc gia bắt đầu đưa ra các quy định áp dụng các quy tắc mẫu Chống Xói mòn Cơ sở Thuế Toàn cầu Trụ cột 2 (GloBE)[1], một quốc gia như Việt Nam, nơi có các ưu đãi hấp dẫn về thuế, sẽ rơi vào tình huống mà một quốc gia khác, thường là quốc gia nơi công ty mẹ tối cao đặt trụ sở, sẽ thu “thuế bổ sung” trên thu nhập mà công ty con tại Việt Nam đang nộp thuế thấp tại Việt Nam tạo ra. Theo nghĩa rộng thuế bổ sung sẽ được áp dụng khi thuế suất hiệu quả của doanh nghiệp ở một quốc gia thấp hơn 15%.
Trường hợp này xảy ra ngay cả khi Việt Nam lựa chọn không ban hành các quy định để triển khai quy tắc mẫu GloBE, các ưu đãi thuế tại Việt Nam có thể bị “thu hồi lại” ở một quốc gia khác. Từ góc độ của các tập đoàn đa quốc gia (MNEs), điều đó có nghĩa là nhà đầu tư sẽ không nhận được lợi ích thuế từ chính sách ưu đãi, và rốt cuộc sẽ phải trả thuế ở một quốc gia khác ngoài Việt Nam.
Điều này đặt ra câu hỏi về mặt chính sách rằng Việt Nam có nên điều chỉnh nội luật để sao cho, trong những trường hợp trên, doanh thu phát sinh tại Việt Nam phải chịu thuế ở Việt Nam, thay vì ở nước khác hay không.
Có một số cách để thực hiện điều này. Việt Nam có thể áp dụng một hình thức thuế bổ sung tối thiểu của riêng mình. Một cách khác là có thể giảm hoặc sửa đổi các ưu đãi thuế đang áp dụng sao cho chúng ít có khả năng dẫn đến việc áp dụng thuế bổ sung theo các quy tắc mẫu GloBE. Bài viết này xem xét cách đầu tiên.
Khi xem xét việc áp dụng thuế tối thiểu nội địa bổ sung, nhìn chung có hai cách tiếp cận. Một cách là áp dụng thuế tối thiểu đáp ứng tiêu chuẩn của khái niệm “Thuế tối thiểu nội địa bổ sung đạt chuẩn/ Qualified Domestic Minimum Top-up Tax” (“TTTNĐ”) như được định nghĩa bởi quy tắc mẫu GloBE hoặc bằng cách áp dụng thuế tối thiểu nội địa bổ sung chung mà dẫn đến kết quả phù hợp với quy tắc mẫu GloBE, nhưng không thỏa mãn tiêu chuẩn khái niệm TTTNĐ.
TTTNĐ là gì?
Khái niệm TTTNĐ được nêu tại Điều 10.1 của quy tắc mẫu GloBE, theo đó yêu cầu để đủ điều kiện là một TTTNĐ, thuế nội địa bổ sung phải tính toán lợi nhuận và nghĩa vụ thuế bổ sung cơ bản theo cách tương tự như quy tắc mẫu GloBE. Để đảm bảo một sân chơi bình đẳng, TTTNĐ phải được triển khai và quản lý theo cách phù hợp với quy tắc mẫu mà không đi kèm với các lợi ích khác. Ví dụ, sẽ không thỏa mãn các yêu cầu của TTTNĐ nếu như một công ty chịu thuế tối thiểu nhưng sau đó lại được hưởng một số loại lợi ích mang tính đền bù.
Theo Hướng dẫn hành chính về GloBE được Diễn đàn Hợp tác (“Diễn đàn”) thông qua ngày 1 tháng 2 năm 2023[2], OECD đã phát triển các quy trình để giúp các chính phủ và cơ quan thuế đánh giá liệu thuế tối thiểu được đề xuất có cấu thành một TTTNĐ hay không.
Nói chung, thuế tối thiểu nội địa phải tương tự về mặt chức năng với các quy tắc mẫu GloBE để được coi là một TTTNĐ. Cụ thể, để được coi là tương tự về mặt chức năng với các quy tắc mẫu GloBE, thuế tối thiểu phải được thiết kế sao cho phù hợp với cấu trúc của các quy tắc mẫu GloBE và về mặt hệ thống sẽ không dẫn đến mức thuế bổ sung cho vùng lãnh thổ ít hơn so với thuế bổ sung được xác định theo các quy tắc mẫu GloBE. Điều này có nghĩa là khi thiết kế thuế bổ sung nội địa, có thể thực hiện các sửa đổi liên quan đến các quy tắc mẫu GloBE, với điều kiện là bất kỳ sửa đổi nào đều dẫn đến kết quả thuế phát sinh phải bằng hoặc nhiều hơn mức thuế đáng ra được áp dụng nếu tuân thủ chính xác theo các quy tắc mẫu GloBE.
Một số khía cạnh và ảnh hưởng của TTTNĐ hiện vẫn chưa được đề cập và Diễn đàn sẽ xem xét cung cấp thêm hướng dẫn về thiết kế và cách thức vận hành của một TTTNĐ. Diễn đàn sẽ đảm nhận thêm công việc liên quan đến xây dựng các quy định về Bến cảng an toàn TTTNĐ. Hơn nữa, vào năm 2023, Diễn đàn sẽ phát triển một quy trình kiểm tra nhằm đánh giá liệu một thuế tối thiểu nội địa có tương tự một cách đầy đủ với các quy tắc mẫu GloBE để trở thành TTTNĐ hay không.
Những lợi ích khi áp dụng TTTNĐ?
Như đã nêu trong phần giới thiệu, lợi ích chung của việc áp dụng thuế bổ sung nội địa theo các quy tắc mẫu GloBE là một quốc gia nơi phát sinh doanh thu chịu thuế suất thấp, sẽ đánh thuế doanh thu đó, thay thuế bổ sung được áp dụng tại một nước khác. Nói cách khác, nếu doanh thu sẽ chịu thuế trong mọi trường hợp thì sẽ ưu tiên đánh thuế công ty tại nơi công việc được thực hiện, trong bối cảnh này, là tại Việt Nam.
Thuế bổ sung nội địa đáp ứng yêu cầu của một TTTNĐ còn mang đến một số lợi ích khác. Thứ nhất, nó được khấu trừ toàn bộ vào bất kỳ khoản thuế bổ sung nào khác phát sinh theo các quy tắc mẫu GloBE tại một quốc gia khác. Điều này có nghĩa là nếu Việt Nam áp dụng TTTNĐ, thu nhập của công ty con phát sinh tại Việt Nam sẽ không phải chịu thêm bất kì khoản thuế bổ sung nào theo các quy tắc mẫu GloBE tại bất kỳ quốc gia nào khác.
Trong trường hợp một hình thức thuế bổ sung nội địa khác được áp dụng, mà nó không tương tự một cách đầy đủ với các quy tắc mẫu GloBE để được coi là một TTTNĐ, sẽ có rủi ro là thuế đã nộp ở Việt Nam có thể không được khấu trừ toàn bộ vào thuế bổ sung phát sinh theo các quy tắc mẫu GloBE và do đó có thể sẽ phải nộp thêm một khoản thuế. Đây là điều chắc chắn xảy ra nếu thuế bổ sung không bao gồm trong khái niệm Thuế áp dụng điều chỉnh (Adjusted Covered Tax).
Một ưu điểm khác của việc áp dụng thuế nội địa đáp ứng các yêu cầu của khái niệm TTTNĐ là nó cho phép một quốc gia áp dụng một loại thuế bổ sung vừa đủ để ngăn chặn bất kỳ khoản thuế bổ sung nào phát sinh ở nước thứ ba, mà không vượt quá giới hạn đó. Ví dụ: TTTNĐ có thể được thiết kế để chỉ áp dụng cho các công ty con của MNEs thuộc phạm vi áp dụng của GloBE (doanh thu toàn cầu lớn hơn 750 triệu EUR). Nghĩa là, các công ty mà không thuộc phạm vi áp dụng của các quy tắc mẫu GloBE sẽ không phải chịu thuế bổ sung nội địa tại Việt Nam. Do đó, TTTNĐ rất tập trung vào các đối tượng mà nó hướng đến.
Tương tự, TTTNĐ có thể bao gồm khoản khấu trừ thu nhập theo hoạt động kinh tế thực chất (SBIE). SBIE cho phép giảm thuế bổ sung áp dụng trong trường hợp có nhiều hoạt động kinh tế thực chất hơn. Trong giai đoạn chuyển tiếp 10 năm đầu, SBIE được áp dụng ở mức 8% giá trị ghi sổ của tài sản hữu hình và 10% chi phí tiền lương. Thực tế, điều này có nghĩa là các công ty có chi phí tài sản và nhân công lớn sẽ có thuế bổ sung thấp hơn, với các yếu tố khác tương đương, so với các công ty có ít hoạt động kinh tế thực chất hơn. Điều này có khả năng ảnh hưởng đến nhiều công ty tại Việt Nam trong bối cảnh nhiều công ty sản xuất tại Việt Nam có số lượng nhân công lớn và máy móc thiết bị có giá trị cao.
Cuối cùng, chúng tôi cho rằng MNEs thuộc đối tượng điều chỉnh của các quy tắc mẫu GloBE có thể mong đợi hơn việc áp dụng một loại thuế bổ sung nội địa đáp ứng tiêu chuẩn của TTTNĐ do họ sẽ cần hiểu, thực hiện và tuân thủ các quy tắc mẫu GloBE tại tất cả các vùng lãnh thổ mà họ hoạt động kinh doanh. Chúng tôi hy vọng các nước sẽ thiết lập các quy trình và thiết kế các hệ thống để thu thập thông tin liên quan nhằm tạo điều kiện cho việc tuân thủ thuế tối thiểu theo quy tắc mẫu GloBE. Do đó, MNEs trên có thể dễ dàng hơn trong việc tính thuế bổ sung theo cách mà họ đã quen thực hiện, thay vì theo một cách khác.
Xu thế của các nước về việc áp dụng TTTNĐ?
Ngoài việc áp dụng các quy tắc mẫu GloBE, rất nhiều nước đã bày tỏ ý định họ có khả năng sẽ áp dụng thuế bổ sung nội địa.
Dưới đây là danh sách các nước và vùng lãnh thổ đã bày tỏ khả năng triển khai TTTNĐ: