How are the developments in GST shaping the automobile sector?

Ba cách giúp ngành kế toán dẫn đầu trong hành động về khí hậu

Ngành kế toán có cơ hội tận dụng kinh nghiệm của mình trong suốt thế kỷ vừa qua vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.


Tóm lược

  • Kỹ năng của các chuyên gia kế toán sẽ đảm bảo đạt được các chỉ số khí hậu nhất quán trên toàn cầu.
  • Họ sẽ đảm bảo sự độc lập của báo cáo và công bố thông tin khí hậu.
  • Thông qua vai trò của mình trong hội đồng quản trị và ban quản lý, các chuyên gia kế toán và tài chính sẽ mang lại kỷ luật trong việc lập báo cáo khí hậu và bền vững.

Tổng lượng phát thải khí nhà kính hàng năm trên toàn cầu hiện nay là khoảng 51 tỷ tấn. Khoa học khí hậu cho chúng ta biết những nguồn phát thải carbon lớn nhất phải đạt mức phát thải ròng bằng 0 (net-zero) vào năm 2050 để tránh một thảm họa khí hậu. Để đạt được net-zero yêu cầu các cam kết lớn từ phía chính phủ và doanh nghiệp. Điều này chỉ có thể khả thi nếu các hoạt động phát thải được ghi lại chính xác để phản ánh đầy đủ thiệt hại môi trường mà chúng gây ra.

Trong thông điệp vào tháng 6, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G7 đã kêu gọi bắt buộc phải công bố thông tin tài chính liên quan đến khí hậu dựa trên khung báo cáo do Lực lượng Đặc nhiệm về Công khai tài chính liên quan đến khí hậu (TCFD) ban hành. Trong đó, họ nhấn mạnh “sự cần thiết làm xanh hóa hệ thống tài chính toàn cầu để cân nhắc các nhân tố khí hậu khi đưa ra quyết định tài chính. Điều này giúp huy động hàng nghìn tỷ đô la từ khu vực tư nhân và củng cố chính sách của chính phủ nhằm đáp ứng các cam kết net-zero.”

Ngành kế toán như chúng ta biết ngày nay xuất hiện vào cuối thế kỷ 19 để cung cấp các dịch vụ báo cáo và kiểm toán cũng như phục vụ lợi ích công chúng. Nghề này khi phát triển đã mang lại sự tin tưởng, tính minh bạch và niềm tin vào thị trường vốn trên toàn thế giới. Ngày nay, nghề kế toán đang phải đối mặt với cả thách thức và cơ hội: tập hợp kinh nghiệm hàng thế kỷ về đo lường, công bố thông tin và đảm bảo cũng như đồng hành cùng chính phủ, doanh nghiệp và xã hội dân sự nhằm giải quyết khủng hoảng về khí hậu. Đây là cách ngành kế toán sẽ giúp điều đó xảy ra:

1.   Giúp đạt được các chỉ số nhất quán toàn cầu

Kể từ khi thành lập Ủy ban Tiêu chuẩn Kế toán Quốc tế vào năm 1973 (sau đó được thay thế bởi Hội đồng Tiêu chuẩn Kế toán Quốc tế (IASB)), những tiến bộ hướng tới việc đạt được các chuẩn mực kế toán toàn cầu là rất quan trọng. Ngày nay, hầu hết các tổ chức toàn cầu báo cáo bằng cách sử dụng Nguyên tắc Kế toán được Chấp nhận Chung của Mỹ (GAAP) hoặc Tiêu chuẩn Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS), trong đó IFRS đang được hơn 160 khu vực pháp lý sử dụng.

Mặc dù các chuẩn mực kế toán của Mỹ và IFRS không đề cập rõ ràng đến biến đổi khí hậu, trong những năm gần đây, Ủy ban Chứng khoán và giao dịch Mỹ (SEC) và IASB đã đưa ra hướng dẫn về các yêu cầu công bố thông tin liên quan đến biến đổi khí hậu. Năm 2010, SEC đã ban hành hướng dẫn (pdf) cho các công ty đại chúng về các yêu cầu công bố thông tin hiện có khi áp dụng cho các vấn đề về biến đổi khí hậu, đây là hướng dẫn mà ban lãnh đạo SEC gần đây đã chỉ đạo cơ quan này rà soát lại. Vào tháng 11 năm 2020, Tổ chức IFRS đã xuất bản tài liệu giáo dục để nhấn mạnh cách các yêu cầu hiện có trong các chuẩn mực IFRS bắt buộc doanh nghiệp phải xem xét các vấn đề liên quan đến khí hậu khi tác động của chúng là quan trọng đối với báo cáo tài chính.

Đồng thời, những tiến bộ vượt bậc đã đạt được trong việc thiết lập các chuẩn mực rõ ràng cho việc lập báo cáo về khí hậu và bền vững rộng hơn. Điều này bao gồm lời kêu gọi của SEC về việc cung cấp thông tin cho việc công bố thông tin về biến đổi khí hậu, Ủy ban Châu Âu đề xuất Chỉ thị Báo cáo Bền vững của Doanh nghiệp (CSRD) và Tổ chức IFRS đề xuất thành lập một hội đồng tiêu chuẩn bền vững.

Khi qúa trình thiết lập chuẩn mực toàn cầu cho việc lập báo cáo và công bố thông tin về khí hậu tiếp tục hoàn thiện, vẫn còn nhiều câu hỏi cần trả lời bao gồm thông tin nào nên tự nguyện hoặc bắt buộc đưa vào báo cáo, thông tin nào được coi là trọng yếu và liệu báo cáo khí hậu có nên tích hợp vào báo cáo quản trị hay giữ trong một báo cáo bền vững riêng biệt. Sự đóng góp của các chuyên gia kế toán vào quy trình này rất quan trọng để đạt được các chỉ số nhất quán trên toàn cầu và công bố thông tin đáng tin cậy, có thể so sánh và phù hợp.

Tải xuống báo cáo của chúng tôi để biết thêm về sự phát triển ESG và thiết lập tiêu chuẩn báo cáo phát triển bền vững.

2. Cung cấp sự đảm bảo đối với báo cáo và công bố thông tin về khí hậu

Khi ngày càng nhiều tổ chức báo cáo thêm thông tin và công bố cho các bên liên quan về các cam kết khí hậu và mức độ tác động, nhiều nghi vấn ngày càng tăng xoay quanh mức độ sâu sắc của các công bố, mức độ rủi ro và khả năng phục hồi, cũng như những lo ngại về “tẩy xanh”. Các công ty có thể muốn hoặc được yêu cầu cung cấp xác nhận liên quan đến việc công bố thông tin của họ như một cách để duy trì niềm tin cho các bên liên quan.

Sự độc lập về báo cáo và công bố thông tin về khí hậu có thể làm tăng độ tin cậy của các báo cáo, khả năng phục hồi của doanh nghiệp và niềm tin vào thị trường tài chính. Quá trình này có thể đảm bảo một lộ trình kiểm toán chặt chẽ liên quan đến khí hậu và báo cáo môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG), thông qua việc kiểm tra và thử nghiệm báo cáo quản lý, các mô hình và công bố thông tin (ví dụ: các giả định cơ bản, độ nhạy của các mô hình và kiểm soát nội bộ về thông tin công bố).

Các công ty nên tập trung vào việc chuẩn bị kiểm toán như một phương tiện để xây dựng niềm tin của các bên liên quan và tuân thủ nghĩa vụ pháp lý dự kiến. Ví dụ, CSRD do Ủy ban Châu Âu đề xuất sẽ yêu cầu nhiều doanh nghiệp tìm kiếm sự đảm bảo đối với thông tin được báo cáo về bền vững thông qua kiểm toán viên hoặc nhà cung cấp dịch vụ đảm bảo độc lập.

3. Tích hợp chức năng kế toán và tài chính

Một doanh nghiệp chỉ có thể mang lại giá trị cho tất cả các bên liên quan khi sử dụng các kỹ năng và ý kiến ​​đóng góp của toàn bộ tổ chức, dưới tầm nhìn chung của ban lãnh đạo. Đội ngũ kế toán và tài chính có thể đóng một vai trò then chốt trong nỗ lực tập thể này bằng cách tham gia, thấu hiểu và kết nối các yêu cầu của các bên liên quan, đặc biệt là các nhà đầu tư, và biến những yêu cầu đó thành chỉ số và thông tin công bố quan trọng có liên quan.

Các báo cáo phải xác thực, đáng tin cậy và phù hợp với các bên liên quan và tạo mối liên hệ rõ ràng giữa thông tin tài chính và phi tài chính. Giám đốc tài chính (CFO) và kiểm soát viên tài chính có thể thiết lập tính kỷ luật vào các quy trình và biện pháp kiểm soát báo cáo phi tài chính, dựa trên kinh nghiệm và kiến ​​thức về các thực tiễn hàng đầu nhằm hỗ trợ công tác lập báo cáo bền vững và ESG. Chức năng tài chính giúp thiết lập quản trị hiệu quả và đạt được sự đảm bảo độc lập đối với các quy trình, biện pháp kiểm soát và dữ liệu đầu ra phi tài chính. Điều này rất quan trọng để xây dựng sự tin tưởng và tính minh bạch với các bên liên quan.

Như được thể hiện trong báo cáo mới của chúng tôi, tương lai của các tiêu chuẩn báo cáo bền vững, với sự hợp tác của Oxford Analytica, trong 12-18 tháng tới sẽ mang lại những đổi mới quan trọng nhất trong kế toán và báo cáo doanh nghiệp sau nhiều thập kỷ.

Trong khi các tiêu chuẩn của từng lãnh thổ và toàn cầu được phát triển, cần nhớ rằng báo cáo và công bố thông tin khí hậu không phải là thuốc trị bách bệnh cho tương lai net-zero, nhưng chúng rất quan trọng đối với thách thức toàn cầu để giảm phát thải và chống biến đổi khí hậu.

Tóm lược

Ngành kế toán đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc hợp tác với chính phủ, doanh nghiệp và xã hội dân sự nhằm giải quyết khủng hoảng khí hậu.