Nền kinh tế số và thách thức thu thuế

Nền kinh tế số và thách thức thu thuế

Khủng hoảng y tế, giãn cách xã hội giống như chất xúc tác làm thay đổi hành vi người tiêu dùng theo hướng phụ thuộc nhiều hơn vào các giao dịch thương mại điện tử (TMĐT), dịch vụ số. Nhưng nếu cơ quan thuế không thể thu được thuế của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trên nền tảng số, thì xu hướng này càng tăng đồng nghĩa thất thu thuế càng lớn.

Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng kinh tế số lớn nhất khu vực, với mức tăng từ 25-30% mỗi năm. Đến năm 2025, quy mô kinh tế số của Việt Nam sẽ đạt 33 tỉ đô la Mỹ, gấp 3,7 lần so với năm 2018, theo báo cáo E-Economy SEA 2018.

Luật mới đã ban ra, nhưng chưa rõ sẽ thế nào

Trước khi Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 (Luật Quản lý thuế) được thông qua và có hiệu lực ngày 1-7-2019, Việt Nam không thu được thuế từ các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số có doanh thu từ các khách hàng cá nhân Việt Nam.

Bởi quy định pháp luật không hướng dẫn cơ chế thu thuế đối với nguồn thanh toán này, mặc dù về nguyên tắc, hầu hết mọi nguồn thu nhập phát sinh tại Việt Nam đều thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư về thuế nhà thầu nước ngoài.

Luật Quản lý thuế đã luật hóa nghĩa vụ của các nhà cung cấp nước ngoài thực hiện việc đăng ký, kê khai và nộp thuế trực tiếp với cơ quan thuế Việt Nam. Đây được xem là một bước phát triển tất yếu của chính sách thuế nhằm đáp ứng sự thay đổi chóng mặt cách thức mà các giao dịch B2B (business to business) hay B2C (business to customer) vốn vẫn được tiến hành.

Cần làm rõ rằng, Luật Quản lý thuế không tạo thêm bất kỳ gánh nặng thuế mới nào mà chỉ bổ sung cơ chế thu để nắm được cả các giao dịch mà trước đây việc thu không khả thi.

Tới nay, vẫn chưa rõ mức độ tác động của quy định mới đối với các bên có liên quan trong sân chơi TMĐT sâu rộng như thế nào, vì các văn bản hướng dẫn dưới luật chưa được ban hành. Và vẫn còn nhiều câu hỏi cần lời giải đáp, đặc biệt với các sàn TMĐT, các cổng thanh toán hay các ngân hàng thương mại.

Khấu trừ thông qua sàn thương mại điện tử?

Số lượng các giao dịch thực hiện thông qua các nền tảng thương mại trung gian trực tuyến, bao gồm cả các mạng xã hội có tính năng như sàn giao dịch TMĐT, đang chiếm tỷ trọng áp đảo.

Một số quốc gia và vùng lãnh thổ cho phép các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ nước ngoài thực hiện trực tiếp hoặc thông qua một đại diện được ủy quyền việc đăng ký kê khai, nộp thuế với nước sở tại. Trong khi, một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác yêu cầu các sàn thương mại, mà qua đó các giao dịch được tiến hành, có trách nhiệm đứng ra kê khai, nộp thuế thay cho người bán hàng hóa hoặc dịch vụ.

Cách tiếp cận thứ nhất yêu cầu các nhà cung cấp nước ngoài tự giác tuân thủ nghĩa vụ thuế với cơ quan thuế Việt Nam. Cơ quan thuế sẽ không dễ có manh mối thông tin đối với các giao dịch thực hiện qua các sàn thương mại, nền tảng trung gian trực tuyến nước ngoài, nếu nhà cung cấp không chủ động tiết lộ thông tin, kê khai và nộp thuế; ngoại trừ tình huống, nhà cung cấp nước ngoài giao dịch qua sàn thương mại đăng ký hoạt động dưới hình thức một pháp nhân Việt Nam.

Trong nhiều trường hợp, bản thân các nhà cung cấp nước ngoài giao dịch qua nền tảng trung gian có thể không có đủ thông tin về nguồn thanh toán, địa chỉ truy cập của người mua để xác định thu nhập đó có phải phát sinh từ Việt Nam hay không.

Hiện nay, Chính phủ đang nghiên cứu sửa Nghị định 52/2013/NĐ-CP, ban hành ngày 16-5-2013 về quản lý TMĐT, để làm rõ trách nhiệm của các trang web TMĐT nước ngoài trong việc thu thập và lưu trữ thông tin. Tuy nhiên, chưa có bất kỳ quy định cụ thể nào đề cập nghĩa vụ chia sẻ thông tin đó với các nhà cung cấp hoạt động trên trang web của họ.

Do vậy, vướng mắc ở đây là liệu các nhà cung cấp nước ngoài, vì không có đủ thông tin để xác định thu nhập phát sinh tại Việt Nam nên không đăng ký nộp thuế, có được miễn trừ trách nhiệm hay không?

Trong khi đó, cách tiếp cận thứ hai đặt trách nhiệm kê khai nộp thuế lên vai các nền tảng TMĐT. Phương án này rõ ràng thuận lợi hơn cho cơ quan thuế, nhưng các công ty vận hành nền tảng TMĐT nước ngoài sẽ không thích thú bởi sẽ phát sinh thêm nhiều chi phí. Họ sẽ phải sàng lọc dữ liệu để quyết định xem các giao dịch nào được coi là có thu nhập phát sinh từ Việt Nam và tính toán nghĩa vụ thuế phải nộp thay.

Các phức tạp pháp lý xung quanh câu hỏi ai sẽ chịu trách nhiệm, nếu số thuế khấu trừ và nộp thay cho các nhà cung cấp lại khác so với số thuế mà cơ quan thuế sau này kiểm tra và truy thu, cũng là một vấn đề phải lường trước.

Sử dụng hiệp định tránh đánh thuế hai lần để miễn thuế?

Có một nguyên tắc cơ bản về phân chia quyền đánh thuế tại các hiệp định tránh đánh thuế hai lần (hiệp định), đó là nước nguồn sẽ có quyền thu thuế trên thu nhập từ hoạt động kinh doanh của các đối tượng cư trú nước ngoài, nếu đối tượng đó không tạo một cơ sở thường trú tại nước nguồn theo hiệp định.

Khái niệm cơ sở thường trú từ lâu luôn gắn với việc hình thành một cơ sở cố định tại nước nguồn, mà thông qua đó, hoạt động kinh doanh của đối tượng cư trú nước ngoài được tiến hành.

Khái niệm này hiện nay không còn phù hợp khi xét các giao dịch TMĐT, bởi các nhà cung cấp nước ngoài có thể tương tác lâu dài và hiệu quả trực tiếp với khách hàng mà không cần phải thông qua bất kỳ cơ sở cố định nào. Rủi ro phát sinh từ việc các doanh nghiệp lợi dụng biện pháp kỹ thuật để tránh tạo cơ sở thường trú nhằm né thuế càng trở nên rõ ràng.

Nhằm giải quyết các thách thức từ xu hướng số hóa nền kinh tế, tháng 5-2019, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã khởi động Chương trình hành động chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) 2.0, với việc phát hành báo cáo Chương trình Công việc để phát triển một giải pháp đồng thuận cho các thách thức về thuế từ việc số hóa nền kinh tế. Chương trình này có tham vọng đạt được một cách tiếp cận nhất quán cho việc phân chia quyền đánh thuế (trụ cột một) và giới thiệu nguyên tắc thuế toàn cầu tối thiểu (trụ cột hai).

Trong khi chưa đạt được sự đồng thuận cuối cùng, nhiều nước đã tự áp dụng các chính sách thu thuế giao dịch TMĐT xuyên biên giới, không chỉ thuế gián thu mà cả thuế trực thu. Ở một số nước trong Asean, Philippines và Indonesia đều có kế hoạch đánh thuế giá trị gia tăng (VAT) và thu nhập trên các giao dịch TMĐT. Đặc biệt, Indonesia đưa ra loại thuế mới, có tên là Thuế giao dịch điện tử, để thu thuế trong trường hợp các nhà cung cấp nước ngoài lập luận không tạo cơ sở thường trú tại Indonesia và sử dụng hiệp định để đòi miễn thuế thu nhập.

Lần sửa đổi Luật Quản lý thuế này của Việt Nam, dù không tạo ra loại thuế mới, cũng cho thấy sự chú ý đặc biệt của Chính phủ đối với loại hình kinh doanh này. Dù các quy định diễn giải hiệp định chưa sửa đổi, cơ quan quản lý của Việt Nam cũng đang xem xét khái niệm cơ sở thường trú trong xu thế số hóa nền kinh tế thế giới, bao gồm cả việc tạo cơ sở thường trú thông qua các giao dịch điện tử. Do vậy, các nhà cung cấp nước ngoài sẽ không thể đơn giản áp dụng hiệp định để đề nghị miễn thuế thu nhập với lý do họ không tạo cơ sở thường trú cố định tại Việt Nam.

Nếu Việt Nam giữ quan điểm có quyền đánh thuế trên thu nhập của các nhà cung cấp nước ngoài, mức thuế sẽ căn cứ vào nội luật để xác định, mà cụ thể là dựa trên các quy định thuế nhà thầu. Nếu tính gộp cả thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) thì mức thuế cho dịch vụ sẽ là 10% doanh thu. Nếu xét trong mô hình B2C, mức thuế này không thấp khi so sánh nhanh với một số nước/vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương như Singapore 7%, Úc 10%, Nhật Bản 10%, Hàn Quốc 10%, Đài Loan 5%, Malaysia 6%, Thái Lan 7%, Indonesia 10%.

Vai trò của các ngân hàng thương mại, các công ty thanh toán trung gian

Trách nhiệm của các ngân hàng thương mại và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đã rõ ràng hơn nhiều sau khi Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý thuế được ban hành ngày 19-10-2020. Theo đó, các ngân hàng và công ty trung gian thanh toán không cần lo lắng phải lãnh trách nhiệm khấu trừ thuế trong mọi giao dịch thanh toán TMĐT. Họ chỉ thực thi nhiệm vụ này theo yêu cầu cụ thể của cơ quan thuế nhằm vào các nhà cung cấp không tự giác đăng ký, kê khai nộp thuế mà cơ quan thuế xác định và công bố danh tính.

Dù vậy, nhiều khả năng sẽ phát sinh những tình huống thực tế phức tạp mà ngân hàng khó có thể xác định được người thụ hưởng. Ví dụ, người mua thực hiện một lệnh chuyển tiền cho một giỏ hàng hóa từ nhiều nhà cung cấp qua chợ TMĐT. Do vậy, trách nhiệm liên đới của các tổ chức thanh toán trong các trường hợp nằm ngoài khả năng tra soát thông tin như vậy cũng cần được làm rõ hơn tại các quy định hướng dẫn dưới luật.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn số ra ngày 12 tháng 11 năm 2020

Tóm lược

Luật Quản lý thuế không tạo thêm bất kỳ gánh nặng thuế mới nào mà chỉ bổ sung cơ chế thu để nắm được cả các giao dịch mà trước đây việc thu không khả thi. Tới nay, vẫn chưa rõ mức độ tác động của quy định mới đối với các bên có liên quan trong sân chơi TMĐT sâu rộng như thế nào, vì các văn bản hướng dẫn dưới luật chưa được ban hành. Và vẫn còn nhiều câu hỏi cần lời giải đáp, đặc biệt với các sàn TMĐT, các cổng thanh toán hay các ngân hàng thương mại.

Về bài viết này