Chuyển đổi số trong ngân hàng

Ngành ngân hàng tăng tốc chuyển đổi số thời “bình thường mới”


Đại dịch COVID-19 mang tới nhiều thách thức với nền kinh tế, nhưng cũng là cú huých để các ngành, bao gồm cả ngân hàng, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.

Ngân hàng, những “nhân viên cứu trợ” đặc biệt

Theo sát đường lối của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các tổ chức tín dụng (TCTD) đã thực hiện các chính sách giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm phí dịch vụ thanh toán.

Những chính sách này đóng vai trò then chốt trong việc hỗ trợ tài chính kịp thời và bằng chính nguồn lực của ngành tới các đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Kể từ đầu năm 2020, NHNN đã liên tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành và đảm bảo thanh khoản thông qua việc mua ngoại tệ và chào mua các giấy tờ có giá trên thị trường, từ đó tạo điều kiện cho các TCTD giảm mặt bằng lãi suất cho vay đối với khách hàng, giúp các doanh nghiệp và người dân tiếp cận với nguồn vốn để duy trì hoạt động kinh doanh và vượt qua khó khăn.

Đồng thời, việc triển khai cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và các Thông tư sửa đổi, bổ sung, đã tiếp thêm động lực cho các doanh nghiệp kiên trì tham gia sản xuất, đảm bảo công ăn việc làm và an sinh xã hội, cũng như tạo tiền đề đổi mới, sáng tạo nhằm thích ứng với những diễn biến khó lường của đại dịch.

Bên cạnh đó, nhiệm vụ trọng tâm của NHNN đối với các TCTD đó là tăng trưởng tín dụng một cách hợp lý, an toàn, hiệu quả và tập trung vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát nguồn tiền vay chảy vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Nhờ vậy, tính đến 31/12/2021, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 13,53%, so với cuối năm 2020, theo NHNN. Trong đó, dòng tín dụng chuyển dịch tích cực vào năm lĩnh vực ưu tiên, bao gồm nông nghiệp và nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ cao, góp phần cơ cấu lại các nhóm ngành sản xuất - kinh doanh và hướng tới phục hồi nền kinh tế.

Tăng tốc chuyển đổi số - Chiến lược tất yếu

Một điểm nhấn đặc biệt trong năm 2021 đó là nền kinh tế số phát triển trong điều kiện dịch bệnh bùng phát.

Mọi hoạt động như y tế, an sinh xã hội, sản xuất và cung ứng hàng hóa, giáo dục, tài chính bắt buộc phải tìm đến các giải pháp chuyển đổi số và thực hiện thông qua các kênh trực tuyến nhằm giảm thiểu những gián đoạn trong công tác vận hành toàn bộ nền kinh tế.

Điều này đã gia tăng quy mô kinh tế số Việt Nam nhanh chóng trong năm 2021, đạt 21 tỷ USD, tăng tới 31% so với năm 2020 (theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Dự báo đến năm 2025, nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt 57 tỷ USD, đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á (chỉ sau Indonesia) (theo nhận định trong Báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á” của Google, Temasek và Bain & Company năm 2021).

Là một mảnh ghép không thể thiếu của nền kinh tế, ngành ngân hàng cũng không đứng ngoài tiến trình chuyển đổi số tất yếu này. Bên cạnh những ảnh hưởng sâu sắc tới việc phát triển kinh tế - xã hội, “cú huých” từ đại dịch Covid-19 đã góp phần xúc tiến đổi mới, sáng tạo trong việc số hóa các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng, cũng như chuyển đổi mô hình làm việc từ trực tiếp sang trực tuyến.

Theo khảo sát Chỉ số Tiêu dùng tương lai, thị trường vốn và ngân hàng do EY Toàn cầu xuất bản năm 2020 (EY Future Consumer Covid Survey - Banking & Capital Markets – 2020), 43% số người tham gia khảo sát nói rằng, cách thức họ sử dụng các dịch vụ tài chính đã thay đổi do đại dịch; 57% sử dụng tiền mặt ít hơn trong thời gian giãn cách; 20% dự kiến sẽ sử dụng ít tiền mặt và dịch chuyển lên các kênh thanh toán trực tuyến trong những năm tới.

Các kênh thanh toán trực tuyến cũng chứng kiến sự bùng nổ trong khối lượng giao dịch, với mức độ sử dụng tăng đến 14% chỉ 3 tháng sau khi đại dịch khởi phát tại Trung Quốc. Bắt kịp với xu hướng này, các TCTD hiện đã và đang triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu, phát triển cũng như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong tối ưu hóa sản phẩm, dịch vụ, quy trình nội bộ và hoạt động nghiệp vụ.

Theo một khảo sát về hiện trạng chuyển đổi số ngành ngân hàng của NHNN thực hiện vào cuối năm 2020, 42% TCTD đang xây dựng và 39% đã và đang thực hiện triển khai chuyển đổi số theo chiến lược riêng hoặc tích hợp vào chiến lược phát triển kinh doanh; 60% TCTD có mức độ sẵn sàng từ trung bình trở lên về kiến trúc, công nghệ, tổ chức phục vụ mục tiêu số hóa.

Những thống kê tích cực trên thể hiện một cột mốc quan trọng của tiến trình số hóa ngành ngân hàng Việt Nam. Bằng nỗ lực thích ứng với nhu cầu thay đổi của khách hàng, cũng như việc mang lại giá trị gia tăng cho khách hàng và xây dựng lợi thế cạnh tranh, các ngân hàng đã thúc đẩy chiến lược áp dụng công nghệ số trên mọi hoạt động, bao gồm cả kinh doanh và vận hành.

Một số ngân hàng thuộc khối ngân hàng tư nhân tiên phong trong chuyển đổi số, ra mắt các nền tảng ngân hàng số mới cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp trong năm 2021 nhằm đưa trải nghiệm khách hàng được xuyên suốt và liền mạch. Nhờ đó, khối lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện tử của khách hàng tăng lên đáng kể trong năm qua.

Đơn cử, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) có tổng số lượng giao dịch qua ứng dụng ngân hàng di động MyVIB tăng tới 177% năm 2021, theo báo cáo thường niên năm 2021.

VIB cũng đã tung ra nhiều sản phẩm số hóa toàn diện, chẳng hạn như đăng ký và phát hành thẻ hoàn toàn trực tuyến với công nghệ eKYC và eSignature, liên kết với các đối tác bên ngoài để phát triển hệ sinh thái, giúp người dùng có thể sử dụng dịch vụ ngân hàng thuận tiện hơn.

Điều này đến từ việc VIB đã chú trọng và tăng cường đầu tư, ứng dụng các công nghệ như Big Data (dữ liệu lớn), AI (trí tuệ nhân tạo), RPA (tự động hóa), IoT (internet vạn vật) vào quy trình xử lý các giao dịch và thực hiện các tính năng khác trên ứng dụng ngân hàng điện tử.

Thách thức phía trước đòi hỏi nỗ lực không ngừng nghỉ

Với khả năng thích ứng trước Covid-19 như hiện tại, Việt Nam hoàn toàn có thể kỳ vọng vào tương lai phục hồi và khởi sắc của nền kinh tế trong năm 2022. Tuy nhiên, quá trình mở cửa nền kinh tế, kích thích tiêu dùng và đầu tư có thể song hành với 2 rủi ro lớn: Rủi ro về lạm phát do sức ép lên giá hàng hóa và rủi ro tăng lãi suất do các chính sách thắt chặt tài khóa và tiền tệ của Chính phủ.

Ngoài ra, chất lượng tín dụng có thể bị ảnh hưởng bởi dịch khiến nợ xấu tiềm ẩn gia tăng, nợ xấu cũ tồn đọng cũng như quá trình xử lý nợ xấu mới kéo dài khi các chính sách cơ cấu, gia hạn nợ và xử lý nợ xấu hết hiệu lực vào nửa cuối năm 2022.

Theo đó, sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các cơ quan quản lý và các TCTD là vô cùng quan trọng để có thể điều hòa giữa các mục tiêu hỗ trợ phát triển nền kinh tế và tiêu kiểm soát lạm phát, đảm bảo chất lượng tín dụng và an toàn hoạt động trên toàn hệ thống ngân hàng.

Hướng về thời buổi “bình thường mới”, các ngân hàng cần linh hoạt hơn trong việc nắm bắt các xu hướng dài hạn bắt đầu từ đại dịch, ví dụ như việc dịch chuyển sang các mô hình kinh doanh số mới và tương tác lấy khách hàng làm trọng tâm, tăng cường năng lực duy trì và phục hồi hoạt động.

Những thay đổi trong tư duy của khách hàng và các yếu tố về nhân khẩu học như dân số trẻ yêu thích, am hiểu về công nghệ, tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh cao, các chính sách hỗ trợ và thúc đẩy chuyển đổi số của Chính phủ, cơ sở hạ tầng số ngày càng được đẩy mạnh và phát triển khiến cho chuyển đổi số trở thành một xu thế bắt buộc.

Một kỷ nguyên số mới mở ra với không ít thách thức, nhưng cũng mang tới cho nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng những cơ hội chưa từng có. Do đó, các ngân hàng cần chủ động thích nghi và đẩy mạnh nghiên cứu, đầu tư, ứng dụng công nghệ để hiện đại hóa hệ thống ngân hàng và từng bước thay thế các mô hình vận hành truyền thống dựa vào con người với các mô hình số hóa mang lại hiệu quả cao hơn về chi phí cũng như tối ưu hóa lợi nhuận.

Theo Đầu tư Chứng khoán, Chuyên trang của Báo đầu tư, xuất bản ngày 5 tháng 6 năm 2022

Ghi chú dành cho độc giả:

Quan điểm trong bài báo này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của tổ chức EY toàn cầu và các thành viên.


Our related articles

ESG và cơ hội từ thị trường tài chính bền vững

Công bố thông tin về Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) đang ngày càng trở nên phổ biến trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh các nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn tới các chỉ số phát triển bền vững của doanh nghiệp trước khi ra quyết định đầu tư.

    Tóm lược

    Đại dịch COVID-19 góp phần xúc tiến đổi mới, thúc đẩy các ngân hàng số hóa các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng, cũng như áp dụng công nghệ số trên mọi hoạt động, bao gồm cả kinh doanh và vận hành để mang lại giá trị gia tăng cho khách hàng và xây dựng lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, để vượt qua những thách thức phía trước, các ngân hàng cần linh hoạt hơn trong việc nắm bắt các xu hướng dài hạn và những thay đổi trong tư duy của khách hàng.

    Về bài viết này