ey-opportunities-associated-with-renewable-energy-policy

Mở ra cơ hội với chính sách về năng lượng tái tạo

Chủ đề liên quan

Các doanh nghiệp trên toàn cầu đang đẩy mạnh tài chính xanh và các thông lệ môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Việt Nam cần vượt qua những rào cản để hưởng trọn lợi ích từ những điều này.

Đại dịch COVID-19 đã tăng khả năng gây quỹ của các tổ chức đáp ứng được các yêu cầu về ESG do có thể đứng vững trước sự biến động và gián đoạn của thị trường. Nhận thức ngày càng tăng của công chúng về khủng hoảng khí hậu cũng tạo điều kiện thúc đẩy tài chính xanh.

TS. Nguyễn Việt Long CPA (Aust.), Phó Tổng Giám đốc, Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam cho rằng, Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn khởi đầu. Khung pháp lý hiện tại chưa hoàn thiện, chưa có chỉ số về trái phiếu xanh trên thị trường chứng khoán cũng như quy định cụ thể về phân loại bền vững.

Theo ông, điều đầu tiên là thị trường, không phải nguồn tài chính. Việt Nam cần một chiến lược phù hợp với phân loại xanh ASEAN. Thứ hai, Việt Nam cần thể chế đánh giá độc lập, vì hiện tại chưa có điều đó nên chưa có hướng dẫn phù hợp từ Chính phủ. Hơn nữa, hướng dẫn từ các nhà đầu tư và tổ chức tín dụng nước ngoài không phù hợp với các doanh nghiệp và tổ chức trong nước. "Cần có nhiều hơn những hướng dẫn bắt nguồn hoàn toàn từ các tiêu chuẩn của EU," TS Long cho biết thêm.

Giá trị của chuyển đổi xanh

Năm 2021, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) thông cáo rằng giá trị tài chính liên quan đến khí hậu ở Việt Nam chỉ chiếm khoảng 5% (10,3 tỷ USD) tổng giá trị tài chính ngân hàng. Theo EY, tính đến tháng 10/2021, Việt Nam chỉ có 778 triệu USD trái phiếu bền vững, với 353 triệu USD trái phiếu xanh.

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, "tài chính xanh" là bất kỳ hoạt động tài chính có cấu trúc nào đảm bảo một kết quả môi trường tốt. TS Long cho biết, điều này làm tăng giá trị doanh nghiệp bằng cách tạo ra sự đổi mới để thu hút và nâng cao lòng tin với khách hàng. Ngoài ra còn có việc giảm chi phí nhờ giảm tiêu thụ năng lượng, nước và tiếp cận ưu đãi thuế. Các chương trình tài trợ bền vững của các ngân hàng thương mại vào nhà máy và thiết bị có thể giúp nâng cao lợi tức đầu tư dài hạn. Các nhà đầu tư tin tưởng hơn vào các công ty có nguyên tắc ESG. Điều này giúp các doanh nghiệp địa phương đạt tiêu chuẩn của thị trường quốc tế và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Rủi ro và thách thức

Tuy nhiên, những cơ hội này cũng mang đến rủi ro và thách thức, trong đó có khả năng đánh giá chỉ số xanh của dự án từ các tổ chức tín dụng. Việt Nam còn thiếu nhiều quy định về tài chính bền vững như định nghĩa, tiêu chí, tiêu chuẩn để các tổ chức tài chính đánh giá các dự án và để chủ dự án chuẩn bị tài liệu liên quan.

Theo TS Long, Việt Nam cần nhận thức về rủi ro liên quan đến tuân thủ ESG và tầm quan trọng của tài chính bền vững trong cả cung và cầu. Việc phối hợp giữa các bộ phận tài chính, quản trị rủi ro và pháp chế, có thể cải thiện cách tiếp cận đối với ESG. Các khái niệm về ESG, tài chính bền vững, cũng như các thông tin định tính, định lượng có liên quan sẽ giúp ích khi quyết định đầu tư.

Lòng tin và hợp tác chặt chẽ với các bên liên quan, từ các tổ chức tài chính, đơn vị xếp hạng, cổ đông đến nhà đầu tư nước ngoài và Chính phủ là vô cùng quan trọng. Cần các chính sách khuyến khích và dự án đầu tư công để phát triển các khu vực tái tạo. Để đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, các cơ quan có thẩm quyền như Bộ Tài chính cần thúc đẩy việc phát hành trái phiếu xanh nhằm đóng góp vào tỷ trọng bền vững trên thị trường vốn.

Theo CAFEF, số ra ngày 19 tháng 7 năm 2022

Ghi chú dành cho độc giả:

Quan điểm trong bài báo này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của tổ chức EY toàn cầu và các thành viên.

Tóm lược

Ông Nguyễn Việt Long CPA, Phó Tổng Giám đốc, Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam cho rằng, Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn khởi đầu trong hoạt động “xanh hóa” nền kinh tế. Ông cũng phân tích cơ hội, thách thức, cũng như đưa ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy sự hình thành của thị trường tài chính xanh tại Việt Nam. 

Về bài viết này