ey-modern-green-eco-office-building-with-tree-outside

Các nhà đầu tư có thể tài trợ phục hồi xanh như thế nào

Chủ đề liên quan

Các nhà đầu tư đang theo đuổi các cơ hội phục hồi xanh, nhưng cần có một chiến lược dài hạn để quản lý những lo ngại về bong bóng thị trường.


Tóm lược

  • Cuộc đua đạt phát thải ròng bằng không (net-zero) và giảm phát thải carbon là trọng tâm trong quá trình ra quyết định đầu tư của các nhà đầu tư, đòi hỏi năng lực phân tích kịch bản khí hậu.
  • Các nhà đầu tư nhìn thấy cơ hội phục hồi xanh đáng kể, nhưng có những lo ngại về bong bóng thị trường khi cầu vượt cung trong cơ hội phát tiển năng lượng tái tạo.
  • Hai yếu tố có thể làm giảm bớt mối lo ngại bao gồm: lượng tài chính cần thiết để đáp ứng các mục tiêu năng lượng tái tạo và số tiền tài trợ cần thiết để giảm phát thải carbon cho các ngành công nghiệp “nâu”.

Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, có lo ngại rằng nó có thể làm giảm sự tập trung của các nhà đầu tư vào vấn đề biến đổi khí hậu. Với việc thị trường chao đảo vì những cú sốc do phong tỏa, liệu các nhà quản lý đầu tư có rút lui khỏi các cam kết trước đó về biến đổi khí hậu không?

Trên thực tế, Khảo sát Nhà đầu tư Tổ chức Toàn cầu 2021 của EY cho thấy đại dịch COVID-19 đã làm tăng tầm quan trọng của biến đổi khí hậu, với việc các nhà đầu tư coi khủng hoảng khí hậu và quá trình chuyển đổi năng lượng là trọng tâm trong quá trình ra quyết định đầu tư của họ. Một số phát triển quan trọng trong lĩnh vực này:

  1. Cuộc đua net-zero và quá trình giảm phát thải hiện là trọng tâm trong quá trình ra quyết định đầu tư của các nhà đầu tư. Điều này có thể sẽ đòi hỏi năng lực phân tích kịch bản đáng kể đối với cả doanh nghiệp và nhà đầu tư.
  2. Các nhà đầu tư nhận thấy cơ hội rộng lớn từ những nỗ lực của các chính phủ nhằm thúc đẩy quá trình phục hồi xanh sau đại dịch COVID-19, nhưng có một số lo ngại về bong bóng thị trường khi cầu vượt quá cung đối với cơ hội về các giải pháp năng lượng tái tạo mới.
  3. Tuy nhiên, có hai vấn đề có thể làm giảm mối đe dọa của bong bóng thị trường: thứ nhất, lượng tài chính cần thiết để đạt được các mục tiêu về năng lượng tái tạo và khoảng cách tài trợ đầu tư; thứ hai, số tiền tài trợ đáng kể cần thiết để “xanh hóa” bằng cách giảm phát thải carbon trong nhiều lĩnh vực công nghiệp.
1

Chương 1

Hành trình hướng tới net-zero và giảm phát thải carbon

Quá trình chuyển đổi đến net-zero đóng vai trò trung tâm trong quyết định của các nhà đầu tư.

Cuộc đua đang diễn ra để đạt net-zero bằng cách cắt giảm khí thải, thu giữ carbon và các chương trình bù trừ carbon. Nghiên cứu cho thấy quá trình chuyển đổi sang net-zero đóng vai trò trung tâm trong việc ra quyết định đầu tư của các nhà đầu tư ngày nay.

Bước tiến tới net-zero và giảm phát thải carbon không thể thiếu những thách thức đối với cả doanh nghiệp và nhà đầu tư. Các doanh nghiệp nên lập kế hoạch kịch bản rõ ràng để hiểu được những tác động tiềm ẩn của một loạt các hậu quả của biến đổi khí hậu và kiểm tra quá trình quản lý rủi ro và chiến lược hiện tại trong doanh nghiệp. Đồng thời, các nhà đầu tư nên tham gia với các doanh nghiệp về yêu cầu tái cấu trúc chiến lược tổ chức để tích hợp giảm carbon và các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Họ cũng cần nắm vững lộ trình giảm khí thải carbon của từng ngành công nghiệp, dựa trên phân tích dữ liệu định lượng toàn diện.

2

Chương 2

Cơ hội phục hồi xanh, nhưng lo ngại về bong bóng thị trường

Các nhà đầu tư đang chủ động nhắm vào mục tiêu đầu tư xanh, nhưng lo ngại về bong bóng thị trường.

Mặc dù quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế net-zeron có thể đặt ra những thách thức vật chất đáng kể, nhưng nỗ lực của các chính phủ khuyến khích quá trình chuyển đổi có thể là cơ hội cho các nhà đầu tư. Có vẻ như nhiều nhà đầu tư đã khai thác các cơ hội này, với 92% nhà đầu tư được khảo sát cho biết họ đã đầu tư trong vòng 12 tháng trước đó vì họ thấy rằng sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi xanh.

Cơ hội phục hồi xanh
Các nhà đầu tư được khảo sát cho biết họ đã đầu tư trong 12 tháng trước đó vì họ thấy rằng sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi xanh.

Các nhà đầu tư cũng nhận thấy quá trình chuyển đổi này sẽ tiếp tục diễn ra, với 88% số phản hồi cho biết khả năng họ sẽ tăng cường tìm kiếm các cơ hội đầu tư xanh sau COVID-19, khi họ hướng tới các cơ hội có khả năng chống chịu tốt hơn đối với các khủng hoảng toàn cầu và có khả năng mang lại giá trị bền vững lâu dài.

Ví dụ, một lĩnh vực có tiềm năng đáng kể là thu giữ carbon dựa vào tự nhiên. Các giải pháp dựa vào tự nhiên để ứng phó với biến đổi khí hậu, đôi khi được gọi là “các giải pháp khí hậu tự nhiên,” liên quan đến việc bảo tồn, khôi phục hoặc quản lý tốt hơn các hệ sinh thái để loại bỏ CO2 khỏi bầu khí quyển. Một số ví dụ về giải pháp này bao gồm tái sinh rừng, khôi phục vùng ngập nước ven biển và chuyển sang các thực hành phục hồi nông nghiệp như luân canh cây trồng để hỗ trợ phục hồi đất.1

Theo báo cáo đầu tiên về Tình trạng Tài chính cho Tụe nhiên của Liên Hợp Quốc, nếu thế giới muốn đạt được các mục tiêu về đa dạng sinh học và chống suy thoái đất do biến đổi khí hậu, thì cần phải thu hẹp khoảng cách tài chính cho tự nhiên 4,1 nghìn USD vào năm 2050. Để đạt được điều này, đầu tư vào các giải pháp dựa trên tự nhiên sẽ cần tăng gấp ba lần vào năm 2030 và tăng gấp bốn lần vào năm 20502. Sự tăng tốc này sẽ tương đương với tổng đầu tư tích lũy lên tới 8,1 nghìn tỷ USD và khoản đầu tư hàng năm trong tương lai là 536 tỷ USD. Báo cáo cho thấy khoảng 133 tỷ USD mỗi năm hiện đang hướng tới các giải pháp dựa trên tự nhiên; 86% trong số đó là quỹ công, phần còn lại là vốn tư nhân. Khi ngày càng có nhiều công ty xuất hiện với các mô hình kinh doanh hấp dẫn trong lĩnh vực này, thì đây là một lĩnh vực có khả năng thu hút sự chú ý ngày càng gia tăng từ các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, có một số lo ngại rằng cơ hội phục hồi xanh có thể trở thành nạn nhân của chính thành công của nó. Mối lo ngại là sự quan tâm ngày càng tăng tới các vấn đề môi trường của các ngành công nghiệp sẽ dẫn đến việc có quá nhiều vốn tiềm năng cùng theo đuổi một số quá ít cơ hội. Khảo sát Nhà Đầu tư Tổ chức Toàn cầu 2021 của EY cho thấy các nhà quản lý đầu tư lo ngại rằng cầu đang vượt cung, khi có nhiều đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, xe điện và thực phẩm có nguồn gốc thực vật:

  • 77% nhà đầu tư được khảo sát nói rằng với nhu cầu cao về đầu tư xanh, các lựa chọn đầu tư sẽ trở nên hạn chế do khá ít công ty đại chúng đáp ứng các tiêu chí về môi trường mà các nhà đầu tư yêu cầu.
  • 76% nhà đầu tư được khảo sát cho rằng việc thiếu nguồn cung đầu tư xanh phù hợp sẽ dẫn đến việc một số nhà đầu tư trả quá cao cho các tài sản xanh, tạo ra nguy cơ bong bóng thị trường.

Một vấn đề quan trọng dẫn đến mối lo ngại về bong bóng thị trường là tính đáng tin cậy của các tuyên bố về bền vững hoặc tuyên bố xanh của các doanh nghiệp - dù là những doanh nghiệp lâu đời đã có danh tiếng hay những doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ xanh. Ví dụ, một mối quan ngại phổ biến là liệu các doanh nghiệp lớn và có nguồn lực tốt có thể tăng cường uy tín về bền vững của họ hay không, và do đó, liệu các sản phẩm đầu tư được gắn nhãn ESG có bao gồm các tổ chức kém bền vững hơn hay không.3

Quy mô của vấn đề được thể hiện ở việc các cơ quan quản lý đang có những động thái để giải quyết nó, ví dụ như Quy định Công bố Thông tin Tài chính Bền vững (SFDR) của EU có hiệu lực từ ngày 10 tháng 3 năm 2021, được thiết kế để minh bạch hơn và phân loại các sản phẩm đầu tư thành bền vững và không bền vững.

Đồng thời, các nhà đầu tư muốn tham gia vào các công ty công nghệ xanh mới nổi cũng nên xác định liệu những tuyên bố về tiềm năng của công nghệ này và tiềm năng doanh thu trong tương lai – có đứng vững được trước sự kiểm tra nghiêm ngặt hay không. Điều này giúp xác định liệu các doanh nghiệp và dự án mà họ đầu tư có tồn tại lâu dài vượt qua làn sóng hào hứng ban đầu hay không. Điều này đòi hỏi việc phải có cái nhìn sâu sắc hơn ngoài những tuyên bố và báo cáo được công bố của các doanh nghiệp. Các nhà đầu tư nên phân tích để tìm hiểu liệu cơ hội có thực sự bền vững và khả thi trong dài hạn.

3

Chương 3

Tài trợ cho năng lượng tái tạo và “xanh hóa”

Nguồn tài chính cần thiết cho năng lượng tái tạo và các ngành công nghiệp giảm carbon có thể làm giảm bớt lo ngại về bong bóng thị trường.

Có hai vấn đề có thể làm giảm nguy cơ bong bóng thị trường:

  1. Thứ nhất, khối lượng tài chính khổng lồ cần thiết để đạt được các mục tiêu về năng lượng tái tạo. Dựa trên Kịch bản Chính sách Hiện tại của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, khoảng 7,7 nghìn tỷ USD được cam kết dành cho năng lượng tái tạo, nhưng theo Kịch bản Phát triển Bền vững, cần 12,9 nghìn tỷ USD. Điều này đồng nghĩa với việc cần phải đầu tư thêm khoảng 5,2 nghìn tỷ USD. Kịch bản Phát triển Bền vững của Cơ quan Năng lượng Quốc tế vạch ra một sự chuyển đổi lớn của hệ thống năng lượng toàn cầu, cho thấy thế giới có thể thay đổi hướng đi như thế nào để đáp ứng đồng thời ba Mục tiêu Phát triển Bền vững chính liên quan đến năng lượng.4 Rõ ràng, có một khoảng thiếu hụt tài chính đáng kể cần được lấp đầy.
  2. Thứ hai, các công nghệ xanh mới nổi chỉ là một phần của cuộc đua đạt net-zero. Khi các nhà đầu tư tổ chức bắt đầu hướng đến mục tiêu net-zero, họ sẽ cố gắng đầu tư vào các sáng kiến ​​có hàm lượng carbon thấp và net-zero, chẳng hạn như những công nghệ mớigiúp tiến tới một nền kinh tế giảm carbon. Tuy nhiên, rất có thể sẽ cần một lượng kinh phí khổng lồ để giảm carbon cho nhiều lĩnh vực công nghiệp.

Do đó, cần một nguồn vốn đáng kể dành cho những tổ chức hiện đang hoạt động trong các lĩnh vực phát thải nhiều. Các doanh nghiệp với một chiến lược rõ ràng nhằm vốn hóa quá trình chuyển đổi net-zero có thể phát triển cách để các nhà đầu tư phân phối vốn và tránh các rủi ro về uy tín ngày càng tăng trong việc ủng hộ các lĩnh vực phát thải nhiều carbon.

Nói cách khác, bên cạnh việc đầu tư vào lĩnh vực xanh, việc xanh hóa các ngành công nghiệp “nâu” cũng rất quan trọng. Đối với các nhà đầu tư, điều này đòi hỏi sự tập trung vào tham gia hơn là thoái vốn, đồng hành cũng với các doanh nghiệp để giảm lượng carbon và thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng.


Tóm lược

Hơn bao giờ hết, các nhà đầu tư ở mọi quy mô ngày càng nhận thức được rằng họ nên cân nhắc các yếu tố như khủng hoảng khí hậu và quá trình chuyển đổi năng lượng khi triển khai vốn. Ngày càng có nhiều nhà đầu tư tổ chức theo đuổi các cơ hội phát triển bền vững. Để các nhà đầu tư đóng vai trò chủ đạo trong việc tài trợ cho quá trình phục hồi xanh, họ nên xây dựng một chiến lược dài hạn để quản trị rủi ro bong bóng thị trường, đồng thời khắc phục những điểm yếu và bất cập hiện tại về dữ liệu và công bố ESG một cách đáng tin cậy và nhất quán từ các công ty mục tiêu.

Về bài viết này