Quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết: Dần tiệm cận với thông lệ quốc tế

Quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết: Dần tiệm cận với thông lệ quốc tế

(TBTCVN) - Trả lời phỏng vấn Thời báo Tài chính Việt Nam, ông Phạm Ngọc Long - Phó Tổng giám đốc phụ trách Dịch vụ thuế về giá giao dịch liên kết, Công ty cổ phần Tư vấn EY Việt Nam (EY Consulting VN) cho biết, Nghị định 132 mới được ban hành đã có nhiều sửa đổi, tiệm cận thông lệ quốc tế.

* PV: Chính phủ vừa ban hành Nghị định 132/2020/NĐ-CP thay thế Nghị định 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Ông bình luận gì về sự thay đổi này?

- Ông Phạm Ngọc Long: Chính phủ đã ban hành Nghị định 132/2020/NĐ-CP ngày 5/11/2020 (Nghị định 132), có hiệu lực thi hành từ ngày 20/12/2020 và áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) năm 2020.

Việt Nam đã gia nhập Diễn đàn Hợp tác chung, thực hiện các giải pháp chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) từ tháng 7/2017. Do đó, Nghị định 132 đã kế thừa nhiều nội dung của Nghị định 20/2017/NĐ-CP (Nghị định 20) và Nghị định 68/2020/NĐ-CP (Nghị định 68) nhưng có thêm nhiều thay đổi phù hợp hơn theo xu thế phát triển về thuế quốc tế.

Việc ban hành Nghị định 132 cho thấy nỗ lực của Chính phủ trong việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời, Nghị định 132 đã tham khảo các hướng dẫn về thuế về giá giao dịch liên kết (GDLK) của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), có điều chỉnh để phù hợp với mục đích quản lý thuế về giá GDLK của Việt Nam.

Ngoài Nghị định 132, Luật Quản lý thuế số 38, được Quốc hội ban hành ngày 13/6/2019 (Luật Quản lý thuế), cũng bao gồm một số điều khoản về quản lý giá GDLK áp dụng từ ngày 1/7/2020. Hai văn bản pháp luật này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho cơ quan quản lý thuế và người nộp thuế trong việc xác định, kê khai, chứng minh, điều chỉnh giá GDLK theo nguyên tắc giá giao dịch độc lập trong các cuộc thanh, kiểm tra về giá chuyển nhượng.

* PV: Theo ông, Nghị định 132 có những điểm mới nào đáng chú ý so với Nghị định 20?

- Ông Phạm Ngọc Long:  Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy Nghị định 132  có một số điểm thay đổi trọng yếu.

Trước hết, Nghị định 132 đã mở rộng định nghĩa về mối quan hệ liên kết. Theo đó, mối quan hệ này bao gồm DN được điều hành, kiểm soát bởi các cá nhân có mối quan hệ mật thiết trong cùng một gia đình; DN thực hiện giao dịch nhượng, nhận chuyển nhượng vốn góp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của DN; DN vay, cho vay ít nhất 10% vốn góp của chủ sở hữu tại thời điểm phát sinh giao dịch trong kỳ tính thuế với cá nhân, điều hành DN; cá nhân thuộc một trong các mối quan hệ mật thiết trong cùng một gia đình.

Nghị định 132 thu hẹp khoảng giá trị giao dịch độc lập chuẩn. Do đó, DN cần đánh giá lại tình trạng về giá giao dịch với các bên liên kết từ năm 2020 để đảm bảo tỷ suất lợi nhuận theo giá trị giao dịch độc lập nằm trong biên độ, theo Nghị định 132. Đồng thời, có quy định mở rộng phạm vi lựa chọn đối tượng độc lập để so sánh trong trường hợp không tìm được đối tượng so sánh độc lập đối với các GDLK mang tính đặc thù hoặc duy nhất.

Điểm mới đáng chú ý là, Nghị định 132 hạn chế việc sử dụng cơ sở dữ liệu nội bộ của cơ quan thuế khi cơ quan này soát xét và đánh giá bản chất độc lập của các GDLK của người nộp thuế. Tuy nhiên, cơ quan thuế vẫn có quyền sử dụng cơ sở dữ liệu nội bộ của mình để ấn định và thực hiện các điều chỉnh giá GDLK nếu người nộp thuế không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu tuân thủ có liên quan. Bên cạnh đó, so với các văn bản trước quy định về giao dịch liên kết, Nghị định 132 cũng đưa ra hướng dẫn cụ thể đối với nghĩa vụ tuân thủ về Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia (CbCR) của người nộp thuế.

Một điểm mới nữa là, Nghị định 132 nâng mức khống chế chi phí lãi vay từ 20% lên 30%; cho phép khống chế chi phí lãi vay, sau khi đã trừ lãi tiền gửi, tiền vay. Đồng thời, quy định mới cũng mở rộng đối tượng được miễn áp dụng quy định khống chế. Chi phí lãi vay, vượt ngưỡng khống chế không được khấu trừ, có thể được chuyển tiếp sang những năm tính thuế tiếp theo và được khấu trừ nếu mức khống chế của những năm tiếp theo thấp hơn 30%. Thời hạn chuyển tiếp tối đa là  5 năm. Như vậy, quy định về khống chế lãi vay được trừ đã cơ bản khắc phục hạn chế của Nghị định 20.

* PV: Từ góc nhìn của DN, ông trông đợi điều gì vào việc thực thi Nghị định 132?

- Ông Phạm Ngọc Long:  Các DN sẽ trông đợi cơ quan thuế áp dụng Nghị định 132 với các loại hình DN một cách bình đẳng, thay vì chỉ tập trung vào các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, DN cũng chờ đợi cơ quan thuế diễn giải và vận dụng các quy định một cách minh bạch, uyển chuyển nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế trong việc giải trình và chứng minh việc tuân thủ quy định. Điều này sẽ tạo điều kiện để người nộp thuế tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh chính, thay vì phải liên tục tìm hiểu các điều khoản phức tạp để đối phó với các cuộc thanh, kiểm tra.

Cũng cần phải nói thêm rằng, Nghị định 132 cũng như Nghị định 20 chỉ đưa ra các nguyên tắc, quy định. Do đó, người nộp thuế rất mong muốn Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn chi tiết hơn nữa liên quan tới lựa chọn phương pháp xác định giá, tiêu chí lựa chọn công ty tương đồng, công thức điều chỉnh các khác biệt trọng yếu, đặc biệt là điều chỉnh các ảnh hưởng do Covid-19 gây ra đối với việc xác định giá GDLK trong năm 2020. Mục đích là để tránh các tranh cãi, khiếu nại có thể xảy ra trong quá trình thanh, kiểm tra thuế.

Những lưu ý với doanh nghiệp về tuân thủ nghĩa vụ thuế

“Thực tế, thông qua hoạt động tăng cường thanh, kiểm tra thuế các năm vừa qua, số lượng doanh nghiệp bị điều chỉnh giá giao dịch liên kết cũng như nghĩa vụ thuế bị truy thu, phải nộp ngày càng tăng.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực tư vấn thuế và giá giao dịch liên kết, chúng tôi nhận thấy các trường hợp rủi ro thường gặp đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết như: doanh nghiệp không kê khai, kê khai không đầy đủ thông tin hoặc không nộp các tờ khai thông tin giao dịch liên kết; không lập và nộp hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết đúng theo 

thời hạn quy định; giải trình không kịp thời, đầy đủ và không nhất quán đối với các truy vấn của cơ quan thuế trong quá trình thanh tra giá giao dịch liên kết.

Theo đó, để giảm thiểu các rủi ro về giá giao dịch liên kết, doanh nghiệp nên soát xét cẩn trọng các quy định mới liên quan đến nghĩa vụ tuân thủ tại Việt Nam. Đồng thời, doanh nghiệp nên chủ động đánh giá tác động của những thay đổi này đến hoạt động kinh doanh, từ đó có kế hoạch thực hiện và tuân thủ hiệu quả. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên lưu ý xem xét quy định mới về khoảng giá trị giao dịch độc lập chuẩn và lựa chọn các đối tượng so sánh độc lập phù hợp khi thực hiện kê khai và lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết nhằm giảm thiểu các rủi ro có liên quan” - ông Phạm Ngọc Long.

* PV: Xin cảm ơn ông!


   Theo Thời báo Tài chính số ra ngày 13 tháng 12 năm 2020

Tóm lược

Để giảm thiểu các rủi ro về giá giao dịch liên kết, doanh nghiệp nên soát xét cẩn trọng các quy định mới liên quan đến nghĩa vụ tuân thủ tại Việt Nam. Đồng thời, doanh nghiệp nên chủ động đánh giá tác động của những thay đổi này đến hoạt động kinh doanh, từ đó có kế hoạch thực hiện và tuân thủ hiệu quả.

Về bài viết này