Không chỉ trong các quyết định hoặc giao dịch chiến lược, qua quá trình tiếp xúc và tư vấn doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy vai trò của thuế trong công tác quản trị hàng ngày của doanh nghiệp cũng chưa được đặt đúng tầm. Quản trị thuế hiệu quả không chỉ là nhiệm vụ và chức năng của phòng tài chính-kế toán-thuế đơn thuần mà đòi hỏi sự phối hợp giữa các bộ phận chức năng trong doanh nghiệp một cách kịp thời và chặt chẽ. Thiếu sự phối hợp này có thể gây nhiều rủi ro và thiệt hại về tài chính liên quan tới thuế cho doanh nghiệp một cách không đáng có. Một số ví dụ sau có thể chứng minh điều này.
Tình huống khá phổ biến thường thấy tại rất nhiều doanh nghiệp đó là các chương trình khuyến mại, tiếp thị, hỗ trợ bán hàng do bộ phận kinh doanh/marketing thực hiện nhưng không được thông tin hoặc tham vấn với phòng tài chính-kế toán-thuế kịp thời. Trong khi, việc phối hợp và thông tin giữa hai phòng ban này là rất quan trọng để các bên làm các thủ tục hành chính theo quy định như thông báo, đăng ký chương trình khuyến mại, xuất hóa đơn. Nhiều trường hợp, các doanh nghiệp bị phát sinh thêm tiền thuế giá trị gia tăng (GTGT) trên giá trị của chương trình khuyến mại, cũng như rủi ro không được khấu trừ chi phí thuế TNDN cho một số hoạt động khuyến mại, tri ân khách hàng.
Một tình huống khác xảy ra tại các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu. Phòng logistics quản lý định mức tiêu hao nguyên vật liệu với cơ quan hải quan chưa tốt, không phối hợp với phòng tài chính-kế toán-thuế để đối chiếu số liệu hàng tồn kho kịp thời. Doanh nghiệp đã bị loại chi phí thuế TNDN với giá trị vài triệu đô la Mỹ, do không thể đối chiếu được chênh lệch giữa báo cáo kế toán và báo cáo hải quan phát sinh qua nhiều năm.
Gần đây chúng tôi gặp một tình huống đáng tiếc khác. Đó là phòng pháp chế của một doanh nghiệp sản xuất dược phẩm không để ý đến việc cập nhật tiến độ dự án ghi trên giấy chứng nhận đầu tư, trong khi thực tế dự án đang bị chậm trễ. Điều này dẫn đến hồ sơ hoàn thuế GTGT với số thuế lên đến vài chục tỷ đồng do phòng tài chính-kế toán đảm nhiệm bị từ chối.
Lý do là theo quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng, với dự án đã đi vào giai đoạn sản xuất-kinh doanh, thuế đầu vào sẽ không được hoàn mà chỉ được khấu trừ vào số thuế GTGT đầu ra (trừ một số trường hợp được quy định riêng). Do vậy, nếu căn cứ theo thời điểm bắt đầu sản xuất-kinh doanh như đăng ký trên Giấy Chứng Nhận Đăng Ký Đầu Tư, dù không khớp với thực tế, vẫn có rủi ro dự án được xem như đã đi vào hoạt động. Do vậy doanh nghiệp chỉ được khấu trừ mà không được hoàn thuế cho các chi phí đầu tư, xây dựng trước khi doanh nghiệp thực sự bắt đầu đi vào sản xuất-kinh doanh.
Rõ ràng là chi phí thuế có ảnh hưởng lớn đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, cho dù là các nghiệp vụ hàng ngày hay các quyết định kinh doanh mang tính chiến lược. Ngoài ảnh hưởng về khía cạnh tài chính, các rủi ro về thuế khi phát sinh còn có thể ảnh hưởng đến hình ảnh, danh tiếng của doanh nghiệp trong thời đại thông tin phổ biến như hiện nay. Trong bối cảnh nguồn lực bị tác động tiêu cực từ đại dịch, chúng tôi cho rằng thuế nên được xem là một tiêu chí quan trọng để đánh giá quyết định kinh doanh, cũng như là một “chốt chặn” trong việc thiết lập quy trình quản trị doanh nghiệp.
Nhìn về dài hạn, doanh nghiệp cũng cần cân nhắc thực hiện “khám sức khỏe” thuế định kỳ, có thể là thực hiện bởi nhân sự nội bộ hoặc thuê chuyên gia bên ngoài. Bởi xét cho cùng, việc “chữa bệnh” bao giờ cũng hiệu quả và rẻ hơn khi “bệnh” được chẩn đoán sớm!
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn số ra ngày 31 tháng 12 năm 2020