Chương 1: Ngọn cờ tiên phong

Khi kỳ Đại hội Đảng lần thứ VI được tổ chức vào cuối năm 1986, Việt Nam đang đối mặt với các khó khăn kinh tế với tỷ lệ lạm phát hàng năm liên tục ở mức 3 con số. Giá trị xuất khẩu đạt xấp xỉ 500 triệu USD, ít hơn đáng kể tổng giá trị nhập khẩu (1,22 tỷ USD). Dù Chính phủ đã đạt được một số thành tựu đáng chú ý trong lĩnh vực y tế và giáo dục, thâm hụt tài khóa đã làm cho nền kinh tế trở nên thiếu bền vững. Hầu như không có bóng dáng đầu tư nước ngoài và việc công dân Việt Nam được qua lại quan hệ kinh doanh tại các thị trường quốc tế là rất hiếm. Ngoài các nhà ngoại giao và nhân viên cứu trợ nước ngoài tới làm việc, có rất ít công dân và nhà kinh doanh từ các thị trường phát triển tới làm việc tại Việt Nam. 

Trong kỳ Đại hội Đảng lần thứ VII năm 1991, một số cải cách được thông qua đã hỗ trợ đáng kể các hoạt động đầu tư, giúp doanh nghiệp nâng cao trình độ và chất lượng sản xuất. Tăng trưởng kinh tế đạt mức 6%, song các khoản đầu tư tài chính trong lĩnh vực dầu khí và điện lực của Nga (trước đây là Liên Xô), đóng góp một phần quan trọng vào tốc độ tăng trưởng này. Giá trị xuất khẩu đạt hơn 2 tỷ USD, gấp khoảng 4 lần so với năm 1986; tuy nhiên, xuất khẩu vẫn chủ yếu phụ thuộc vào ba mặt hàng chính là dầu thô, gạo và hải sản. Do đó, không ít người vẫn còn hoài nghi về tính bền vững của đà tăng trưởng này. 

Có thể thấy, vào đầu thời kỳ đổi mới 1986, công cuộc cải cách kinh tế có mức ảnh hưởng không đáng kể đối với hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Lúc bấy giờ, viện trợ từ Nga và các nước Đông Âu khác đã bị cắt bỏ. Trong khi đó, các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chỉ giới hạn ở các hoạt động tư vấn cho Việt Nam thay vì hỗ trợ tài chính. Do đó, các nguồn lực ít ỏi đã được dành cho chương trình phục hồi sau chiến tranh, thay vì dành cho mục đích tăng trưởng kinh tế.

Tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và lạm phát (1989-2014)

Trong khi nền kinh tế Việt Nam trải qua quá trình chuyển đổi từ hệ thống kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa thực sự thể hiện niềm tin vào xu hướng này. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được phê duyệt năm 1992 không khác với năm 1988, năm đầu tiên Việt Nam nhận nguồn vốn FDI, với số vốn giải ngân thực tế thậm chí còn thấp hơn. Điều này phản ánh sự do dự của các doanh nghiệp nước ngoài đối với thị trường Việt Nam.

Có thể thấy rằng tỷ lệ vốn FDI được giải ngân trong những năm đầu rất thấp và không có xu hướng tăng tương ứng với lượng vốn đăng ký. Điều này một mặt có nguyên nhân khách quan là những biến động kinh tế thế giới, nhưng mặt khác cũng phản ánh một thực tế là vẫn còn rất nhiều trở ngại trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam.

Vốn FDI được đăng ký và giải ngân giai đoạn 1988-2014

Quyết định thành lập của EY tại Việt Nam được đánh giá là rất táo bạo và có tầm nhìn chiến lược. Bối cảnh thời điểm đó hầu như không có nhiều hứa hẹn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo đầu tiên đã quyết định đặt nền móng, thành lập hai văn phòng đại diện tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với niềm tin mãnh liệt vào công cuộc Đổi mới tại Việt Nam.

Đổi mới và hội nhập quốc tế sẽ mang lại nhiều lợi ích cho phát triển kinh tế của Việt Nam, trước hết là việc giải phóng các nguồn lực và hình thành tư duy phát triển kinh tế mới. Với sự tham gia ngay từ những ngày đầu, EY mong muốn được đồng hành, hỗ trợ Chính phủ Việt Nam dần xóa bỏ cơ chế bảo hộ, trợ cấp, minh bạch hóa hoạt động kinh doanh và các cơ chế chính sách, thúc đẩy xây dựng các chuẩn mực về tổ chức sản xuất, quản lý và văn hóa kinh doanh.

Hành trình của EY Việt Nam trong 30 năm qua song hành với chính sách “mở cửa”, quá trình cải cách kinh tế và sự phát triển của Việt Nam sau nhiều năm nền kinh tế trong nước phải trải qua những khó khăn do cấm vận và khủng hoảng kinh tế toàn cầu. 

Khi EY bước chân vào Việt Nam, ngành kiểm toán độc lập và các dịch vụ đảm bảo vẫn còn rất sơ khai. Thị trường hầu như chưa có nhận thức về kiểm toán độc lập và các quy định liên quan cũng chưa được ban hành. Điều này đã tạo ra vô số thách thức và rào cản đối với các doanh nghiệp kiểm toán, đặc biệt là đối với các tổ chức nước ngoài bởi lẽ kiểm toán là một dịch vụ có nhiều yếu tố nhạy cảm.

Vào thời điểm đó, nhiều người Việt Nam thậm chí còn chưa biết đến khái niệm và thuật ngữ kiểm toán. Từ “audit” trong từ điển tiếng Việt, thời điểm đó, mới được định nghĩa chung chung, không rõ ràng, chẳng hạn như “kiểm tra kế toán”, “thanh tra hoặc kiểm tra tài chính”.

Điều gì dẫn tới quyết định đầu tư của EY vào Việt Nam 30 năm trước?

Trích lời ông Lenard Xieu Tan, Founding and Country Managing Partner, EY Việt Nam 

“Đại gia đình EY Indochina thân mến!

Từ một khởi đầu nhỏ bé và khiêm tốn với lòng kiên trì và can đảm vượt qua những trở ngại lớn, chúng ta đã xây dựng nên nền tảng của một EY Indochina lớn mạnh ngày hôm nay!

Mai Anita (Phu nhân của ông Lenard Xieu Tan) và tôi xin chúc mừng sự phát triển và thành công của EY Indochina. Năm 1988, khi Việt Nam vẫn trong bối cảnh bị cấm vận kinh tế, EY đã có mặt tại Việt Nam trong một văn phòng đơn sơ đặt tại Tp. Hồ Chí Minh với vỏn vẹn hai thành viên. Tiếp theo đó chúng tôi mở văn phòng tại Hà Nội trong một căn phòng nhỏ của cơ quan Chính phủ với bốn thành viên, một trong số đó là Tổng Giám đốc EY Indochina hiện nay: Anh Trần Đình Cường - người đồng nghiệp và cũng là người bạn quý của tôi. Tôi luôn tin vào tiềm năng của Việt Nam với thế mạnh địa lý và vị trí chiến lược, có biên giới tiếp giáp với Trung Quốc và đường bờ biển dài và chỉ mất chưa đầy hai giờ bay đến Hồng Kông và Singapore. Chúng tôi đã nhìn thấy một cơ hội đáng mơ ước để đổi mới và phát triển thị trường tài chính. Việt Nam cần phải có một ngành dịch vụ kế toán và kiểm toán độc lập vững chắc để hỗ trợ sự phát triển kinh tế và đối mặt với những thách thức trong quá trình phát triển.

Để phát triển ngành dịch vụ kế toán và kiểm toán độc lập, tôi đã sớm nhận thấy việc dựa vào thế mạnh của một đối tác kinh doanh đáng tin cậy và có uy tín là rất quan trọng. EY Việt Nam đã được thành lập nhờ vào sự hợp tác chặt chẽ với EY Hồng Kông, EY Singapore và EY Úc, cùng với sự ủng hộ tuyệt đối của EY Toàn cầu.

Sự hợp tác này đã mang lại một số lượng khách hàng quốc tế sẵn có trong những ngày đầu. Ngay từ khi mới thành lập, EY đã hoạt động theo các giá trị kinh doanh cốt lõi dựa trên các mối quan hệ và sự tin tưởng. Thông qua EY Hồng Kông, chúng tôi đã kết hợp nguồn lực toàn cầu với nguồn lực nhân viên ban đầu để có thể cung cấp dịch vụ kế toán và kiểm toán theo tiêu chuẩn quốc tế. Điều này không có nghĩa là sự khởi đầu của công ty không gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi đã phải rất nỗ lực để công ty duy trì hoạt động ổn định dựa vào những khách hàng sẵn có và các khoản đầu tư cá nhân để dần gây dựng và phát triển thành một liên doanh thành công. Ngay từ trước khi được cấp Giấy phép thành lập, chúng tôi đã có chủ trương xây dựng đội ngũ địa phương giỏi thay vì đưa các chuyên gia nước ngoài vào điều hành.

Sau tất cả những nỗ lực từ khi có mặt tại Việt Nam, EY Việt Nam đã trở thành công ty hàng đầu trên thị trường: là công ty kiểm toán độc lập nước ngoài đầu tiên được Bộ Thương mại cấp giấy phép văn phòng đại diện, tiếp đến là công ty kiểm toán độc lập đầu tiên được Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (SCCI) cấp giấy phép hoạt động. Chúng tôi đã có lựa chọn đúng khi sớm đặt niềm tin vào anh Cường, đưa anh Cường tham gia chương trình trao đổi nhân viên toàn cầu làm việc tại EY Mỹ, đầu tư vào sự phát triển của anh Cường để anh ấy trở thành một Tổng Giám đốc EY Việt Nam thành công như ngày hôm nay.

Tôi luôn có niềm tin là khi bạn đi theo con đường bạn đã quyết tâm chọn lựa, những cánh cửa sẽ mở ra cho bạn ngay cả khi trước đó dường như không có gì là khả quan. Nếu bạn hỗ trợ doanh nghiệp, bạn cần hiểu về hoạt động của họ để qua đó cung cấp dịch vụ hiệu quả và chất lượng. Ngoài ra, đừng bao giờ quên rằng bạn phải giúp các đối tác trước khi họ có thể giúp bạn. Giá trị cốt lõi là chất keo giữ các doanh nghiệp sát cánh hỗ trợ nhau cùng phát triển. Những giá trị kinh doanh sẽ là lợi thế để cạnh tranh và vượt lên trong một thị trường có tính cạnh tranh cao.

EY Việt Nam không chỉ có thành tích vượt trội trong việc cung cấp các dịch vụ chuyên môn, mà còn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của Việt Nam sau công cuộc Đổi mới. Cụ thể, chúng tôi đã tạo ra tác động tích cực qua những hoạt động như:

  • Tạo điều kiện thuận lợi cho việc thay đổi luật Đầu tư nước ngoài, cho phép nhà đầu tư nước ngoài trở thành công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài
  • Thành lập các dịch vụ Đảm bảo
  • Hỗ trợ thành lập thị trường chứng khoán Việt Nam

Hỗ trợ quá trình cổ phần hóa và đổi mới các doanh nghiệp Nhà nước, và nhiều trách nhiệm và vai trò khác.

Thành công không phải là mãi mãi, và thất bại không phải là dấu chấm hết. Can đảm tiên phong và tiến bước là chìa khóa của thành công. Càng trải qua nhiều thách thức, chiến thắng càng vinh quang!

Nhân dịp này, tôi rất tự hào và vui mừng được chứng kiến đại gia đình EY tiếp tục sứ mệnh, trở thành một trong những công ty kiểm toán và tư vấn hàng đầu khu vực Đông Dương. Một lần nữa tôi xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất. Chúc EY đạt được nhiều thành tích và thành công trong tương lai."


Tóm lược

Lời chào từ EY Việt Nam 

Về bài viết này