ey women jumping over big wave

Ban giám đốc có thể củng cố quản trị nhằm thúc đẩy hành trình ESG như thế nào?

Với sự chú trọng vào phát triển bền vững, ban giám đốc các doanh nghiệp châu Âu phải xem xét các yếu tố ESG để vượt qua các đối thủ cạnh tranh và tạo ra các nguồn giá trị mới.


Tóm lược

  • Các doanh nghiệp châu Âu và ban giám đốc đang đặt ESG làm trọng tâm trong chiến lược của họ nhằm xây dựng khả năng chống chọi rủi ro, đồng thời thúc đẩy các cơ hội tăng trưởng mới.
  • Thành công có nghĩa là giải quyết được các thách thức lớn bên ngoài và bên trong, bao gồm cả tình trạng bất ổn kinh tế và nhu cầu thiết lập chiến lược ESG rõ ràng cho ban giám đốc.
  • Ba ưu tiên sẽ hỗ trợ quá trình ra quyết định ESG chiến lược: mô hình hoạt động ban giám đốc phù hợp, cách tiếp cận sáng tạo trong khen thưởng và báo cáo ESG hiệu quả.

Chúng ta đang ở điểm bước ngoặt trong chương trình nghị sự về phát triển bền vững và môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Từ bên trong tổ chức, các lãnh đạo đều mong muốn tạo ra sự khác biệt cho trái đất cũng như xây dựng khả năng chống chịu và giá trị lâu dài của doanh nghiệp. Từ bên ngoài, chúng ta đã đạt đến điểm mà các nhà đầu tư, người lao động, người tiêu dùng và công chúng nói chung kì vọng một doanh nghiệp tích cực xử lý các ưu tiên và cơ hội ESG. Chương trình phát triển bền vững đang xác định lại mối quan hệ giữa các doanh nghiệp châu Âu với người lao động và các bên liên quan – các doanh nghiệp nên hành động ngay để đảm bảo luôn đi đầu trong quá trình chuyển đổi này.

Ngoài việc giúp doanh nghiệp tăng khả năng chống chịu trong bối cảnh tình trạng đứt gãy sản xuất kinh doanh gia tăng, nghiên cứu mới nhất của EY cho thấy các nhà điều hành ngày nay tin rằng ESG, trên hết, là cơ hội thương mại và tăng trưởng lớn. Đối với các doanh nghiệp hàng đầu, đây sẽ là động lực thúc đẩy đổi mới sản phẩm, dịch vụ và thậm chí cả mô hình kinh doanh, cho phép họ định hình tương lai của ngành và ứng phó trước với nguy cơ đứt gãy sản xuất kinh doanh.

Thực chất, bằng cách triển khai phương pháp tiếp cận giá trị dài hạn đầy tham vọng và chủ động giải quyết các yếu tố ESG, một doanh nghiệp có thể vượt qua các đối thủ cạnh tranh, cải thiện khả năng sinh lời và khai phóng các nguồn giá trị mới. Để giúp định hướng cho các doanh nghiệp Châu Âu về bước phát triển tiếp theo trong quản trị, đội ngũ chuyên gia của EY đã thực hiện ấn bản thứ hai của Khảo sát Giá trị Dài hạn và Quản trị Doanh nghiệp (Long-Term Value and Corporate Governance Survey), dựa trên kết quả nghiên cứu đầu tiên của EY vào tháng 11 năm 2021. Khảo sát được thực hiện tại 15 quốc gia Châu Âu và trong 25 phân khúc ngành.

Thông qua bài viết này, chúng tôi mở ra một số chủ đề chính sẽ giúp ban giám đốc giải quyết các thách thức về phát triển bền vững đồng thời tận dụng các cơ hội mới. Những chủ đề này bao gồm:

  1. Tích hợp ESG vào chiến lược tăng trưởng dài hạn
  2. Những thách thức bên ngoài và bên trong mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt
  3. Ba ưu tiên hỗ trợ quy trình ra quyết định chiến lược về ESG
Close up of rowing team race
1

Chapter 1

1 Chương 1: Tích hợp ESG vào chiến lược tăng trưởng dài hạn

Doanh nghiệp và ban giám đốc khi đặt ESG làm trọng tâm chiến lược có thể xây dựng khả năng phục hồi trước rủi ro, đồng thời thúc đẩy các cơ hội tăng trưởng mới.

Mệnh lệnh ESG: Các yếu tố ESG là mối quan tâm hàng đầu đối với người tiêu dùng, người lao động và toàn xã hội

Ngày nay, các lãnh đạo và thành viên ban giám đốc đã nhận ra tầm quan trọng của các yếu tố ESG trong việc đáp ứng những kỳ vọng luôn thay đổi của doanh nghiệp:

  1. 84% những người được khảo sát nói rằng “đại dịch COVID-19 làm tăng kỳ vọng từ các bên liên quan rằng doanh nghiệp sẽ thúc đẩy tác động xã hội, môi trường bền vững và tăng trưởng bao trùm”.
  2. 86% những người được khảo sát cho rằng “việc tập trung vào ESG và tăng trưởng bao trùm và bền vững là rất quan trọng để xây dựng lòng tin với các bên liên quan trong thời điểm bất ổn hiện nay”.

Mặc dù nghiên cứu cho thấy rõ  các ban giám đốc và các nhà điều hành ở Châu Âu đã nhận ra tầm quan trọng của ESG đối với việc thúc đẩy giá trị lâu dài, vẫn còn những băn khoăn về mức độ tích hợp những vấn đề này vào chiến lược chung của doanh nghiệp và trách nhiệm giám sát của các ban giám đốc. Nếu cách tiếp cận của tổ chức vẫn còn ở bước sơ khởi thì có thể vẫn còn  khoảng cách đáng kể giữa các “cam kết” phát triển bền vững với các kết quả và hành động cụ thể.

Cũng còn rủi ro là các doanh nghiệp sẽ chỉ tập trung hoàn toàn vào “hiện trạng” của ESG thay vì để mắt đến tương lai, trong khi các chủ đề về phát triển bền vững thay đổi rất nhanh.

Các chủ đề về ESG khai mở giá trị lâu dài khi gắn liền với việc quản trị và được bao trùm trong tinh thần hợp tác.

Luôn đi trước chương trình nghị sự ESG đang diễn ra nhanh chóng

Trước khi chúng ta khám phá những bước tiến mà các doanh nghiệp đã đạt được trong chương trình quản trị bền vững và những gì họ dự định đạt được bằng nỗ lực, cần làm rõ một số khái niệm chính khi nói đến ESG:

  • ESG là một khái niệm rộng và các lãnh đạo sẽ vẫn cần quyết định chủ đề ESG nào nên được ưu tiên, kết quả nào đang được nhắm đến và khung thời gian dự kiến. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải đánh giá tính quan trọng một cách chi tiết, và việc lựa chọn những chiến lược cơ bản này là một trong những nhiệm vụ khó khăn và tốn thời gian nhất mà các doanh nghiệp ngày nay phải đối mặt.
  • Các mục tiêu ESG cần được tích hợp vào chiến lược tổng thể của doanh nghiệp chứ không nên tách biệt. Điều này nhằm đảm bảo xung đột với các mục tiêu chiến lược khác – chẳng hạn như các mục tiêu tài chính – được xác định và xem xét một cách tổng thể để có thể giải quyết hoặc để hiểu đúng về những đánh đổi cần thiết.

Quản trị vững mạnh: yếu tố then chốt cho thành công trong việc thúc đẩy tăng trưởng dài hạn và bền vững

Quản trị vững mạnh sẽ là yếu tố then chốt để đáp ứng kỳ vọng đang thay đổi của các bên liên quan, xây dựng khả năng chống chịu rủi ro và nắm bắt các cơ hội tăng trưởng liên quan tới ESG. Một ví dụ là nhu cầu ra quyết định chiến lược cân bằng được việc tạo ra giá trị trước mắt và dài hạn một cách hiệu quả.

Trong khảo sát năm nay, hơn một nửa số người được hỏi – 55% – nói rằng “có sự khác biệt đáng kể về quan điểm trong đội ngũ lãnh đạo của họ về cân bằng các cân nhắc ngắn hạn với đầu tư dài hạn và tăng trưởng bền vững.” Mặc dù giảm nhẹ so với tỷ lệ 60% trong khảo sát năm 2021, nhưng đây vẫn là một vấn đề lớn đối với ban giám đốc. Nếu chỉ tính riêng thành viên ban giám đốc và số giám đốc không điều hành tham gia khảo sát, thì số người nói rằng có sự khác biệt đáng kể về quan điểm sẽ tăng lên 68%.

Mặc dù các doanh nghiệp ở các giai đoạn khác nhau trong hành trình ESG, nhưng khảo sát cho thấy rằng – về tổng thể – ban giám đốc và các CEO đang đạt được những bước tiến đáng khích lệ trong việc đưa ra các khung quản trị cần thiết để định hướng lâu dài, có sự tham gia của nhiều bên liên quan. Ví dụ: khoảng một phần ba (30%) cảm thấy họ đã đạt được bước tiến rất đáng kể trong việc đưa ra hệ thống kiểm soát và quản trị rủi ro cần thiết để xử lý các rủi ro ESG trọng yếu (xem Hình 1). Mặc dù bước tiến này rất đáng khích lệ, bởi nó cho thấy đây là lĩnh vực ưu tiên, nhưng tất nhiên vẫn còn nhiều việc phải làm về vấn đề thực thi cũng như nỗ lực cải thiện liên tục.

Cơ hội và rủi ro: tạo dựng và bảo vệ giá trị bền vững lâu dài

Các rủi ro liên quan đến ESG - từ sự phụ thuộc vào tài nguyên và sự khan hiếm liên quan đến mất đa dạng sinh học hoặc nguy cơ gián đoạn tiềm ẩn từ các vấn đề môi trường tự nhiên như các hiện tượng thời tiết cực đoan - là những vấn đề nghiêm trọng và thách thức nhất mà các doanh nghiệp hiện nay phải đối mặt.

Có một phương pháp kiểm soát nội bộ và quản trị rủi ro để giảm thiểu những vấn đề này là yếu tố then chốt nhằm duy trì hiệu quả hoạt động và đảm bảo tương lai lâu dài của tổ chức. Đồng thời, các doanh nghiệp hàng đầu cũng đang tìm thấy cơ hội tăng trưởng và doanh thu mới khi thị trường và bối cảnh cạnh tranh thay đổi tương đồng với các yếu tố ESG. Trên thực tế, như Hình 2 cho thấy, thúc đẩy tăng trưởng doanh thu từ những người tiêu dùng có ý thức về ESG được coi là lợi thế chính của việc kết hợp ESG vào chiến lược của doanh nghiệp, thậm chí còn được xếp hạng cao hơn khả năng chống chịu rủi ro.

Cuối cùng, trong khi “thu hút các nhà đầu tư tập trung vào ESG” rơi xuống vị trí thứ sáu, nó vẫn là trọng tâm chính của một phần tư (25%) số người được hỏi. Tuy nhiên, do dòng vốn đổ vào các quỹ tập trung vào ESG trên toàn thế giới và việc nhà đầu tư ngày càng giám sát chặt hoạt động phát triển bền vững của các doanh nghiệp trong quá trình ra quyết định đầu tư, đây vẫn là một vấn đề quan trọng đối với các doanh nghiệp và khả năng tiếp cận thị trường vốn của họ.

Group of people white water rafting, Koprulu Kanyon, Antalya, Turkey
2

Chapter 2

Những thách thức bên ngoài và bên trong các doanh nghiệp hiện phải đối mặt

Để thực hiện mục tiêu ESG đồng thời quản lý những biến động đáng kể, các doanh nghiệp cần làm rõ nhiệm vụ phát triển bền vững của ban giám đốc.

Mặc dù đã đạt được những bước tiến đáng khích lệ trong cách các lãnh đạo và ban giám đốc điều chỉnh cách tiếp cận của tổ chức đối với các yếu tố ESG và giá trị dài hạn, vẫn còn những thách thức đáng kể cả từ bên trong và bên ngoài cản trở việc thực hiện các mục tiêu ESG đầy tham vọng. Cụ thể, những người trả lời khảo sát chỉ ra hai vấn đề:

  • Bên ngoài, họ lo ngại về sự không chắc chắn của nền kinh tế trong ngắn hạn, như biến động thị trường do các biến thể COVID-19 gây ra.
  • Trong nội bộ, có những lo ngại liệu ban giám đốc đã thiết lập một nhiệm vụ rõ ràng để tích hợp các yếu tố ESG vào quá trình ra quyết định chiến lược hay chưa. Điều này cũng là một yêu cầu quan trọng để giải quyết các thách thức ngày càng tăng từ bên ngoài. Khả năng phản ứng nhanh chóng và hiệu quả trước biến động và đứt gãy thị trường – đồng thời thiết lập một hướng đi mới cho tăng trưởng bền vững – đòi hỏi sự lãnh đạo quyết đoán, đồng bộ, tập trung vào khả năng phục hồi kinh dài hạn chứ không chỉ ứng phó tức thời đối với khủng hoảng trước mắt.
Các phương pháp quản trị doanh nghiệp vững mạnh và sáng tạo là then chốt để tiếp cận chủ động với ESG.

Thách thức thứ nhất: Làm thế nào để thúc đẩy giá trị lâu dài trong môi trường kinh tế vĩ mô đầy biến động và thách thức

Khi các lãnh đạo và ban giám đốc doanh nghiệp châu Âu tìm cách đưa ra các quyết định dài hạn cần thiết nhằm quản trị các rủi ro lớn và nắm bắt các cơ hội tăng trưởng ESG, họ phải đối mặt với sự biến động đáng kể trên thị trường trong nước và toàn cầu. Và đây không chỉ là vấn đề đối với các doanh nghiệp đã nhìn thấy  tương lai đầy thách thức đang chờ họ. Hình 3 cho thấy, “sự biến động kinh tế ngắn hạn” là thách thức chính đối với cả những doanh nghiệp lạc quan về triển vọng tăng trưởng và những doanh nghiệp đáng lo ngại hơn.

Sự bất định do nhiều vấn đề gây ra – từ gián đoạn do các biến thể của đại dịch COVID-19, đến sự can thiệp vào chuỗi cung ứng do các hiện tượng thời tiết cực đoan- là vấn đề được quan tâm hàng đầu đối của tất cả các giám đốc điều hành và hội đồng quản trị trong việc tìm kiếm các khoản đầu tư và ra  quyết định dài hạn.

Bất ổn địa chính trị, lạm phát và thiếu hụt lao động có tay nghề đang tiếp tục tạo ra những yếu tố bất định trong nền kinh tế. Cũng có khả năng là đại dịch COVID-19 sẽ tiếp tục hiện diện trong thời gian dài, khi chúng ta học cách chung sống với các ảnh hưởng “dài hơi” của nó. Tổng quan, tác động của đại dịch - và sự hiểu biết rõ ràng hơn mà nó mang lại cho chúng ta về tác động tàn khốc của các sự kiện thiên nga đen - đã làm tăng lên mối lo ngại về những thách thức trong việc mang lại giá trị lâu dài khi có quá nhiều bất ổn về nền kinh tế tương lai và khả năng gặp rối loạn tiềm ẩn.

Thách thức thứ hai: Làm thế nào để tạo ra giá trị lâu dài khi vai trò của ban giám đốc đối với ESG vẫn đang trong quá trình định hình

Việc có tầm nhìn xác định vào giá trị dài hạn là rất quan trọng, nhằm giúp doanh nghiệp khai mở các giá trị của ESG. Ban giám đốc đóng vai trò thiết yếu trong việc điều chỉnh các sáng kiến ESG cho hài hòa với định hướng chiến lược của doanh nghiệp, đảm bảo nó tập trung vào các chủ đề quan trọng (cả rủi ro và cơ hội), thiết lập các mục tiêu và trách nhiệm giải trình cũng như đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp ở cấp độ toàn doanh nghiệp. Mặc dù việc triển khai ESG sẽ được giao cho các đơn vị kinh doanh riêng lẻ, nhưng các ban giám đốc đóng vai trò trung tâm trong việc thiết lập định hướng chiến lược rõ ràng, tập trung vào dài hạn và phát triển kế hoạch để tránh bị manh mún và trùng lặp.

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cho thấy vai trò của ban giám đốc trong ESG vẫn đang biến chuyển và cần phải tăng cường vai trò của ban giám đốc trong chiến lược ESG. Như Hình 4 cho thấy, thách thức nội bộ mà các doanh nghiệp phải đối mặt trong việc xây dựng giá trị lâu dài thông qua định vị ESG là “thiếu cam kết từ ban giám đốc để đưa ra quyết định tích hợp đầy đủ các yếu tố ESG và tạo ra giá trị lâu dài”. Hiện 43% số người được hỏi xác định đây là một thách thức đáng kể, tăng từ mức 28% vào năm 2021.

Windsurfers and kiteboarders on choppy sea
3

Chapter 3

Ba ưu tiên hỗ trợ việc ra quyết định chiến lược về ESG

Một mô hình điều hành ban giám đốc hiệu quả, các phương pháp mới về khen thưởng, thù lao và báo cáo ESG sẽ hỗ trợ tăng trưởng bền vững lâu dài.

Giám sát của ban giám đốc: đảm bảo ban giám đốc của bạn được trang bị để thực hiện các mục tiêu ESG của mình

Kiến tạo một mô hình hoạt động linh hoạt cho hội đồng

Việc chuyển sang một nền kinh tế bền vững đặt ra câu hỏi liệu một số ban giám đốc có cần suy nghĩ lại về mô hình hoạt động cốt lõi của họ hay không và liệu họ có đủ linh hoạt để đáp ứng với môi trường thay đổi nhanh chóng hay không. Họ có dữ liệu đáng tin cậy, hướng tới tương lai mà họ cần và các công cụ kỹ thuật số để phân tích ý nghĩa của dữ liệu đó không? Do vướng bận nhiều trách nhiệm, họ có dành đủ thời gian cho chương trình ESG hay không?

Đối với câu hỏi thứ hai này, như Hình 5 cho thấy, lượng thời gian mà ban giám đốc dành cho các chủ đề ESG đã tăng lên đáng kể. Ví dụ, hai năm trước, chỉ có 15% số người được hỏi dành thời gian thảo luận về chương trình nghị sự ESG tại mỗi cuộc họp. Hiện con số đã lên 49%, với 33% số người thảo luận về chủ đề này một cách thường xuyên.

Đa dạng hóa thành phần ban giám đốc

Sự đa dạng về kỹ năng, kinh nghiệm, quan điểm và văn hóa – hình thành từ đa dạng giới, chủng tổng hay tuổi tác sẽ giúp tạo ra những ý tưởng và cách suy nghĩ khác nhau. Tư duy “kết hợp” này là cần thiết để tìm ra các giải pháp sáng tạo cho các vấn đề ESG phức tạp. Sự đa dạng đã được chứng minh là dẫn đến các quyết định và giải quyết vấn đề tốt hơn, giúp đảm bảo rằng các giả định và niềm tin cố hữu bị thách thức, đồng thời các quan điểm khác nhau đều được lắng nghe.

Xây dựng kỹ năng và kiến ​​thức chuyên môn về ESG cho ban giám đốc doanh nghiệp

Xây dựng nhận thức, kỹ năng và kiến ​​thức về ESG của ban giám đốc là rất quan trọng nếu họ muốn đặt câu hỏi đúng và thách thức ban quản lý về các chủ đề bền vững trước mắt và lâu dài. Cùng với việc đưa các kỹ năng phát triển bền vững làm tiêu chí khi đánh giá các ứng cử viên mới cho ban giám sát, các biện pháp can thiệp khác có thể giúp các thành viên hiện tại xây dựng kiến ​​thức chuyên môn về ESG. Một ví dụ là thành lập các tổ  tư vấn cho ban giám đốc, có thể bao gồm các học giả hoặc nhà khoa học có hiểu biết cụ thể về các vấn đề môi trường hoặc xã hội.

Phát huy các chương trình khen thưởng: bao gồm lương thưởng và các chế độ đãi ngộ 

Trong 24 tháng qua, đã có sự tập trung cao độ của các nhà đầu tư vào cách các doanh nghiệp vận hành các mục tiêu ESG trong toàn tổ chức. Các lĩnh vực quan tâm chính của  các nhà đầu tư bao gồm việc nhận diện, đo lường và đánh giá các chỉ số hiệu quả hoạt động ESG nhằm thúc đẩy trách nhiệm giải trình và tạo ra giá trị lâu dài.

Một cơ chế đòn bẩy chiến lược có thể sử dụng để nâng cao trách nhiệm giải trình của lãnh đạo về phát triển bền vững, đó là các chế độ đãi ngộ và ưu đãi đối với người điều hành. Những người tham gia khảo sát thừa nhận tính trọng tâm của trách nhiệm giải trình: 75% cho biết hiện đã chú trọng hơn vào trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm giải trình của các giám đốc và đội ngũ quản lý về việc doanh nghiệp có đạt được bước tiến nào trong các mục tiêu ESG hay không.

Nghiên cứu này đã hỏi người tham gia về những thay đổi quản trị họ nghĩ là cần thiết nhằm củng cố cách tiếp cận của họ đối với ESG và giá trị dài hạn, sau đó xác định những thay đổi chính mà họ đã thực hiện trong hai năm qua để tăng cường trách nhiệm giải trình và những ưu tiên của họ trong tương lai. Như Hình 6 cho thấy, chế độ đãi ngộ sẽ là trọng tâm chính trong hai năm tới.

Mục tiêu đã rõ nhưng việc thiết kế và triển khai các chế độ đãi ngộ tập trung vào ESG lại phức tạp và thách thức hơn. Mặc dù sự liên kết của ESG với chế độ đãi ngộ cán bộ quản lý là một bước đi quan trọng, nhưng nó không phải là thuốc chữa bách bệnh về phát triển bền vững. Vấn đề này có nhiều sắc thái đòi hỏi phải xem xét cụ thể và đánh giá xem cách tiếp cận có hiệu quả hay không.

Các vấn đề xung quanh chế độ đãi ngộ tập trung vào ESG

  • Trước khi các chế độ lương thưởng được xác định, các tổ chức cần căn chỉnh các chỉ số, KPI, thời hạn cũng như cơ cấu giám sát và quản trị phù hợp. Đây có thể là một thách thức. Các doanh nghiệp cần đánh giá chiến lược của mình và xác định chỉ số nào phù hợp nhất với họ, đồng thời đảm bảo rằng trọng tâm được dành cho cả ba trụ cột E, S và G. Với mỗi ngành sẽ có những đặc trưng khác nhau.
  • Có một câu hỏi là mức độ dựa trên kết quả và đầu ra và quy mô nào là phù hợp. Ví dụ, nếu chỉ thưởng cho một CEO dựa trên kết quả đầu ra thì có thể bỏ qua công việc xuất sắc mà họ đã làm trong việc thay đổi quy trình hoặc văn hóa để đạt được mục tiêu, chẳng hạn như thúc đẩy tính đa dạng. Ngoài ra, khi nói đến kết quả, cần phải làm rõ về cách thang đo chạy từ “thành tích vừa phải ” đến “hiệu quả hoạt động cao”, để sự tiến bộ có ý nghĩa cũng được đánh giá và khen thưởng.
  • Có một câu hỏi về tính trọng yếu, hoặc mức thù lao liên quan đến các biện pháp ESG. Nếu các doanh nghiệp định thay đổi hành vi của người điều hành và thúc đẩy hiệu quả hoạt động lâu dài, họ cần đảm bảo rằng một phần tiền lương đáng kể đang bị đe dọa. Dựa trên kinh nghiệm của mình, các chuyên gia về chế độ đãi ngộ của EY tin rằng các doanh nghiệp cần định ra một mức lương đáng kể liên quan đến các mục tiêu ESG, với các mục tiêu rõ ràng nhằm tạo ra động lực.

 


Sự tin tưởng và tính minh bạch: báo cáo hiệu quả để định hướng doanh nghiệp và hỗ trợ sự tham gia của nhà đầu tư

Báo cáo của doanh nghiệp ngày càng được kỳ vọng sẽ bao gồm các công bố thông tin quan trọng về ESG cùng với các thông tin khác để cho thấy cách doanh nghiệp đang mang lại giá trị cho tất cả các bên. Áp lực phải cải thiện báo cáo ESG đang ngày càng tăng lên với các doanh nghiệp và lãnh đạo doanh nghiệp – từ các nhà đầu tư cổ phiếu, doanh nghiệp bảo hiểm, các bên cho vay, trái chủ và công ty quản lý tài sản cũng như khách hàng. Tất cả các bên liên quan này muốn biết chi tiết hơn về các yếu tố ESG nhằm đánh giá đầy đủ tác động của các quyết định.

Các CEO và ban giám đốc cần hành động nhanh chóng để đáp ứng kỳ vọng của các bên liên quan và cả truyền thông về cách họ tạo ra giá trị lâu dài. Trong cuộc khảo sát Báo cáo Doanh nghiệp Toàn cầu mới nhất của EY, 74% trong số hơn 1.000 CFO và các lãnh đạo tài chính cho biết họ đã nhận thấy sự tăng tốc của “quá trình chuyển đổi từ báo cáo tài chính truyền thống sang mô hình báo cáo nâng cao bao gồm báo cáo tài chính và ESG” trong 12 tháng qua.

Trong Khảo sát Giá trị Dài hạn và Quản trị Doanh nghiệp , như Hình 7 cho thấy, khoảng một phần ba các doanh nghiệp “rất hài lòng” rằng các công bố thông tin ESG mà họ chia sẻ với các bên liên quan là hoàn toàn đáng tin cậy (35%), mang tính trọng yếu (31%) và được truyền thông rõ ràng (33%).

Nhìn về phía trước để thiết lập một chương trình phát triển bền vững chủ động

Một chương trình ESG có khả năng khai mở giá trị lâu dài cần phải được gắn với chiến lược kinh doanh cũng như quản trị của doanh nghiệp. Nếu chương trình ESG không là trọng tâm của công tác quản trị, cơ hội thành công lâu dài là không chắc chắn. Cần phải có tinh thần hợp tác khi quá trình chuyển đổi sang phát triển bền vững diễn ra và các thực hành  tối ưu xuất hiện. Đây là quá trình những người tham gia đưa ra các phản hồi mang tính xây dựng. Các phản hồi cần phải tương xứng nếu các chuẩn mực báo cáo mới tạo ra một bức tranh khác về cơ hội và rủi ro ESG của doanh nghiệp so với suy nghĩ trước đây.

Báo cáo này cho thấy cách ban giám đốc doanh nghiệp châu Âu có thể đưa ra thông tin, kỹ năng, mô hình hoạt động và báo cáo phù hợp để xây dựng chương trình phát triển bền vững chủ động và thực sự thực hiện các cam kết ESG của doanh nghiệp.


Tóm lược

Phát triển bền vững đang được chú trọng và các ưu tiên ESG sẽ đặt ra cả thách thức cũng như cơ hội cho các doanh nghiệp châu Âu hiện tại và trong tương lai. Quản trị doanh nghiệp vững mạnh và vai trò trung tâm của ban giám đốc là yếu tố then chốt trong tiếp cận chủ động với ESG, thực hiện thay đổi văn hoá và tư duy cần thiết thúc đẩy quá trình chuyển đổi bền vững. Để xây dựng một chiến lược thành công, ban giám đốc phải có mô hình hoạt động, dữ liệu và khả năng đưa ra định hướng và hỗ trợ mạnh mẽ, áp dụng các phương pháp sáng tạo để khen thưởng và đãi ngộ, đồng thời nghiên cứu các cách thức mới để tối ưu hóa báo cáo ESG.

Về bài viết này